Ads 468x60px

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Vì “hoa hồng”, bác sĩ ưa đóng đinh, bắt ốc

Một thanh niên bị gãy chân, phải dùng đinh, nẹp,
bắt ốc. Xác định đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc là
cần hay không thường rất khó. (Hình: Phụ nữ TP.HCM)
Tuy không cần thiết nhưng nhiều bác sĩ tại Việt Nam thích đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc vào xương bệnh nhân vì nhờ vậy họ được hưởng “hoa hồng”.
Y giới chạy theo tiền, vứt bỏ y đức đang là một vấn nạn xã hội nghiêm trọng tại Việt Nam và một phóng sự do tờ Phụ nữ TP.HCM thực hiện, làm người ta thêm nản lòng khi nghĩ tới y giới và y đức. Báo này kể nhiều câu chuyện cho thấy, tình trạng nhiều bệnh nhân được bác sĩ đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc vào xương không phải do cần thiết mà chỉ vì làm như thế thì bác sĩ sẽ được tặng “hoa hồng”.
Chẳng hạn, một bệnh viện tư tại Sài Gòn đã yêu cầu cụ ông N.V.B, 72 tuổi, ngụ ở Vĩnh Long, bị “thoát vị đĩa đệm ở thắt lưng, cần phẫu thuật”, phải đóng thêm 70 triệu đồng để “đặt bốn cái nêm, bắt thêm sáu con ốc vào các đốt sống ở thắt lưng”. Do chỉ có thẻ bảo hiểm y tế chứ không có tiền để trả thêm, thân nhân đưa cụ ông N.V.B sang một bệnh viện công. Tại bệnh viện đó, các bác sĩ chỉ phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm bị thoát vị ra ngoài. Họ không đặt thêm bất kỳ cái nêm hay bắt thêm bất kỳ con ốc nào vào xương do “không cần thiết”. Chi phí cho ca phẫu thuật chỉ 10 triệu đồng và được bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ, cụ N.V.B không phải trả thêm đồng nào cho “nêm, ốc” mà vẫn có thể đi đứng bình thường như trước.
Tuy nhiên, theo tờ Phụ nữ TP.HCM, lạm dụng đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc vào xương bệnh nhân không chỉ xảy ra tại các bệnh viện tư. Có rất nhiều bệnh nhân không gặp may như cụ N.V.B, vì nhiều bệnh viện công cũng thiếu tử tế y hệt như bệnh viện tư mà cụ N.V.B từng gặp. 
Ông P.T.A, 27 tuổi, ngụ ở Kiên Giang, kể rằng, do chân trái của ông vừa tê, vừa đau, ông đến một bệnh viện công để khám. Các bác sĩ của bệnh viện đó xác định ông P.T.A bị thoát vị đĩa đệm nặng, cần phẫu thuật. Chi phí phẫu thuật được xác định là 10 triệu nhưng ông P.T.A được yêu cầu đóng thêm 25 triệu để mua đinh và ốc bắt vào cột sống.
Do không có tiền, ông P.T.A bỏ cuộc. Vài tháng sau, các triệu chứng tê, đau nặng nề hơn, ông P.T.A đến khám tại một bệnh viện công khác. Bệnh viện công này chẩn đoán y như bệnh viện công ban đầu nhưng xác định không cần đóng đinh, bắt vít. Ca phẫu thuật hoàn tất, chi phí được tính là 7 triệu đồng, ông P.T.A không phải trả thêm đồng nào vì ông có thẻ bảo hiểm y tế.
Tại sao có nhiều bác sĩ thích dùng đinh, đặt nẹp, bắt ốc vào xương bệnh nhân? Một người chuyên chào bán các dụng cụ y tế tiết lộ: “Giống như các trình dược viên (những người chuyên chào bán thuốc), chúng tôi cũng phải trả hoa hồng cho các bác sĩ điều trị và dành nhiều ưu đãi cho những bác sĩ sử dụng nhiều đinh, nẹp, ốc,...”.
Nhân viên này tiết lộ thêm rằng, các dụng cụ đặt vào cơ thể bệnh nhân có rất nhiều loại, giá cả rất khác nhau. Ngay cả ốc sản xuất ở châu Âu, tuy cùng mục tiêu sử dụng nhưng vì chất lượng khác nhau nên giá cũng khác nhau. Có loại chỉ 6 USD một con nhưng cũng có loại đến 60 USD một con. Giá trị của các loại dụng cụ được bác sĩ sử dụng càng lớn thì hoa hồng mà bác sĩ được chia càng nhiều.
Viên Giám đốc của Công ty Trang thiết bị kỹ thuật y tế Sài Gòn xác nhận: Do qua nhiều khâu trung gian, gánh nhiều khoản hoa hồng nên giá đinh, nẹp, ốc bị đẩy lên cao và bệnh nhân lãnh hết. Đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc vào xương bệnh nhân không chỉ gây tốn kém cho họ mà còn tạo ra nhiều nguy cơ, đe dọa sức khỏe của người bệnh.
Một bác sĩ tên là Vũ Viết Chính, làm việc tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn, cho biết, sau khi đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc vào xương bệnh nhân, có một số trường hợp, buộc phải lấy ra hết vì nhiễm trùng, sinh hoạt cá nhân bị ảnh hưởng, xương không lành hay các dụng cụ đã đặt vào ảnh hưởng tới chuyện chụp cộng hưởng từ. Việc lấy đinh, nẹp, ốc, ra như thế khiến người bệnh mất máu, đau đớn, gãy thêm xương lành...
Có thể ngăn chặn việc lạm dụng đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc để hưởng hoa hồng hay không? Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc cơ quan Bảo hiểm xã hội ở Sài Gòn, thú nhận là rất khó vì cùng một tình trạng nhưng giới tính khác nhau, độ tuổi khác nhau thì chuyện có chỉ định dùng đinh, nẹp, ốc hay không, hoặc sử dụng loại nào cũng đã khác nhau. (G.Đ)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét