Ads 468x60px

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

TẾT TẠI TÂM

BÀI 2: HAY DỞ ĐỀU DO CHÍNH MÌNH
Phạm Trần Lê
Những năm gần đây lời chê trách dành cho Tết đã thành câu cửa miệng của không ít người, chủ yếu tập trung vào tính hình thức, sự mệt mỏi mà Tết gây ra, và đặc biệt là tính nhạt: “Thôi, thế là vèo cái đã hết Tết”.
Nhưng Tết nào có tội tình gì? Tết thực chất là tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần mỗi cá nhân, cộng đồng. Hay dở đều do chính chúng ta cả!
Vả lại, trong tâm can hẳn đa số đều không muốn bỏ Tết. Hầu hết mọi người có lẽ vẫn mong chờ những khoảnh khắc sum họp gia đình ấm cúng trong ngày Tết.
Thời khắc giao thừa, khi đứng trước bàn thờ, nén hương, mâm ngũ quả, ai cũng đều có thể cảm thấy bản thể của mình được nâng lên một tầm mức cao hơn, không hẳn vì một thế lực siêu nhiên nào, mà vì chính chúng ta tự gột rửa những bụi bặm, phiền lụy của năm cũ, cảm thấy sự giao hòa của tình gia đình, tình cội nguồn với tổ tiên, và những ước mong cho một tương lai tươi đẹp sắp tới…
Như vậy, Tết vẫn đáp ứng vai trò của nó là cú hích tinh thần, tác động vào tất cả chúng ta, để tạo ra những khoảnh khắc khi mỗi cá nhân ở trong tâm thế tốt đẹp nhất của mình. Vấn đề là sau đó chúng ta tiếp tục duy trì và phát huy tâm thế tốt đẹp ấy như thế nào?
Liệu khi đối đãi với người khác, từ người thân tới người lạ, chúng ta có dùng tâm thế tốt nhất đó của mình để tìm cách giao cảm với tâm thế tương ứng của họ hay không?
Lời chúc mừng năm mới của chúng ta liệu có khởi phát từ tâm thế rộng lớn ấy, hay vẫn chỉ là những câu chữ khuôn sáo cứng nhắc? Bởi khi mỗi người khởi phát được tâm thế rộng lớn của mình, thì mối giao hòa giữa người với người trong cộng đồng, sẽ được khơi thông lần lượt theo chuỗi cảm ứng lan truyền, và đến lúc nào đó sự thuần phác và tử tế tiềm ẩn bên trong cộng đồng sẽ được khai lộ ra nhiều hơn.
Trong môi trường sống luôn thay đổi khiến thang bậc các giá trị dịch chuyển, Tết vẫn luôn có thể thích nghi nếu chính bản thân chúng ta chủ động thích nghi, trước hết bằng cách lựa chọn những giá trị mà chúng ta cho là tiến bộ, và tự linh hoạt điều chỉnh các nghi thức của Tết sao cho phù hợp với những giá trị ấy.
Lời nguyện cầu ngày Tết trước bàn thờ tổ tiên, hay trước ban thờ trong đền, chùa đâu cần do thầy thợ nào biên soạn, chính là do ta theo tâm mình mà lựa. Nên chăng, ngay từ lời nguyện cầu ấy mỗi người đều mở rộng lòng mình, không chỉ hướng tới những điều tốt đẹp cho cá nhân, gia đình, dòng tộc, mà còn cho cả quê hương, đất nước,…
Hoặc cũng không nhất thiết phải câu nệ vào một lời nguyện nào, chỉ cần một tâm thế thư thái tự nhiên, trong sáng, thành kính tròn vẹn với đồng loại, cội nguồn tổ tiên, trời đất, và quan trọng nhất là với bản thể tốt đẹp nhất của chính mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét