Ads 468x60px

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Nhật Bản và ‘’Điện hạt nhân Zero’’

Biểu tình chống điện hạt nhân tại Tokyo.
Minh Dũng
Chính phủ Nhật phải thay thế Tổng công ty điện lực Tokyo để giải quyết hậu quả tai nạn rò rỉ phóng xạ nhà máy điện hạt nhân Fukushima và đền bù cho các nạn nhân.
Cuối tháng 10 vừa qua, Phong trào chống điện hạt nhân ở Nhật lại bộc phát mạnh để ngăn chận việc chính quyền ông Abe có thể cho phép các nhà máy điện hạt nhân tái hoạt động theo đơn xin của các tổng công ty điện lực của nước này. Ngoài việc nêu rõ hiểm hại của điện hạt nhân, những cuộc mít-ting, biểu tình của người phản đối đều nói rõ chuyện tẩy trừ phóng xạ ở quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima chưa đi đến đâu cả, cư dân ở đó vẫn còn đi lánh nạn và chuyện bồi thường thiệt hại chưa thỏa đáng thì tốt nhất là bắt đóng cửa luôn.
Trong những hoạt động phản đối điện hạt nhân, người ta chú ý nhiều nhất là những buổi đi nói chuyện của ông Koizumi, cựu Thủ tướng Nhật. Tuy đã rời khỏi chính trường, nhưng tiếng nói của ông Koizumi vẫn còn nhiều ảnh hưởng đối với người dân Nhật, đặc biệt là chính giới trong đảng cầm quyền. 
Cựu Thủ tướng Koizumi
Đề tài ‘’Điện hạt nhân Zero’’ là một trong những đề tài chính mà cựu Thủ tướng Koizumi đem ra trình bày trong tất cả các cuộc nói chuyện của ông trước công chúng, đến nổi có tin đồn là ông Koizumi dự định thành lập một đảng mới có tên là đảng Chống Điện Hạt Nhân, quy tụ nhiều dân biểu, nghị sĩ của tất cả các đảng có chung ý hướng. để đối đầu lại với đảng cầm quyền Tự Do Dân Chủ của Thủ tướng Abe. Trong thời gian qua, tin đồn này thường được truyền thông Nhật đề cập tới nên cựu Thủ tướng Koizumi đã phải lên tiếng bác bỏ không có chuyện lập đảng mới đảng cũ gì hết. Trong cuộc họp báo hôm 12 tháng 11 vừa qua tại Hiệp hội Ký giả Nhật, ông Koizumi nói rằng: lập trường của tôi là chống điện hạt nhân vì nó quá nguy hiểm, nhưng không phải vì thế mà lập đảng mới. Theo tôi thì không cần có điện hạt nhân, Nhật Bản cũng có thể phát triển kinh tế được nếu chúng ta nỗ lực khai thác các nguồn năng lượng thiên nhiên khác và tiết kiệm điện. Chưa nói đến chuyện tai nạn xảy ra mà ngay đến các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng vẫn chưa tìm được cách phế thải thỏa đáng, chỉ có cho chúng vào thùng, hàn kín lại rồi đem chôn dưới lòng đất hay đáy biển đến cả trăm năm sau chưa chắc đã hết phóng xạ. Nếu các nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động thì số lượng thanh nhiên liệu hạt nhân mỗi ngày mỗi nhiều thêm lên thì giải quyết ra sao đây với những của nợ này. Liên quan đến điện hạt nhân nếu Thủ tướng Abe hỏi ý kiến tôi thì tôi sẽ yêu cầu bỏ nó ngay, đây là một quyết định chính trị mà một Thủ tướng có thể làm được. Nếu chính phủ đưa ra đường lối điện hạt nhân Zero thì sẽ có nhiều chuyên gia, khoa học gia tài giỏi đưa ra đề án tốt, khả thi, chứ hiện nay chưa có ai nghĩ ra được cách giải quyết hoàn hảo các thanh nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Thủ tướng Abe
Sau cuộc họp báo của cựu Thủ tướng Koizumi, số người phản đối điện hạt nhân ở Nhật tăng vọt đáng kể, ngay cả những người ủng hộ Thủ tướng Abe cũng trở thàng người phản đối điện hạt nhân. Chuyện bài trừ phóng xạ và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân ở Fukushima chưa được Tổng công ty Điện lực Tokyo giải quyết đến nơi đến chốn vì thiếu tiền nên trong phiên họp Quốc hội Nhật vào ngày 11 tháng 11 vừa qua các dân biểu đã hỏi chính phủ có hỗ trợ gì không?. Thủ tướng Abe trả lời rằng kể từ nay chính phủ sẽ không đặt tiền đề chừng nào thì trở về lại nhà trong việc trợ giúp cho tất cả những người phải lánh nạn phóng xạ, còn việc tẩy trừ phóng xạ coi như một kế hoạch trường kỳ,một phần của các chi phí này sẽ được trích từ ngân sách quốc gia, nhưng bao nhiêu thì chưa thể quyết định ngay phải chờ phản ứng của người dân. Khi được hỏi Thủ tướng nghĩ gì về những phát biểu của ông Koizumi thì ông Abe đáp rằng cựu Thủ tướng Koizumi là một ân sư trong sự nghiệp chính trị của tôi, hơn nữa ai cũng có quyền trình bày ý kiến của mình, nhưng tình hình thực tế cho thấy không thể ngưng điện hạt nhân ngay mà phải từ từ.
Nhật Bản có một đội ngũ chuyên gia lỗi lạc về nguyên tử lực đông đảo trên cả trăm người, đó là chưa kể rất nhiều kỹ sư, nhân viên nghành điện hạt nhân tận tâm và dày dặn kinh nghiệm trên 40 năm thế mà khi sự cố Fukushima xảy ra tất cả đều chới với tưởng chừng như bó tay. Nếu Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân mà xảy ra tai nạn thì người đâu ra mà cứu dân đây, có chết thì dân chết chứ lãnh đạo đảng CSVN và gia đình của họ có ở Ninh Thuận đâu mà sợ và chắc chắn lúc đó đã chuồng ra nước ngoài rồi, thưa có đúng không?.
Minh Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét