Ads 468x60px

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Ðặc điểm của quyển ‘100 Năm Cải Lương Việt Nam’ là gì?

Ngành Mai
Hình bìa cuốn sách “100 Năm Cải Lương Việt Nam”, với hình ảnh các nghệ sĩ lừng danh: 
Nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há - Ðệ nhứt danh ca Út Trà Ôn - 
Vương Hậu cải lương Thanh Nga. (Hình: Sưu tập của Ngành Mai)
Về cuốn sách “100 Năm Cải Lương Việt Nam” của tác giả Ngành Mai vừa phát hành, có người hỏi trong đó gồm những gì, có đầy đủ không? Thật vậy, nếu như đã gọi là 100 năm cải lương, thì dĩ nhiên những gì liên quan đến hoạt động cải lương trong quãng thời gian dài ấy được tập trung vào, như tên tựa của quyển sách. Vì đó là yêu cầu của người đọc, không ai muốn mình phải đọc trong sự thiếu sót.
Cải lương hoạt động cùng khắp từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến thôn quê đâu đâu cũng có. Rồi thì cải lương đi sang Miên, qua Lào, bay theo người Việt sang nước Pháp cùng vài nước Châu Âu, đến năm 1975 thì cải lương hiện diện ở Hoa Kỳ. Ðâu có môn nghệ thuật nào mà có cuộc hành trình lớn lao như vậy.
Riêng ở trong nước thì cải lương không chỉ hoạt động ở đô thị tỉnh thành, mà cả khu kháng chiến trong rừng sâu cũng có cải lương. Nếu như chỉ nói cải lương ở ngoài thành mà bỏ đi cải lương trong khu là coi như thiếu sót, lịch sử cải lương sẽ không chấp nhận. Do vậy mà tác giả đã đề cập luôn hoạt động cải lương ở bên kia chiến tuyến, cả hai thời kỳ chiến tranh từ 1945 đến 1975.
Sở dĩ trước đây người ta chỉ nghe nói đến cải lương ở ngoài thành, là do bởi thời kỳ chiến tranh đang diễn ra, các nhà viết sử đã e ngại không dám viết. Lý do là làm sao kiểm chứng đúng hay sai chớ! Kể cả báo chí có trang kịch trường ở Sài Gòn thời trước cũng chỉ nói cải lương ngoài thành mà thôi, chưa có tờ báo nào đề cập cải lương trong mật khu, dù rằng họ có nguồn tin thu thập được. Trường hợp soạn giả Trần Hữu Trang, tức Tư Trang và cô đào Thanh Loan vợ ông Trần Tấn Quốc vào mật khu, rất nhiều người rõ biết nhưng chẳng ai dám nói rằng mình biết. Tại sao vậy chớ? Bởi nếu loan tin ấy chắc chắn sẽ bị lôi thôi phiền phức cho bản thân người viết, sẽ bị điều tra thẩm vấn do đâu lại có tin tin tức này, có liên lạc trong mật khu không? Dù rằng chỉ là tin tức văn nghệ, văn hóa nghệ thuật, chứ không dính dáng gì đến chính trị.
Do vậy mà các nhà viết sử cải lương đã không dám viết, để rồi thời gian vật đổi sao dời họ không còn khả năng, điều kiện. Cải lương hoạt động cùng khắp mà không ai viết sử, kể ra là một thiệt thòi cho lịch sử nghệ thuật cải lương của ta vậy.
Nếu không ai viết thì hằng bao nhiêu sự kiện, chứng liệu quí giá sẽ thất lạc, theo thời gian sẽ dần dần tản mác biến mất đi. Tuy vậy vẫn có người lưu giữ, bảo toàn suốt mấy chục năm, chờ cơ hội viết thành sách. Ðặc điểm của “100 Năm Cải Lương Việt Nam” là vậy.
Trong quyển sách cũng có các bài đề cập đến:
- Cải lương trong khu kháng chiến hoạt động song song với cải lương ngoài thành. Các đoàn hát ở khu kháng chiến miền Ðông, miền Tây Nam Việt hát xướng ra sao trong thời chiến. Các nam nữ nghệ sĩ ở trong mật khu gồm những ai? Thời gian có Hòa Ðàm Ba Le,ạ đoàn Thanh Minh Thanh Nga đi Pháp, thì trước đó các nghệ sĩ cải lương ở miền Bắc đã có mặt trình diễn các rạp ở Paris rồi.
- Soạn giả Trần Hữu Trang-Tư Trang đã dựa vào tác phẩm “Tắt Lửa Lòng” của Nhà văn Giáo sư Nguyễn Công Hoan để soạn thành kịch bản “Lan và Ðiệp,” vở hát được coi như sống mãi với thời gian. Từ lâu nay đại đa số khán giả cải lương đâu có biết rằng cô Lan, cậu Ðiệp là người Bắc. Ngôi chùa Lan đi tu là chùa Phương Thành thuộc tỉnh Bắc Giang nằm cách Ga Kép độ 5 cây số. Cuốn bài ca Hoa Rơi Cửa Phật được sao chép lại đầy đủ trong quyển sách.
Năm 1961, soạn giả Trần Hữu Trang rời Sài Gòn, vào mật khu hoạt động văn nghệ, với chức vụ chủ tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng. Trong bài nói về soạn giả Trần Hữu Trang, tôi có đề cập đến trận giội bom rải thảm của pháo đài bay B. 52 đầu Xuân Bính Ngọ 1966.
Quí vị muốn mua sách “100 Năm Cải Lương Việt Nam” có tại tòa soạn nhựt báo Người Việt.
ĐỊA CHỈ TÒA SOẠN:
14771-14772 Moran Street Westminster, CA 92683-USA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét