Ads 468x60px

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Hết chịu khổ, rồi đến… chịu cực!

Ngập nước ở khu vực cầu Tân Hoá, quận 11. Ảnh: An Nhơn
Đào Lê
Ở hầu hết các dự án, công trình chống ngập, trước khi thi công, để “an dân”, cơ quan chức năng liên quan thường tuyên bố, xong dự án thì người được hưởng lợi đầu tiên là dân nên trước hết phải ráng chịu khổ. Nhiều năm liền, người dân TP.HCM đành chấp nhận sống trong cảnh lôcốt bao vây tứ bề với hy vọng khi công trình hoàn thành, đường sá, nhà cửa không còn cảnh ngập lụt. Nhưng, hỡi ôi...
“Sợ lắm bài học cũ”
Hàng loạt dự án chống ngập đã được đưa vào sử dụng nhưng mỗi khi mưa lớn và triều cường thì ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí còn ngập nặng hơn. Người dân mất hết lòng tin, đâm ra nghi ngờ các dự án mang tên chống ngập đang và sẽ triển khai.
Đường Bùi Hữu Nghĩa là một trong nhiều con đường ở quận Bình Thạnh sau khi được thành phố quan tâm xây dựng các công trình chống ngập thì nay vẫn đang chịu cảnh đường thành sông mỗi khi triều cường hay mưa to. Người dân trên tuyến đường ngắn này nhiều năm qua cuộc sống bị xáo trộn vì đường sá bị lật tung lên, lôcốt án ngữ ngay trước cửa. Nay, họ uất ức vì thấy sự hy sinh của mình trở nên vô ích. “Trước vì “đại cuộc” nên không dám ca thán khi bị lôcốt hành. Nay tưởng “ngon” như lời các cơ quan tuyên bố thì hỡi ơi, chỉ còn biết kêu trời. Đúng là trước chịu khổ, nay tiếp tục chịu cực!”, chị Hoàng Thị Lan, ngụ đường Bùi Hữu Nghĩa, bức xúc.
Khu vực Bàu Cát, quận Tân Bình từ nhiều năm trước đã có hàng loạt lôcốt bao vây ở các tuyến đường Âu Cơ, Luỹ Bán Bích… để thi công các dự án chống ngập. Tới nay, lôcốt rút đi, đường sá ngày càng... ngập nặng hơn. Cơ quan chức năng giải thích, hiện đang thi công dự án Tân Hoá – Lò Gốm nên người dân ráng chờ đến năm 2014, thời điểm dự án thi công xong, sẽ xoá ngập cho khu vực Bàu Cát. Nhưng liệu người dân còn tin vào những lời hứa đó?
“Đừng dùng từ xoá ngập để dân hiểu lầm”
Lý giải về tình trạng ngập ở ven dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, một cán bộ thuộc trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho hay, dự án này mới hoàn thành giai đoạn 1, còn phải triển khai tiếp giai đoạn 2. Cũng theo vị này, đường Bùi Hữu Nghĩa thuộc khu vực trũng nên rất dễ ngập. Còn có nguyên nhân quan trọng nữa là dự án cống ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn chưa thể vận hành, vì còn 5% khối lượng công việc chưa thi công xong.
Người dân buôn bán trong cảnh ngập
nước do triều cường. Ảnh chụp sáng
21.10 tại phường 27, quận Bình Thạnh.
Ảnh: Thanh Hảo
Nếu các dự án chống ngập mà thành phố đã và đang thực hiện đều hoàn thành, liệu còn cảnh đường và nhà dân chìm trong nước? Trả lời câu hỏi này, ông Hồ Long Phi, giám đốc trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC) TP.HCM, cố vấn các vấn đề ngập nước cho trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, nói: “Chúng ta không thể dùng từ xoá điểm ngập này điểm ngập nọ. Nói như thế là chủ quan, gây hiểu lầm trong dân. Chúng ta chỉ có thể khẳng định giảm ngập mà thôi. Theo tôi, ở một dự án chống ngập khi đưa vào sử dụng, nếu giảm ngập được 90% ở các lưu vực mà nó đi qua là đã quá thành công”.
Cũng theo ông Phi, chuyện ngập do tiết diện cống nhỏ hơn vũ lượng mưa hay thuỷ triều ở thành phố là do tính toán từ đầu chưa đồng bộ. “Ở Hàn Quốc, khi tình trạng trên xuất hiện, chính quyền nhanh chóng đào đường hay vỉa hè (chủ yếu là những con đường nhỏ – NV), chôn những khối xốp xuống và lát gạch con sâu lên, khối xốp sẽ tạm trữ nước, không gây ngập mặt đường. Giải pháp này cộng với việc quy hoạch thêm các hồ điều tiết thì TP.HCM sẽ khắc phục được tình trạng cống bị vượt quá công suất gây ngập như thời gian gần đây”, ông Phi nói.
Chống ngập bằng cốt nền?
Trên phương tiện truyền thông, bàn về vấn đề chống ngập cho TP.HCM, tại hội nghị lần thứ 16 ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá IX diễn ra ngày 26.10 vừa qua, ông Tất Thành Cang, giám đốc sở Giao thông vận tải, đưa ra giải pháp: sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành chỉ tiêu xoá bảy điểm ngập trong năm 2013. Năm 2014 – 2015 sẽ xoá thêm 14 điểm ngập... Để thực hiện việc này, ông Cang đề nghị sở Quy hoạch – kiến trúc cùng các cơ quan chức năng xác định, công bố cốt nền xây dựng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.
Vai trò nào của cốt nền trong công tác chống ngập? Theo ông Hồ Long Phi, xác định lại cốt nền để chống ngập chính là chuyện nâng cốt nền. “Xét ở khía cạnh lý thuyết thì việc nâng cốt nền chống ngập là bài toán vô cùng căn cơ và hơn hẳn việc làm đê bao. Tuy nhiên, thực hiện việc này đối với các cao ốc, các căn nhà đã được xây dựng là chuyện bất khả thi. Hơn nữa, nếu quy định nâng cao cốt nền áp dụng cho các công trình mới nằm xen kẽ với các công trình cũ thì chẳng khác nào đổ nước từ đây sang đó mà thôi”, ông Phi nói.
Việc nâng cao cốt nền chỉ có thể áp dụng được ở những khu vực mới, ít nhà dân, cần quy hoạch lại vì cốt nền ở các khu dân cư sẽ được nâng cao đồng loạt. Đi kèm với giải pháp này, đòi hỏi phải có đường dẫn cho nước chảy xuống cống, kênh mương, làm sao cho hợp lý.
Đối với đề xuất ban hành quy định bắt buộc có hồ chứa nước trên nóc nhà đối với những công trình xây dựng lớn, theo ông Phi cũng là một nhiệm vụ bất khả thi nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí. Ông Phi giải thích: hồ chứa nước nếu có xây dựng thì người ta xây dựng ở dưới tầng hầm chứ không xây trên nóc. Thứ hai xây dựng hồ chứa nước là rất tốn kém, Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ. “Tại sao chúng ta không quy định đóng phí môi trường qua việc thoát nước mưa của các công trình lớn để lấy tiền đó phục vụ công tác cải tạo hệ thống cống thoát”, ông Phi đề xuất. Có lẽ, việc cấp thiết trước mắt là chính quyền phải hướng dẫn người dân sống, sản xuất, kinh doanh thế nào để giảm tối đa những thiệt hại về ngập gây ra.
Ông Phi đặt vấn đề: “Về lâu về dài, trong công tác chống ngập phải xác định chỉ bảo vệ vùng cao. Nói đơn giản, nếu chính quyền tuyên bố chống ngập cho tất cả vùng trũng nhưng thực tế, các công trình bảo vệ lại luôn chỉ có giới hạn. Do đó, chúng ta không nên phát triển theo hướng bình thường nữa, mà nên phát triển theo hướng sẵn sàng đối mặt với nguy cơ. Đó gọi là thích nghi”.
Đào Lê

0 nhận xét:

Đăng nhận xét