Bản đồ Biển Đông với hai vùng tranh chấp chồng lấn ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng Trung quốc ngang ngược vạch bản đồ với hình vẽ 9 đoạn “Lưỡi Bò” muốn độc chiếm gần tất cả. (Hình: CSIS) |
Trên
trời thì có các máy bay chiến đấu, dưới nước thì có những đoàn tàu đánh
cá của Trung Quốc lợi dụng cơ hội ngang nhiên xâm phạm sâu vào vùng
biển Việt Nam.
Một số báo chính
thức ở Việt Nam thuật lời ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Cảnh Sát Biển
Việt Nam, cho hay nhiều toán máy bay tiêm kích được đưa tới bảo vệ dàn
khoan HD 981, không kể lực lương hùng hậu gồm tàu chiến, tàu hải giám,
tàu hải cảnh bao quanh.
Theo ông Thu cho biết, trong ngày 10 và sáng 11 Tháng Năm, cảnh sát
biển Việt Nam đã phát hiện hai toán máy bay quân sự của Trung Quốc bay
phía trên các tàu của họ và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam với độ cao
từ 800m – 1000m. Trong số này có một tốp máy bay tiêm kích của Trung
Quốc và một máy bay trinh sát mang số hiệu 9401 lượn trên không khu vực
của tàu CSB 8003.
Đồng thời với việc cho máy bay chiến đấu đe dọa nhóm tàu cảnh sát
biển và kiểm ngư của Việt Nam, theo ông Thu, trong ngày 10 Tháng Năm,
"phía Trung Quốc đã tạo ra một vùng bán kính bảo vệ cách giàn khoan theo
hình rẻ quạt khoảng 7 hải lý gồm các tàu dân sự và tàu chấp pháp của
Trung Quốc. Những tàu này thực hiện việc ngăn chặn đối với tàu của Việt
Nam khi tiến về phía giàn khoan HD981,” theo báo điện tử VTC tường
thuật.
Mỗi khi có các tàu Việt Nam tới gần thì các tàu Trung Quốc ngăn cản
phía mũi tàu của Việt Nam, sử dụng vòi rồng phun nước công suất lớn phun
vào tàu Việt Nam. Lực lượng tàu hải quân của Trung Quốc vẫn có ba tàu
tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu tấn công nhanh để ngăn cản tàu của
cảnh sát biển Việt Nam. Tờ Thanh Niên thuật lời ông Ngô Ngọc Thu cho
biết Việt Nam đã điều tàu cảnh sát biển lớn nhất CSB 8003 (trọng tải
1,500 tấn) tới khu vực Trung Quốc đặt dàn khoan HD 981.
Trong khi đó, theo tờ Người Lao Động, “hàng chục tàu cá Trung Quốc
hành nghề lưới giã cào đã tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam, cách vùng biển
đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 45 - 50 hải lý để bắt trộm cá.”
Nguồn tin thuật lời ngư dân Lê Dư, chủ tàu cá QNg 96490 TS, ở thôn
Đông, xã An Vĩnh, cho biết: “Những ngày qua, không riêng gì ngư dân đang
tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa gặp khó vì liên tục
bị tàu Trung Quốc truy đuổi, đập phá, tịch thu tài sản, mà hàng chục tàu
cá hành nghề vây rút chì xa bờ của ngư dân Lý Sơn cũng khốn đốn, bởi
tàu cá Trung Quốc liên tục lấn sâu vào vùng biển Việt Nam để bắt trộm cá
bằng hình thức tận diệt.”
Ông Dư được tờ Người Lao Động thuật lời cho biết: “Họ vào sát đảo Lý
Sơn khoảng 50 hải lý để bắt trộm cá bằng lưới giã cào chân sâu. Khi tàu
mình tới, họ ỷ đông, không chỉ lấn ép mà còn giơ nắm đấm dọa nạt, quấy
phá không cho ngư dân của ta thả lưới nên chúng tôi đành chịu lỗ để chạy
về cập đảo.”
Theo Người Lao Động, cùng chung cảnh ngộ như ông Dư, tàu đánh cá QNg
96434 TS, của ngư dân Nguyễn Văn Trí, ở xã An Vĩnh, cũng đang hành nghề
lưới vây rút chì khơi, phàn nàn: “Ra khơi gần cả tuần nhưng 14 lao động
đi trên tàu chỉ khai thác được vài tấn cá vì tàu cá Trung Quốc sử dụng
lưới cào bắt hết cá lớn, cá bé. Họ dàn hàng ngang mỗi tốp 3-4 chiếc, đi
đến đâu là cào sạch mọi thứ. Trước đây, chỉ 1-2 là chúng tôi có thể khai
thác từ 5 -10 tấn cá nhưng từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan xuống đây,
nhiều tàu cá của họ cũng xuống theo nên việc làm ăn của chúng tôi thất
bát hẳn”.
Ít nhất, có ba tàu đánh cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn khai thác hải
sản ở khu vực gần quần đảo Hoàng sa đã bị tàu chiến và tàu hải giám
Trung Quốc chận bắt, phá hủy trang bị hải hành và ngư cụ, cướp hải sản
vào ngày 7 Tháng Năm vừa qua. Có tàu còn bị đâm súyt chìm. Cả ba tàu này
đang cố gắng quay lại bờ để sửa chữa. (TN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét