Ads 468x60px

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Đài CNN cảnh báo: Ăn trầu có thể gây ung thư?

Ông Myo Than, 28 tuổi, chủ một cửa hàng bán mì ở một thành phố lớn nhất của Myanmar, thành phố Yangon cho hay: “Có người sau khi ăn xong, họ uống một tách trà hay café. Còn tôi sau khi ăn xong tôi thích nhai trầu. Nó trở thành sở thích cá nhân của tôi.”
Cũng giống như trà và café, trầu cũng mang lại cho người ăn nó niềm vui về tinh thần. Thế nhưng thói quen ăn trầu còn mang lại cho người ta nguy cơ bị ung thư miệng.
Theo giáo sư Ying chin Ko, phó chủ tịch của Đại học Y Khoa Kaohsiung của Đài Loan: “Nếu mỗi ngày chỉ nhai một tép trầu thì điều đó là vô hại. Nhưng mức độ nguy hiểm của việc ăn trầu tăng lên khi bạn bắt đầu nhai đến tép trầu thứ hai. Khi số lượng trầu bạn đã nhai đạt đến một mức độ nhất định nào đó, bạn sẽ bị ung thư.” Vị giáo sư này đã đưa ra kết luận trên sau khi tiến hành một số các nghiên cứu về mối liên hệ giữa những tép trầu và bệnh ung thư miệng vào những năm 1990.
Trong một tép trầu gồm có cau, vôi tôi, gói bên ngoài là một lá trầu xanh. Một số người còn bỏ vào trong một ít thuốc lá. Tùy theo từng khu vực khác nhau mà người ta còn thêm vào một số thành phần khác để làm tăng hương vị của tép trầu. Chẳng hạn như thảo quả, đinh hương, nghệ hoặc những thành phần có chất ngọt. 
Hiện nay trên thế giới có khoảng 600 triệu người vẫn đang giữ thói quen nhai trầu. Trong số các chất gây kích thích đến thần kinh, trầu được xếp thứ tư sau thuốc lá, rượu và đồ uống có chất caffein.
Nhai trầu được xem là một truyền thống của một số nước châu Á. Không chỉ có những người trưởng thành mới nhai trầu, một số quốc gia, những đứa trẻ cũng đã được phép nhai trầu như người lớn.
Tại Myanmar, những tép trầu được xem là một loại snack không thể thiếu đối với cánh tài xế, họ nhai những tép trầu để giữ sự tỉnh táo khi lái xe.
U Sein, 37 tuổi, hiện anh là một tài xế lái xe taxi, anh cho hay một ngày anh nhai khoảng 10 tép trầu. U Sein không hề hút thuốc lá, anh cho rằng việc nhai trầu tốt hơn là hút thuốc lá. Một gói gồm 3 tép trầu được bán với giá 100 Kyat (tiền Myanmar) khoảng 10 cents. 
Thói quen nhai trầu vốn đã có từ thời tiền sử, tại khu vực Nui Nap, tỉnh Thanh Hoá, Việt Nam, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những bộ răng bị nhuộm màu bởi một hợp chất được xác định là trầu và một số loại hạt.
Trải qua hàng thế kỷ, trầu đã trở thành một phần quan trọng của nghi lễ văn hoá và tôn giáo ở một số nước châu Á. Những tép trầu được sử dụng như một phương thuốc dược thảo để trị các chứng bệnh từ đau răng đến mụn trứng cá. Một số người còn tin rằng trầu có khả năng kích thích tình dục.
Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thói quen nhai trầu dễ dẫn đến mắc bệnh ung thư cho dù người nhai trầu có ăn kèm với thuốc lào hay không. Những chất gây ung thư có nguồn gốc từ thuốc lào và hạt cau đã được tìm thấy trong nước bọt của người nhai trầu, nhưng người ta vẫn chưa xác định được rằng những chất gây ung thư này liệu có phải được sinh ra trong quá trình người ta nhai tép trầu hay không hay có nguồn gốc từ thuốc lào.
Ở một số quốc gia, chính phủ đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân nhưng các nhân viên y tế cho hay: rất khó khăn để có thể giải thích cho người dân hiểu tác hại của một thói quen thuộc dạng truyền thống như việc nhai trầu.
Papua New Guinea vừa đưa ra một lệnh cấm bán và nhai trầu ở thủ đô Port Moresby, nhưng mục đích của lệnh cấm này là để giữ cho thành phố thoát khỏi sự xuất hiện của những bãi nước bọt màu đỏ khó coi bị nhổ vô tội vạ trên đường phố.
Tại Miến Điện, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, một tổ chức phi chính phủ, đã bắt đầu có những hoạt động để nâng cao nhận thức của công chúng về những rủi ro của thói quen nhai trầu, nhưng thông điệp của họ là hướng về sự nguy hiểm của việc lá trầu có chứa thuốc trừ sâu. Chủ tịch của hiệp hội này nói với CNN: “Từ lâu, lá trầu đã được sử dụng như thuốc lá, nhưng hiện nay trầu gây ra bệnh ung thư miệng do việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu trên lá trầu”.
Nhưng theo giáo sư Ying chin Ko, điều này là không có căn cứ khoa học, vì bản thân lá trầu và cau là những thực vật có sức đề kháng rất mạnh mẽ đối với các loại sâu bọ, vì vậy trong quá trình trồng trọt, người ta thường không sử dụng thuốc trừ sâu đối với hai loại cây này.
Mặc dù đã được giải thích rõ ràng về tác hại của trầu, nhưng Myo Min, người chủ tiệm bán mì vẫn giữ nguyên thói quen nhai 10 tép trầu mỗi ngày, vì theo người này: “Một ngày làm việc của tôi rất dài, tôi cần phải nhai trầu để giữ sự tỉnh táo thì mới làm việc được.”
Linh Nguyễn (Nguồn CNN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét