Đình làng An Vĩnh |
An Bình – Phạm Anh
Được xây dựng từ thời vua Minh Mạng, đình làng An Vĩnh (ngày trước gọi
là Lý Vĩnh), ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), là nơi các chính quyền,
các tộc họ họp bàn việc làng, việc nước. Tại ngôi đình này, các binh phu
Hoàng Sa được tuyển chọn và làm lễ tiễn đưa họ dong thuyền ra Hoàng Sa
để làm nghĩa vụ với vua, với nước. Ngày 28-4 năm nay, tại đình làng An
Vĩnh đã diễn ra lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Ra đi từ mái đình làng…
Nơi gần nhất của quần đảo Hoàng Sa với đảo tiền tiêu Lý
Sơn là 140 hải lý. Do thuận lợi về vị trí, nên từ thời chúa Nguyễn,
hải đội Hoàng Sa đã được thành lập (với nòng cốt là những trai
tráng ở đảo Lý Sơn), cứ hàng năm vào khoảng tháng 2, tháng 3
âm lịch lại được lệnh ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ nhặt các sản
vật trên đảo và nhiều cổ vật từ các tàu buôn phương Tây bị
đắm trôi vào Hoàng Sa về dâng vua. Đồng thời, các binh phu còn phải
đo đạc hải trình, dựng miếu, đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền
trên quần đảo Hoàng Sa.
Làm lễ thả thuyền. Ảnh: Phạm Anh
|
Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc sở Văn hoá, thể thao
và du lịch tỉnh Quảng Ngãi, các chức sắc và tộc họ trên đảo Lý Sơn thời
ấy luôn tổ chức tuyển lựa binh phu tại đình làng An Vĩnh. Sau khi
tuyển chọn xong, đội binh phu được lệnh lên đường. “Trước đó, khi Lý Sơn
chưa tách ra làm đơn vị hành chính riêng, thì binh phu đi Hoàng Sa đều
xuất phát từ Sa Kỳ (cảng Sa Kỳ bây giờ), xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Đến khi dòng họ Võ ở Lý Sơn xin và thành lập làng An Vĩnh, An Hải trên
đảo Lý Sơn, tất cả binh phu Hoàng Sa đều ra đi từ mái đình làng An
Vĩnh”, ông Vũ cho biết. Thế nhưng, vào thời ấy, với năm chiếc thuyền câu
bé nhỏ đi giữa muôn trùng sóng gió, “người đi thì có, người không thấy
về”, nên cộng đồng đảo Lý Sơn làm lễ tiễn đưa các binh phu ra đi và gọi
đây là “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Giải thích về “tế”và “thế” diễn ra tại đình An Vĩnh, cụ
Võ Hiển Đạt ngụ ở thôn Đông, An Vĩnh, cho biết: “Thế” tức là những
chàng trai này sẽ thay cho đội quân ra đi từ năm trước để tiếp tục nhiệm
vụ. Còn “tế” ở đây là tế lúc họ còn sống, vì hầu như ai cũng biết rằng
họ ra đi nhưng chưa chắc đã trở về. Trước khi tạm biệt song thân, vợ,
con, những binh phu mang theo lương thực, bảy sợi dây mây, bảy nẹp
tre, một đôi chiếu và tấm thẻ bài được khắc tên họ, bản
quán. “Nếu chẳng may hy sinh trên biển, họ sẽ được đồng đội bó
xác lại và thả xuống biển với hy vọng khi trôi vào đất liền,
người dân sẽ biết tung tích họ để đưa về bản quán”, cụ Đạt nói
giọng ngậm ngùi.
Còn theo ông Nguyễn Cậu, người ở trong ban khánh tiết
lễ này cho biết: “Để phục vụ cho buổi lễ, các tộc họ phải tươm tất đâu
đấy đất hương hoả, ghe thuyền, trầu, rượu, vàng mã, thịt heo, xôi chè.
Bắt buộc phải có: một con gà, một con cá nướng, một con cua, một món gỏi
cá nhám. Bên cạnh đó, trên đàn lễ còn có: muối, gạo, củi, mắm, nồi
niêu… là những thứ mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo trên thuyền”.
Theo đó, tại đình An Vĩnh, lễ tế chính trong ba ngày, nhưng lễ vật lúc
này chỉ có trầu rượu, hoa quả. Trong ba ngày này, mọi lễ vật được tiếp
tục chuẩn bị, như làm thuyền lễ và bài vị. Sau khi lễ hiến tế ông bà
trong ngôi đình xong, đến khoảng 9 giờ 30 sáng ngày lễ chính, chiêng
trống được gióng lên báo hiệu cho bà con tộc họ đã đến giờ làm lễ yết.
Lễ tế lính Hoàng Sa được làm long trọng trước sân đình làng An Vĩnh do
trưởng ban khánh tiết điều khiển.
Sau khi làm lễ xong, đội thả thuyền gồm mười nam thanh
niên của làng An Vĩnh, rước thuyền từ sân đình làng xuống biển và thả
thuyền. Thuyền lễ năm chiếc được thả xuống biển, có đế bằng ba cây chuối
dài khoảng 1,5 – 2m, được kết lại với nhau bằng các thanh tre (đóng
bè), gắn giấy ngũ sắc, có buồm, cờ, phướn. Theo đó, có một chiếc lớn
nhất và bốn chiếc còn lại nhỏ hơn và bằng nhau. “Đây chính là những
thuyền câu, tượng trưng cho phương tiện binh phu ngày trước ra đi. Đó
không phải là thuyền bầu như lâu nay hay lầm tưởng, bởi thuyền bầu chỉ
vận chuyển hàng, đi gần bờ, chứ không thuận lợi cho việc đi xa bờ”, TS
Vũ nói. Các thuyền này được thả theo trình tự: hai thuyền nhỏ đi trước
với chức năng tiền trạm, thuyền lớn đi giữa (vì trên thuyền có cai đội)
và sau cùng là hai thuyền nhỏ. Trên thuyền đặt các hình nhân tượng trưng
cho người lính trong Hải đội Hoàng Sa.
Tri ân những binh phu
Trong biến động của lịch sử, đình làng An Vĩnh tuy còn
giữ cái vóc thái thuở nào, nhưng không thể yên lành trước những cuộc bể
dâu. Cùng với hàng trăm binh phu đã nằm lại vĩnh viễn dưới biển Hoàng
Sa, Trường Sa, nay chỉ còn là những mộ gió hiu hắt ở quê hương. Mãi đến
năm 2010, ngôi đình làng mới được phục dựng trở lại. Và, cũng vào tháng
4.2010, 1.000 tăng ni phật tử đã long trọng rước danh tánh bài vị của
các binh phu Hoàng Sa từ Âm Linh tự (thôn Đông, An Vĩnh) về thờ phụng ở
đình làng An Vĩnh, nơi họ dứt áo ra đi từ hàng trăm năm trước.
Những ngôi mộ gió của người lính Hoàng Sa |
Đến đảo Lý Sơn bây giờ, đình làng An Vĩnh uy nghiêm
khói nhang nghi ngút hàng ngày. Những ngư dân trên thuyền cá tại nơi
này, trước khi ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, họ đều đến đây
để thắp nén nhang cầu cho vong linh của binh phu phù hộ sao cho biển yên
trời lặng. Ngư dân Lý Sơn đời đời nhớ ơn binh phu Hoàng Sa ngày ấy, đã
là “binh”, là “Hải đội”, nhưng họ ra khơi không phải bằng những chiến
thuyền, mà bằng những chiếc thuyền câu và họ liên lạc với nhau bằng việc
thổi con ốc u trên biển. Ngày đó, tuy người lính đã chuẩn bị rất kỹ
cho… cái chết của mình, nhưng hầu như có rất ít xác của người lính thuỷ
trôi dạt về đảo. Vì vậy, người ta mới nghĩ ra việc làm những hình nhân
và xây mộ gió cho những người lính này. Về sau, những người đi biển khi
mất xác sẽ được làm hình nhân thế mạng trước khi chôn cất.
Cụ Võ Văn Toại ngụ ở thôn Đông, An Vĩnh, người chuyên
nặn hình nhân cho biết: “Những hình nhân bằng đất sét sẽ thay thế cho
thân xác họ nơi biển cả. Việc làm này không ngoài mục đích an ủi họ và
người thân trước mất mát”. Âm Linh tự chính là nơi lưu giữ những vong
hồn cũng như những ngôi mộ gió của người lính Hoàng Sa. Chính vì lẽ đó,
mà có thời điểm, khi đình làng An Vĩnh chưa phục dựng, Âm Linh tự là nơi
tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa...
An Bình – Phạm Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét