Phiên tòa xét xử vụ án liên quan
đến việc tổ chức đưa ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Tổng công ty hàng hải,
bỏ trốn ra nước ngoài sau khi nghe tin bị truy tố tội tham ô, đã thu hút nhiều
chú ý của dư luận, đặc biệt về lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa hôm mồng 7
tháng 1 năm 2014 vừa qua.
Trong vai trò nhân chứng, ông Dương
Chí Dũng đã cung cấp khá chi tiết khoản hối lộ hơn 1 triệu Mỹ Kim cho Thứ
trưởng công an Phạm Quý Ngọ cùng với sự hứa hẹn giúp đỡ chạy án của Bộ trưởng
Công an Trần Đại Quang, bà Trương Mỹ Lan, giám đốc công ty Vạn Thịnh Phát, em
gái của bà nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và cũng là chị vợ của ông Lê Thanh
Hải, ủy viên bộ chính trị, bí thư thành phố Sài Gòn.
Theo lời trước tòa của ông Dương
Chí Dũng thì những nội dung nói trên đã được ông khai báo
đầy đủ cho cơ quan
điều tra nhưng đã bị công an (đàn em của Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ) ép
cung và mớm cung để sửa lại lời khai và không đề cập đến tên của Phạm Quý Ngọ
nữa khi chuyển hồ sơ sang cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân.
Có lẽ ông Dương Chí Dũng đã đổi lời
khai khi được hứa hẹn rằng ông Ngọ và ông Quang sẽ “bảo vệ”. Nhưng khi ra tòa,
điều bất ngờ cho ông Dương Chí Dũng là đã bị kết tử hình. Vì thế, sau phiên
tòa, ông Dũng đã viết thư kêu oan gửi cho Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng
ban nội chính trung ương và nói rằng sẵn sàng khai tất cả sự thật.
Vì thế mà những lời khai của ông
Dương Chí Dũng đã được coi như món quà đầu năm dành cho bộ ba Trương Tấn Sang,
Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Bá Thanh. Điều đáng chú ý là ngay khi kết thúc phiên
tòa xử vụ bỏ trốn của Dương Chí Dũng, hội đồng xử án đã nhanh chóng quyết định
khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm lộ bí mật nhà nước (ám chỉ Thứ Trưởng công
an Phạm Quý Ngọ đã báo cho ông Dũng bỏ trốn) tại tòa và giao cho Viện Kiểm Sát
Thành phố Hà Nội báo cáo Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao để xúc tiến việc truy
tố.
Nếu dựa trên những diễn biến nói
trên, phe ông Trọng và ông Sang sẽ tiếp tục khai thác ông Dương Chí Dũng để điều
tra ông Phạm Quý Ngọ, thẩm vấn Bộ trưởng công an Trần Đại Quang và bà Trương Mỹ
Lan nhằm truy tìm dấu vết “tham ô” của ông Nguyễn Tấn Dũng trong thời gian tới.
Rõ ràng là ông Dương Chí Dũng bỗng
trở thành một con người hết sức “quan trọng” của cả phe Nguyễn Tấn Dũng và phe
Nguyễn Phú Trọng - Nguyễn Bá Thanh.
1/ Phe ông Nguyễn Phú Trọng và ông
Nguyễn Bá Thanh muốn tiếp tục khuyến dụ ông Dương Chí Dũng để tố cáo phe ông
Nguyễn Tấn Dũng thật mạnh vì đây là đòn chí tử nhằm buộc ông Nguyễn Tấn Dũng
phải bỏ cuộc đua quyền lực trong đại hội đảng lần thứ XII.
2/ Phe ông Nguyễn Tấn Dũng và ông
Lê Thanh Hải (Bí Thư Sài Gòn) thì muốn ông Dương Chí Dũng “đột tử” để bịt miệng
và xóa đi những gì mà ông Dương Chí Dũng đã nói ra vì sẽ rất nguy hiểm cho ghế
ngồi an toàn của họ hiện nay.
Ngoài yếu tố sát phạt nhau giữa các
phe nói trên, nếu đặt vụ án Dương Chí Dũng vào hệ thống pháp lý bình thường của
một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa thì có lẽ những khúc mắc về vụ phá sản Tổng
công ty hàng hải nói trên đã được phanh phui từ lâu.
Thứ nhất, vì không có tam quyền
(Hành pháp - Lập pháp – Tư pháp) phân lập hẳn hoi, nên các lời khai thật liên
quan đến ông Ngọ, ông Quang của Dương Chí Dũng đã bị công an xóa bỏ trước khi
bị Viện Kiểm Sát đưa ra xét xử. Nếu như bản án chỉ dành cho Dương Chí Dũng
khoảng 20 năm như ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch tập đoàn Vinashin thì có lẽ các
tên tuổi Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang không bao giờ xuất hiện và người ta sẽ
không biết hai ông Ngọ và Quang đã toa rập và ăn nhiều nhất trong vụ tham ô của
Vinalines.
Thứ hai, qua vụ án Dương Chí Dũng
cho người ta thấy rõ bộ công an chính là nơi tham ô và nuôi dưỡng tham ô khi
Dương Chí Dũng kêu oan rằng số tiền tham ô từ Ụ Nổi gần 1,6 triệu Mỹ Kim đều
dâng nạp hết cho các quan lớn bên công an. Với một nhà nước có nền công lý
nghiêm minh, thì Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị kết án tử hình thì những
người như Trần Đại Quang, Phạm Quý Ngọ và Trương Mỹ Lan không thể không bị truy
tố và xử tội nhẹ hơn.
Thứ ba, việc ông Phạm Quý Ngọ tiết
lộ sự kiện ông Nguyễn Tấn Dũng cho lệnh truy tố để ông Dương Chí Dũng bỏ trốn,
cho người ta thấy là lãnh đạo CSVN đứng trên luật pháp. Quyết định truy tố ông
Dũng không phải do tòa án thụ lý sau quá trình điều tra của công an như các
quốc gia dân chủ mà lại đến từ lệnh của lãnh đạo – Thủ tướng chính phủ - chứng
tỏ là luật lệ mà CSVN lập ra đứng sau mọi quyết định tối hậu của một cá nhân lãnh
đạo.
Như vậy vụ án Dương Chí Dũng đã tô
đậm thêm một sự thật mà nhiều người đã từng chỉ trích là nền công lý tại Việt Nam đã hành xử
tùy tiện theo những nhu cầu riêng của một thiểu số lãnh đạo đảng. Rõ ràng là
đòi hỏi cải tổ thể chế ví dụ như áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập cũng chưa
đáp ứng sự độc lập của nền tư pháp đối với lãnh đạo mà quan trọng hơn là đảng
CSVN phải chấm dứt sự điều khiển nhà nước bằng Nghị quyết.
Nói một cách rốt ráo hơn là cần
phải bỏ ngay điều 4 Hiến pháp thì Việt Nam mới thực sự đáp ứng được hai điều mà
ông Nguyễn Tấn Dũng nêu ra trong bài Thông điệp đầu năm 2014: Cải tổ thể chế và
phát huy dân chủ. Hai động lực quan trọng này hiện chỉ là khẩu hiệu để cho bộ
tứ Sang -Trọng-Hùng-Dũng núp hầu tranh giành nhau cái ghế quyền lực độc tôn ở bên
trong đảng mà thôi.
Trung Điền
Ngày 9/1/2014
Ngày 9/1/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét