Ads 468x60px

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Nga trở lại Việt Nam

Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Leon Panetta
nói chuyện với thủy thủ đoàn trên chiến hạm
USNS Richard E. Byrd (T-AKE-4) khi chiến hạm
đa dụng thuộc hạm đội 7 Hoa Kỳ này vào thăm
vịnh Cam Ranh năm ngoái.
(Hình: Jim Watson/AFP/Getty Images)
HÀ TƯỜNG CÁT
Chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng Thống Nga Vladimir Putin đầu tuần này đánh dấu sự phục hồi quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã lơi lỏng trong 20 năm không phải vì lý do chính trị mà vì điều kiện kinh tế sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ.  
Đối với Nga, động thái này chỉ là một phần trong chiến lược khôi phục vai trò cường quốc hàng đầu trên thế giới mà Tổng Thống Putin đã muốn thực hiện từ nhiều năm qua. Xác định được vai trò của mình trong vấn đề Syria, nước đồng minh duy nhất của Nga ở Trung Đông, Tổng Thống Putin đang có thể nương đà thành công về ngoại giao ấy đẩy mạnh quan hệ với những quốc gia khác, trong đó Việt Nam là trường hợp tốt nhất để khởi sự tạo lập một đầu cầu vững chắc.
Cùng với chuyến thăm Việt Nam, ông cũng tới Nam Hàn và đề xướng việc tái lập “Con Đường Tơ Lụa”, tên của con đường buôn bán xuyên Trung Á từ nhiều trăm năm  lịch sử, bằng một thiết lộ xuyên Tây Bá Lợi Á nối liền Âu Châu với Đông Á. Theo tin của các cơ quan truyền thông quốc tế, đường sắt này sẽ đi ngang Bắc Hàn và chấm dứt ở cảng Busan, Nam Hàn. Phần đóng góp của ba nước cho dự án  là: Nga 36%, Nam Hàn 34% và Bắc Hàn 30%. Mặc dầu còn rất nhiều trở lực về chính trị cũng như kinh tế nhưng hai nhà lãnh đạo Nga – Hàn đều đồng ý ký kết bản thỏa thuận sơ bộ cho kế hoạch có viễn tượng giá trị lớn lao này.
Đồng thời Nga cũng đang vươn cánh tay tới Ai Cập trong tình hình bang giao Mỹ - Ai Cập đang gặp rắc rối vì vụ đảo chính quân sự lật đổ Tổng Thống dân cử Mohammed Mursi. Ngoại Trưởng Sergei Lavrov và Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu hôm Thứ Tư cùng lúc đến Cairo thảo luận về việc gia tăng mối quan hệ và có thể cả việc bán vũ khí cho Ai Cập. Tuần dương hạm mang hỏa tiễn Variag, soái hạm của hạm đội Thái Bình Dương, là chiến hạm Nga đầu tiên từ 20 năm đến bến Ai Cập và được nổ súng đón chào tại cảng Alexandria.
Trong Chiến Tranh Lạnh, Ai Cập  là đồng minh chính của Liên Xô ở Trung Đông, nhận được sự ủng hộ về ngoại giao, giúp cố vấn quân sự, và cung cấp vũ khí, hỗ trợ trong 3 cuộc chiến tranh với Israel. Nhưng sau đó năm 1972 Tổng Thống Anwar Sadat đã trục xuất toàn bộ phái đoàn 20,000 cố vấn quân sự Liên Xô, mở đường đi đến hiệp ước hòa bình với Israel và trở thành đồng minh của Hoa Kỳ.
Ngoại Trưởng Lavrov  tuyên bố với nhật báo Al-Ahram rằng phát triển quan hệ với Ai Cập là ưu tiên hàng đầu của điện Kremlin bây giờ. Sergei Markov, cố vấn đối ngoại của Tổng Thống Putin nói rằng: “Nga trở lại với Thế Giới Á Rập vì các quốc gia Á Rập yêu cầu chúng tôi như thế. Họ muốn có một nước bạn tin cậy hơn là Hoa Kỳ và Saudi Arabia”.
Nhiều người Việt Nam chống Cộng Sản cho đến bây giờ vẫn không có thiện cảm với nước Nga và hãy còn gọi là Liên Xô, mặc dầu mọi hoàn cảnh và tình thế đã không còn như cũ qua hơn 20 năm. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, một số nước Cộng Hòa Xô Viết cũ trở thành những quốc gia độc lập. Phần còn lại là Cộng Hòa Liên Bang Nga với diện tích 17 triệu km2, lớn nhất thế giới, trải rộng từ Âu Châu qua Viễn Đông trên 9 múi giờ, dân số 143 triệu gồm nhiều sắc dân phức tạp. Liên Bang Nga là một tập hợp 21 nước cộng hòa và 62 vùng lãnh thổ với nhiều quy chế khác nhau, trong đó Cộng Hòa Nga giữ vị trí và vai trò trung tâm. Thông thường người ta khó có thể phân biệt được Nga và Liên Bang Nga, ngoại trừ khi nói đến sinh hoạt của một số cơ chế chính trị.
Tổng Thống Boris Yeltsin là người đã có công xóa bỏ thể chế cộng sản, dân chủ hóa nước Nga và áp dụng đường lối kinh tế thị trường. Nhưng việc mau chóng tư hữu hóa đã tạo nên một nhóm “đại gia” quá giầu có và nắm quyền lực thao túng trong nhiều ngành hoạt động, đất nước Nga trở nên hỗn loạn và nền kinh tế suy sụp. Chính trong giai đoạn này Nga đã giảm dần hoạt động tại căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh và cuối cùng hoàn toàn rút khỏi đây năm 2002 khi không đồng ý đòi hỏi trả tiền thuê của Việt Nam mỗi năm $200 triệu.
Tổng Thống Vladimir Putin tái lập được trật tự, ổn định và hồi phục kinh tế cho nước Nga, tuy nhiên chính sách độc đoán của ông bị Tây Phương chỉ trích, nhất là từ khi ông tái ứng cử nhiệm kỳ thứ ba. Trong thực tế nước Nga không còn là chế độ cộng sản nhưng cũng chưa bao giờ trở thành một xã hội dân chủ và một nền kinh tế tư bản theo mẫu mực Tây Phương.
Bang giao Nga – Việt Nam qua một thời gian xuống tới mức rất thấp, cả về chính trị cũng như kinh tế,  liên hệ đáng kể duy nhất còn tồn tại là Việt Nam  vẫn còn phải trông cậy vào Nga trong ngành khai thác và sản xuất dầu khí. Tình trạng đối đầu tranh chấp biển đảo với Trung Quốc đưa Việt Nam tới chính sách mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia khu vực và trên thế giới. Thực thi chính sách này, Việt Nam tìm thấy ở Nga những điều kiện phù hợp cũng như vai trò thích ứng hơn là Hoa Kỳ trên nhiều mặt. Nga không bỏ qua cơ hội này, mở đầu bằng việc bán một số vũ khí cho Việt Nam, tiếp theo là đề nghị một hình thức trở lại căn cứ Cam Ranh.
Từ lâu Nga muốn phục hồi vị trí cường quốc hải quân, dù chỉ tới hạng nhì sau Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ đề ra chiến lược chuyển trục về châu Á, Nga cũng thấy rằng họ cần và có thể làm như vậy. Hải quân Nga được phân bổ trong 4 hạm đội, Bắc Đại Tây Dương là hạm đội quan trọng nhất; hạm đội Baltic, hạm đội Hắc Hải. Hạm đội Thái Bình Dương đặt căn cứ ở cảng Vladivostok có thường trực 10 chiến hạm chủ lực bao gồm tuần dương hạm và khu trục hạm phóng hỏa tiễn, tàu đổ bộ và khoảng 20 chiến hạm các loại khác.
Tháng 7 vừa qua, Phó Đô Đốc Sergei Avakyants, tư lênh hạm đội Thái Bình Dương, trong một cuộc phỏng vấn của truyền hình Nga, cho biết từ 2014 hạm đội này sẽ được tăng cường thêm nhiều chiến hạm, lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Theo ông trong số các chiến hạm mới có cả chiến hạm xung kích thủy bộ lớp Mistral mà Nga đã ký hợp đồng liên doanh với Pháp sản xuất 4 chiếc năm 2011, tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới, lớp Borey mang hỏa tiễn.
Nhưng hạm đội này  không có căn cứ tiếp liệu nào khác trở thành cô lập trong vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương và như thế căn cứ Cam Ranh trở thành nhu cầu thiết yếu nếu hải quân Nga muốn đóng một vai trò trên tất cả các đại dương.
Hồi tháng 3, trong chuyến thăm viếng Việt Nam, bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu đã thảo luận về kế hoạch tái tạo Cam Ranh thành một căn cứ sửa chữa và tiếp vận. Việt Nam dễ dàng chấp thuận để Nga trở lại Cam Ranh hơn là Hoa Kỳ vì không muốn trở thành sự khiêu khích đối với Trung Quốc. Hơn nữa Hoa Kỳ ở trong tình thế phải dè dặt cân nhắc và có thể phải chậm trễ mới đi tới quyết định. Nga không ở hoàn cảnh tế nhị đó và sự hiện diện của Nga không thể bị Trung Quốc ngăn trở dù hiểu rằng sẽ trở thành cái gai đối với họ. Nói cách khác, Nga có thể đem lại cho Việt Nam những gì khó tìm từ Hoa Kỳ.
Như thế, chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng Thống Putin, bên cạnh việc ký kết thỏa hiệp hợp tác toàn diện giữa hai nước và những thỏa thuận về trợ giúp quân sự, khai thác dầu khí, phát triển điện nguyên tử, còn có giá trị bảo đảm cho Việt Nam về mặt ngoại giao cũng như thực tế nếu xảy ra va chạm với Trung Quốc.
Cũng nên ghi nhận rằng trong lịch sử, Việt Nam đã từng xung đột quân sự với tất cả các nước lớn từ Trung Quốc tới, Pháp, Anh, Mỹ, Nhật,  nhưng chưa bao giờ có chiến tranh với Nga. Ở cách xa nhau về mặt địa lý là một điều kiện thuận lợi để giữa hai quốc gia không xảy ra những tranh chấp.
HÀ TƯỜNG CÁT 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét