Ads 468x60px

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Diêm Vương bắt Lính

Minh Văn
Đà Sơn vốn là một vùng đất đai trù phú, phồn thịnh quanh năm. Vùng này có 3 thôn kề nhau, nằm dọc con sông Cả, kéo dài đến tận đồi Mưng. Cư dân chủ yếu làm nông nghiệp và đánh cá ven sông. Đồi Mưng thoai thoải, cây cối rậm rạp mọc lan cả ra bờ sông. Trên đó có một ngôi đền cổ, được xây dựng cách nay đã hơn 300 năm, để thờ vị thần trấn giữ vùng này. Vì vậy mà người ta vẫn quen gọi là đền Mưng. Gần đến đồi thì nhà cửa thưa thớt dần, phần vì hoang vu, phần vì cái vẻ linh thiêng của khu đền.
Khoảng những năm 1980, khi đó Đà Sơn không hiểu có nạn dịch gì mà người bị bệnh chết rất nhiều. Xóm làng hoảng loạn, ai nấy đều lo sợ hoang mang. Số người chết toàn là thanh niên trai tráng cả, độ mười tám đôi mươi. Người ta đồn dưới âm phủ có chiến tranh, vì vậy mà Diêm Vương bắt lính để nhập ngũ. Nhà nào có con trai một thì phải gửi đi ở nơi khác, đợi cho hết nạn dịch thì mới dám đón về.
Bấy giờ không khí tang tóc bao trùm, cờ đám ma dựng khắp làng trên xóm dưới, tiếng khóc nỉ non. Khu nghĩa địa thấy toàn những ngôi mộ mới đắp, cỏ chưa kịp mọc. Các cụ cao niên bèn tập hợp nhau lại để bàn chuyện cứu dân vùng Đà Sơn. Họ sắm sửa lễ vật mang lên đền Mưng cúng tế, mong thần thổ địa ra tay phù hộ cho người dân tai qua nạn khỏi.
Khi mà người ta đang hy vọng vào sự linh ứng của thánh thần thì tai nạn lại ập đến. Thêm một thanh niên trong làng, buổi trưa đi nắng về nóng quá rồi tắm, thế rồi tự dưng lăn đùng ra ốm mà chẳng thuốc thang gì chữa được. Mấy ngày sau thì người bệnh qua đời.
Chẳng có sự trợ giúp khoa học nào, người ta tự phổ biến những kinh nghiệm dân gian để chống lại ma quỷ. Họ khuyên nhau không được tắm vào lúc giữa trưa hay ngồi dưới bóng râm. Vì như thế sẽ bị quỷ dưới âm phủ bắt đi. Hoặc nửa đêm về sáng, nếu có nghe tiếng ai đó gọi khẽ tên mình thì đừng có thưa. Nếu trả lời thì coi như đã bị Diêm Vương gọi, hồn sẽ lìa khỏi xác. Vì thế mà mùa hè trời nắng, đi đường dù có nóng đến mấy thì người ta cũng không dám ghé vào gốc cây ngồi nghỉ. Buổi tối trong lúc đi ngủ, cũng sợ vô tình mà trả lời tiếng gọi của ai đó chăng?
Có nhiều chuyện lạ liên tiếp xẩy ra trong thời gian này, khiến cho không gian dường như đặc quánh lại vì ma mị.
Giữa ban ngày ban mặt, nhiều người khi đi qua cây Muỗm đầu đình thì cứ nghe thấy tiếng trẻ con cười khanh khách trên đó. Lắm người còn bị đứa trẻ ném cả quả muỗm vào người. Cây muỗm cổ thụ, nhìn lên chẳng thấy gì ngoài cành lá rậm rì đung đưa. Có người tinh mắt thì khẳng định rằng, lúc nhìn lên cây thì thấy có hai đốm mắt rất sáng giống như của con Chồn hay Cáo vậy.
Ở thôn Tây có cụ Mẫn làm nghề đánh xe Bò, hằng ngày vẫn đi chở đất đá thuê cho người ta. Bữa nọ khi cụ đánh xe về đến nghĩa địa thì trời đã tối, chợt thấy một thanh niên đứng ở bên đường xin đi nhờ. Điều lạ lùng là, từ khi cậu thanh niên ngồi lên thì chiếc xe bò tự nhiên nặng chịch, cứ đi chậm như rùa.
Cụ quay lại hỏi:
- Nhà cháu ở đâu?
Cậu thanh niên trả lời:
- Cháu là Trung, con Bố Thắm ở xóm Đông, nhà cháu ở cuối xóm đó.
Cụ gật đầu ra chiều đã nhớ, chứ lũ trẻ con mới lớn lên sau này thì chẳng thể nào mà biết hết được. Cụ lại hỏi:
- Vậy chứ cháu đi đâu về mà đứng đây một mình vậy?
- Cháu đi lính, cụ quên rồi sao? Bữa nay nhớ nhà quá nên cháu trốn về ít hôm.
Xe đi đến cuối khu nghĩa địa thì tự dưng nhẹ bổng như mây. Cụ Mẫn quay đầu lại toan hỏi nữa thì không còn thấy cậu thanh niên đâu. Trong lòng hoang mang, cụ cứ bóp trán suy nghĩ mãi. Một lúc mới giật mình mà nhớ ra rằng, cậu bé lúc nãy đã mất cách đây ít hôm. Đúng như lời cậu ta nói, nhà ở cuối xóm Đông, bố tên là Thắm. Khi nó mất, cũng được người ta chôn ở nghĩa địa này.
Từng là khu dân cư trù phú, giờ đây Đà Sơn như một vùng đất chết vậy. Ban ngày người đi lại thưa thớt, tối đến thì cửa đóng then cài. Đâu còn cái vẻ đông vui tấp nập trước đây. Khu đồi Mưng vốn vắng vẻ, nay lại càng hoang vu hơn. Người ta nhìn lên ngôi đền, thầm trách thần thổ địa đã không ra tay cứu độ dân làng. Nhưng họ cũng chỉ nghĩ trong lòng vậy thôi, chứ nào dám nói ra lời. Vì thần linh bao giờ cũng có cách giải quyết riêng, người phàm trần đâu có thể hiểu và biết trước được.
Gần bờ sông Cả, có một người chuyên sống bằng nghề vớt vó. Cuộc sống tháng ngày cơ cực, đúng như câu “Thân cò lặn lội bờ sông” vậy. Ông ở đây một mình, chẳng có vợ con gì cả.
Tối nọ ông lão lân la vớt vó ở khúc sông dưới chân đồi Mưng. Kể ra cũng liều lĩnh, thời gian này thậm chí ban ngày người ta cũng không dám đến gần khu đồi nữa là. Nhưng vì lúc này cá ở những đoạn sông khác đã ít đi, trong khi chỗ này lại có nhiều do xưa nay không ai đánh bắt. Vớt một lúc mà chẳng được gì cả, nên ông liên tục chuyển chỗ. Bổng dưng  trời đột nhiên nổi mây vần vũ, kèm theo những tia chớp nhì nhoằng. Ông lão nhìn lên trời và được chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ. Trong ánh chớp sáng lòa, những đám mây có hình thù giống như một đoàn quân đang diễu hành ra trận. Sấm ì ùng nổi lên tựa tiếng trống trận trầm hùng. Cảnh tượng cứ như thế diễn ra trong vòng vài phút.
Chợt nghe một tiếng “bủm” dưới nước, tưởng là có cá ông liền nhấc vó lên, nhưng lưới trống không. Thất vọng, ông lại chuyển đi chỗ khác. Lần này lại có tiếng “bủm” vang lên, như là có người nào cố tình ném vật gì đó xuống nước để mà đuổi cá đi vậy. Mãi mê vớt vó, ông lão quên rằng mình đã di chuyển đến sát dưới chân đồi Mưng.
Lần này chờ thật lâu ông mới nhấc vó lên, thấy lưới nặng chịch. Khấp khởi mừng thầm vì chắc mẫm có nhiều cá. Vừa lúc đó thì một tia chớp loé lên sáng loè, soi rõ mọi thứ. Ông lão hoảng hồn, vì trong lưới không phải cá mà là một cái đầu lâu người. Sợ hãi, ông hắt trả cái đầu lâu kia xuống sông, không hiểu sao nó cứ bám chắc vào lưới. Ông đành phải kéo lên bờ để gỡ ra. Lúc này lại thấy trong vó có vật gì đó lấp lánh, giống như một tấm thẻ được sơn son thếp vàng. Cho là điềm lạ mà thần linh muốn mách bảo, ông không ném trả cái đầu lâu xuống sông nữa, cứ để vậy mà cuốn vó mang về.
Sáng hôm sau, ông lão mang cái đầu lâu và tấm thẻ kia ra cho dân làng xem. Sau khi xem xét kỹ, một cụ trong đám cao niên giải thích:
- Đây là thẻ bài Vua ban. Người này là một vị tướng quân.
Ai cũng lạ lùng kinh ngạc. Các cụ già khác thì bóp trán suy nghĩ rất lung. Ông lão vớt vó nói thêm:
- Dường như có thần linh mách bảo, khiến tôi cứ chuyển chỗ mãi, cho đến khi vớt được cái đầu lâu và tấm thẻ này.
Một cụ khác chậm rãi:
- Có thể đây là di cốt của vị tướng quân trong truyền thuyết. Ngày xưa tôi được nghe các cụ kể lại. Vào đời nhà Lê, vùng này có một vị tướng quân tham gia khởi nghĩa chống giặc Minh. Vị tướng đó đã hy sinh, thi thể bị quân giặc ném xuống sông Cả, và trôi dạt đến đây chăng?...
Mọi người đều cho là chủ ý của thần linh, bèn bàn nhau chọn một chỗ đất tốt mà chôn cất di hài. Các cụ cao niên lại rước linh vị tướng quân lên thờ tại đền Mưng, để quanh năm nhang khói.
Đà Sơn từ đó hồi sinh. Bệnh dịch hoàn toàn biến mất như chưa từng hiện diện nơi đây vậy. Chuyện Diêm Vương bắt lính cũng không còn xảy ra nữa. Ba thôn nhộn nhịp trở lại, cảnh vật vì thế mà sầm uất như xưa. 
Minh Văn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét