Tờ thị của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng hiện còn được lưu giữ ở Đền thờ Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) |
Thiện Ngộ
Bốn
bộ chính sử lớn của nước ta là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt
Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Nhất Thống Chí, Phủ Biên Tạp Lục đều
ghi lại năm 1471, vua Lê Thánh Tông nhà Hậu Lê đem quân Nam chinh, hạ
kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành (Quy Nhơn ngày nay).
Đức vua còn đem quân đuổi Chiêm Thành đến tận chân Đèo Cả rồi rút
về, lấy Đèo Cù Mông làm địa giới phân ranh giữa Đại Việt – Chiêm Thành.
Tháng 6 năm 1471, miền bắc Chiêm Thành (từ đèo Hải Vân tới bắc Phú Yên
ngày nay) được sáp nhập vào Đại Việt. Còn vùng đất phía nam đèo Cù Mông
vẫn thuộc người Man, người Lạo, cụ thể là thuộc hai vương quốc Hoa Anh
và Nam Bàn.
Nước Nam Bàn theo sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cho
biết là đất của Thủy Xá, Hỏa xá (Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc ngày nay).
Nước Hoa Anh theo ý kiến của giáo sư Đào Duy Anh và giáo sư Hà Văn Tấn
thì thuộc vùng đất tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay.
Theo dấu sử xưa
Dù sách Đại Nam nhất thống chí cho rằng vùng đất phía bắc Thạch Bi
Sơn đã là lãnh thổ Đại Việt kể từ năm 1471 nhưng mãi cho tới năm 1578,
khi Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh nhận lệnh chúa Nguyễn Hoàng đem quân
tấn công vào nước Hoa Anh, chiếm được thành Hồ (thị trấn Phú Hòa, huyện
Phú Hòa, tỉnh Phú Yên ngày nay) thì vùng đất từ dãy Cù Mông đến Đại Lãnh
mới chính thức do Đại Việt quản lý.
Tờ thị của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng ngày mồng sáu tháng
Hai, niên hiệu Quang Hưng (Lê Thế Tông), năm thứ hai mươi (Đinh Dậu,
1597) viết rằng “Báo cho Lương Văn
Chánh là Phù Nghĩa Hầu đã có công tòng quân lâu ngày, được quyền coi sóc
trấn An Biên, huyện Tuy Viễn, đốc thúc số lưu dân ở xã Bà Thê và các
phường thôn khách hộ theo làm nhiệm vụ, dẫn đem theo những hộ dân mới
tới đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Nông, trên từ vùng sơn cước,
dưới thì đến các cửa biển, cùng nhau lập nhà cửa, khai phá đất hoang
hóa thành ruộng vườn, trải qua ba vụ thì nộp thuế như lệ. Nếu sinh việc
sách nhiễu nhân dân mà bị phát giác sẽ phải chịu tội. Nay báo!”.
Tờ thị thể hiện
rõ quan điểm của chúa Nguyễn Hoàng nói riêng, các chúa Nguyễn sau này
nói chung là “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Hoành Sơn một dải,
dung thân muôn đời), tức lấy thu phục nhân tâm làm trọng, tập trung
khẩn hoang đất đai và xử lý nghiêm việc nhũng nhiễu dân lành.
Cư dân thời kỳ này bao gồm người Chăm ở lại và người Việt mới di
dân vào. Trước đó, vào năm 1306 khi vua Trần Anh Tông nhận hai châu Ô,
Rý là của hồi môn gả Huyền Trân công chúa từ vua Chế Mân của Chiêm Thành
thì người Việt mới di cư đến đã học được cách làm ruộng theo mùa của
dân Chăm, cày cấy vào tháng Mười để gặt vào tháng Tư vì ở châu Ô, Rý trở
vào Nam thì tháng Tư và tháng Năm rất ít mưa, nắng gắt và gió Lào khủng
khiếp. Từ đấy mà ta có những danh từ lúa Chiêm, cấy vụ Chiêm, gạo
Chiêm… để phân biệt với thói quen làm vụ mùa ở miền Bắc. Công cuộc mở
mang bờ cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn được thực hiện theo lối
tàm thực, sử dụng chính sách mềm dẻo, lấy phát triển dân sinh, mở mang
nông nghiệp làm trọng.
Do vậy trong thời gian này, người Việt vẫn coi mình là khách và
người Chăm (còn gọi là người Chiêm, người Hời) mới chính là chủ nhân
thực sự của vùng đất này. Hai châu Ô, Rý, tức là từ Trị Thiên trở vào
vốn là đất của người Chăm, nên dân gian cho rằng hàng năm cần phải qua
một nghi lễ thuê đất Chăm mà chủ là Ngung Man Nương. Do đó, người ta làm
lễ cúng đất, nói chính xác là Lễ tá thổ (thuê đất).
Lễ tá thổ |
Lễ tá thổ - một sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng
Lễ tá thổ gắn liền với trò diễn 'Đàn xà trảm mộc', vốn là một loại
hình nghệ thuật dân gian rất phổ biến trước đây ở nông thôn vùng duyên
hải Nam Trung Bộ, nhất là vùng Phú Yên – Khánh Hòa.
Theo một số người lớn tuổi ở Phú Yên thì câu chuyện được các cụ xưa
truyền miệng lại như sau: “Ngày xưa, khi dân cư đến lập nghiệp tại Phú
Yên, thường bị ma quỷ quấy nhiễu, dân chúng không làm ăn được. Dân làng
cầu các vị thần linh lên hỏi, mới biết là muốn được yên ổn làm ăn thì
gia chủ phải làm giấy “vay mượn đất” và “nạp lễ vật” cho chủ đất cũ (là
người Chăm)”.
Lễ cúng tá thổ được thực hiện ở phạm vi gia đình và làng xóm. Ở
làng xóm thì 3 hoặc 5 năm cúng một lần, ở gia đình thì ngày cúng thường
được tổ chức khoảng từ 16 - 18 tháng 3 (Âm lịch).
Lễ vật cúng gồm heo, gà, rượu, hương đăng, hoa quả. Đặc biệt phải
có 5 hòn đá để thầy phù thủy vẽ năm ông tướng trấn ở năm phương mảnh đất
đã thuê mướn. Trong lễ này, quan trọng nhất là việc ký khế ước thuê đất
giữa chủ đất và người thuê đất. Thời gian thuê mướn có thể 5 hoặc 10
năm hoặc lâu hơn. Các quan hệ thuê mướn do thầy phù thủy đảm nhận, thông
qua việc xin keo bằng hai đồng tiền âm dương, dưới sự kiểm soát của
Ngọc Hoàng Thượng Đế và Thái Thượng Lão Quân. Sau lễ này mà âm phù vẫn
để cho hoang quỷ về phá phách tức là đã vi phạm khế ước nên phải trị
tội. Lúc này, nhân dân tổ chức diễn 'Đàn xà trảm mộc' để đánh đuổi ma
quỷ không cho chúng nhiễu hại.
'Đàn xà trảm mộc' được mở đầu bằng ba hồi trống dài nhằm báo hiệu
với trời đất và khai thông thái cực. Tiếp đến, thầy lễ mời các vị chánh
bái, bồi bái, hào cựu lạy thần rồi đọc các hịch của lễ cúng là: Khai phù
sứ 'Sai 5 vị tướng trấn 5 phương', khai phù cờ 'Đem 5 lá cờ cắm 5
phương', phù diêm mỡ 'Đưa gạo muối về 5 phương', khai quang điểm nhãn
các quân hầu để nạp cho Bà Chúa Đất (Ngung Man Nương), phát lương, phát
hịch và cuối cùng là lớp tống quái. Vào lớp này, thầy phù thủy thực hiện
công việc 'đàn xà trảm mộc', đồng thời sai quân đem 5 ông tướng đi trấn
ở 5 phương. Xong việc, thầy phù thủy bắt đầu lễ cúng kỳ an và từ đây
dân làng cũng bước vào cuộc “xây chầu, đại bội” với các vở tuồng được
chọn trước như: Cổ thành, Phục huê dung đạo…
Ngày xưa, Lễ tá thổ được tổ chức rất công phu, đặt dưới sự điều
khiển của một thầy pháp – người trung gian thực hiện các thủ tục liên hệ
giữa cõi âm và cõi dương.
Ngày nay, đình Phú Cang (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh
Hòa) là nơi vẫn còn bảo lưu lễ hội kỳ an tá thổ, được tổ chức vào ngày
18 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Tục lệ này là một nét đẹp trong văn hóa,
thể hiện rõ nét quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa giữa người Việt
và người Chăm xưa.
Thiện Ngộ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét