Ads 468x60px

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Hàng không thương mại Nhật tuyên bố bất tuân lệnh Trung Quốc

Pháo đài bay B-52
Hai pháo đài bay B-52 của Mỹ bay qua vùng đảo tranh chấp ở biển Ðông trong cuộc tập trận hôm Thứ Ba 26-11. Hành động này thách thức tuyên bố chủ quyền mới nhất mà Bắc Kinh vừa đưa ra hồi cuối tuần. 
Theo các giới chức Hoa Kỳ, hai phóng pháo cơ không võ trang cất cánh từ đảo Guam, không đầy một giờ sau, vào lúc giữa trưa thì có mặt trong khu vực mà Trung Quốc nhận chủ quyền và không gặp một trở ngại nào.
Trong khi Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng cuộc tập trận đã được dự liệu từ lâu và không phải là phản ứng đáp lại bản tuyên bố mới nhất của Trung Quốc. Cuộc diễn tập xảy ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc công bố một bản đồ đi kèm với một loạt các qui định kiểm soát khu vực của họ, trong đó có những hải đảo do Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng nhận chủ quyền.
Hôm Thứ Bảy 23-11, Trung Quốc loan báo rằng mọi phi cơ bay qua khu vực phòng thủ mới phải liên lạc và tuân theo lệnh của chính phủ Trung Quốc nếu không sẽ gặp phải biện pháp quân sự. Tuy vậy theo các giới chức Hoa Kỳ, họ không gặp phản ứng nào từ phía Trung Quốc khi các phóng pháo cơ bay qua.
Hành động cho phóng pháo cơ bay qua vùng tranh chấp, đánh dấu hành động tức thời của Washington, bác bỏ việc Trung Quốc vừa mới nhận chủ quyền tại đây. Mỹ vốn có hằng trăm máy bay quân sự trong khu vực, khẳng định rằng họ hoàn toàn không có ý tuân hành theo lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhật cũng cho điều tuyên bố đó của Trung Quốc là vô giá trị, hai nước đồng minh thân cận khác của Mỹ là Nam Hàn và Ðài Loan cũng bác bỏ tương tự.
Ông Josh Earnest, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói với báo chí tháp tùng theo Tổng Thống Barack Obama ở Los Angeles, rằng “tuyên bố chủ quyền mới của Trung Quốc mang tính chất khiêu khích không cần thiết và gây tác động mất ổn định trong khu vực.”
Vùng “không phận phòng thủ” của Trung Quốc
trên máy điện toán thuộc Bộ Quốc Phòng Trung Quốc.
(Hình: AP Photo/Ng Han Guan)
Hành động nhận thêm chủ quyền ở các đảo tranh chấp của Trung Quốc, trước mắt chưa dẫn đến sự đối đầu nào với máy bay các nước khác, tuy nhiên chúng ăn khớp với những việc làm trước đây của họ là từ từ siết chặt thêm gọng kềm.
Tuyên bố của Trung Quốc là một thất bại bước đầu trong chính sách ngoại giao. Theo giới phân tích, Bắc Kinh có thể đã ước tính sai về phản ứng mạnh mẽ và tức thời của các nước láng giềng về lời tuyên bố của họ.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Á Châu vụ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington, DC, nhận xét, trong ngắn hạn quyết định của Trung Quốc tạo ảnh hưởng bất lợi cho họ trong khu vực. Bà nói: “Không lợi ích gì cho Trung Quốc khi gây căng thẳng với quá nhiều nước lân bang trong cùng một lượt.”
Ông Greg Waldron, chủ biên về Á Châu của tạp chí Flightglobal ở Singapore nói, Trung Quốc cũng trực diện với những khó khăn thực tiễn như thiếu khả năng tiếp liệu trên không, khả năng kiểm soát và báo động trước. Nói chung là họ còn gặp vấn đề về việc giữ phi cơ họ được lâu trên không và phát hiện sớm được máy bay lạ.
Dù có những khiếm khuyết như thế, Trung Quốc vẫn không tỏ dấu hiệu thoái bộ nào, tương tự như việc họ vẫn tiếp tục giữ thái độ gây hấn, cưỡng bách thi hành quyền kiểm soát các đảo tranh chấp ở biển Ðông.
Hãng hàng không Nhật Bản, All Nippon Airways,
từng có thông báo là sẽ tuân theo yêu cầu của
Trung Quốc, nay quyết định không nộp lịch bay.
(Hình: Getty Images)
Cùng lúc, các hãng máy bay thương mại của Nhật Bản tuyên bố sẽ không tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc, là phải nộp lịch bay khi đi vào vùng tranh chấp.
Theo bản tin của The Wall Street Journal, cơ quan kiểm soát hàng không Nhật Bản đã chỉ thị hiệp hội hàng không quốc gia này, yêu cầu không tuân thủ đòi hỏi của Trung Quốc.
Hai hãng hàng không Nhật Bản, Japan Airlines và All Nippon Airways, từng có thông báo là sẽ tuân theo yêu cầu của Trung Quốc, nay quyết định không nộp lịch bay.
Chính phủ Úc hôm 26-11 cho biết đã triệu đại sứ Trung Quốc đến để cho hay rằng “thời điểm và phương cách Trung Quốc loan báo quyết định của họ không giúp gì cho tình hình căng thẳng trong vùng và sẽ không góp phần tạo sự ổn định trong khu vực.”
“Úc nói rõ thái độ của mình là chống mọi hành vi áp đặt hay có tính cách đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trong vùng biển East China Sea,” theo Ngoại Trưởng Úc Julie Bishp.
Chính phủ Ðức nói rằng quyết định của Bắc Kinh “tạo rủi ro có đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Nhật.”
Chính phủ Mỹ trước đó cũng bày tỏ sự ủng hộ Tokyo, nói rằng đảo Senkaku nằm trong sự bảo vệ của Mỹ theo thỏa ước an ninh Mỹ-Nhật. (T.P.&V.G.) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét