Ads 468x60px

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Chuẩn...

Rất nhiều thứ “chuẩn”. Tranh biếm hoạ. Nguồn: cuoito.net
Nguyễn Ngọc Hà
Ngành giáo dục luôn thích từ “chuẩn” và hình như lạm dụng từ này hơi nhiều từ này, nhưng có những cái chuẩn rất quan trọng lại không được lưu tâm.
Nhiều cái chuẩn được đưa ra, nào là “chuẩn hóa” đội ngũ giáo viên, trường “chuẩn quốc gia”, rồi đến bộ sách “giáo khoa chuẩn”, “chương trình chuẩn”.  Thế nhưng, những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục không khỏi lo ngại về tình trạng tiếng Việt và nhân cách sống của người trẻ hiện nay càng ngày càng xuống cấp. Không ai nghĩ đến hai chuẩn cơ bản của một công dân trong một đất nước trước khi đặt những chuẩn vĩ mô như hiện nay.
Ngoài chuyện học sinh (HS) viết sai chính tả be bét, viết một bản tự kiểm, một tường trình vụ đánh nhau thôi…chính giáo viên đọc không hiểu, việc các em phát âm sai đã là một nhức nhối cho những ai trót yêu tiếng Việt.
Có hai giọng chuẩn: Hà Nội và Sài Gòn.  Ngày xưa tôi học tại Sài Gòn được thầy cô dạy phát âm rất chuẩn, nhất là âm tr, ch, g, r…Hiện nay, hình như ngành giáo dục chỉ chú tâm các môn tự nhiên, luyện ‘gà nòi’ để thi quốc tế mà không chú ý đến phát âm của các em.
Thí dụ các em vô tư nói:”Ngày mai có bài kiểm cha”. Nếu tham gia vào một chuyến tham quan miền tây, sẽ dễ nhận thấy những từ đồng guộng từ những người rất trẻ Sài Gòn trầm trồ.  Đi học trễ, các em tỉnh bơ:“Thưa cô em đi chễ ?”.  Đa số đã quen âm tr thanh ch, như quan trong thành quan chọng; âm r thành g như “xin cô cho em đi ga woài.” (không có âm ng ở chữ ngoài).  Các em không quen cuốn lưỡi hay chu môi phát âm uyê.  Thí dụ, nói chuyện, cứ phát âm thành nói chiện, chính chuyên thành chính chiên
Hậu quả là chúng ta có một bộ phân người trẻ phát âm sai tiếng Việt trầm trọng.  Trong các cuộc thi, trò chơi truyền hình, người dự thi thường phát âm sai những âm trên. Thí dụ:“Hôm nay chúng tôi đến tham dự chương chình Chung Sức để…”. Lúc nào trên xe buýt, các tiếp viên lẫn khách đều:“Ghé chạm“.  Chuyện phát âm sai từ tr thành ch hình như đã được công nhận.  Ngày trước chúng tôi được dạy phát âm như thế là “nói đớt”
Hè 2009, trong chuyến du lịch Thái Lan, tôi thật xấu hổ khi hướng dẫn viên Suwat của Thái phát âm rất chuẩn giọng Hà Nội, trong khi hướng dẫn viên VN nói giọng Sài Gòn đớt đát với âm tr thành ch.  Thí dụ:“Chương chình tham quan của chúng ta…”  “Mời anh chị vô chong..”  Không biết Suwat có nhận thấy và cười thầm, chứ tôi thật khó chịu và thất vọng với chất lượng giáo dục cũng như sự tuyển chọn quá dễ dãi một hướng dẫn viên ra nước ngoài mà phát âm Việt ngữ kém xa người nước ngoài nói tiếng Việt.
Hỗn chiến trước sân trường. Nguồn: dantri.com.vn
Một “chuẩn” cũng rất quan trọng khác là “nhân cách chuẩn”. Học sinh đánh nhau, quay clip và tung lên mạng ngày càng nhiều. Đó là những “trận chiến” công khai được trưng bày ra trước bàn dân thiên hạ. Chưa ai thống kê được hằng ngày bao nhiêu cuộc hỗn chiến trước sân trường.  Nếu có ai rảnh rỗi, đi dạo qua các trường trung học, tất sẽ thấy những cuộc đánh nhau.  Nhẹ thì xé quần xé áo, u đầu sứt trán.  Nặng thì đổ máu. 
Tình trạng học sinh hỗn láo với thầy cô, quay phim thầy cô, quay cóp bài thi, tiêu cực trong thi cử…hơn cả cơm bữa. Có cả học sinh lớp 8 thuê giang hồ đánh thầy chủ nhiệm của mình. Các nhà giáo dục luôn nghĩ chuẩn này chuẩn nọ…Có ai nghĩ đến chuẩn làm người, chuẩn nhân cách cho học sinh chưa? 
Xin hãy dạy học sinh những điều cơ bản: kính trên nhường dưới, biết cám ơn, biết xin lỗi và nhất là biết xấu hổ.  Bấy nhiêu đó đã đạt đến “quá chuẩn” của cái gọi là dân trí rồi.  Đừng với những gì quá cao để rồi như hôm nay, nhìn lại mặt bằng các trường học cả nước, nhìn lại bộ phận giới trẻ xem, họ đã có những gì?    
Nguyễn Ngọc Hà

0 nhận xét:

Đăng nhận xét