Mái ngói Phú Vân Lâu đổ sập. (Hình: VNExpress) |
Khoảng
5 giờ 50 phút sáng ngày 15 tháng 5, 2014, mái ngói phía bên trái Phú
Vân Lâu, di tích thuộc quần thể kinh thành Huế thình lình đổ sập. Nguyên
nhân ban đầu được biết, vì cột gỗ chống đỡ bị mục ruỗng suốt một thời
gian dài, mà chẳng ai hay.
Báo mạng VNExpress dẫn lời ông Phan Thanh Hải, giám đốc trung tâm bảo
tồn di tích cố đô Huế nói rằng, Phú Vân Lâu đã được chính quyền Việt
Nam Cộng Hòa trùng tu lại dàn cột bằng bê tông và gỗ từ trước năm 1975.
Tuy nhiên, từ đó
đến nay, di tích Phú Vân Lâu chỉ được sửa chữa sơ sài đôi lần không đáng
kể vì chính quyền địa phương không có tiền.
Một số tài liệu để lại nói rằng vua Nguyễn đã cho xây dựng hai công
trình kiến trúc tô điểm cho bộ mặt kinh thành Huế, từ kỳ đài nhìn ra
sông Hương.
Một trong hai công trình đó là Phú Vân Lâu, được xây dựng năm 1819
vào thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết các chỉ dụ quan trọng của
triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Phú Vân Lâu cao khoảng 12 thước, mái lợp ngói ống tráng men vàng,
cũng là nơi triều đình nhà Nguyễn tổ chức các cuộc lễ khánh hỉ của quốc
gia.
Vua Minh Mạng đã cho dựng hai tấm bia đá khắc bốn chữ “khuynh cái, hạ
mã,” ý nhắc mọi người đi ngang Phú Vân Lâu đều phải “cởi mũ và xuống
ngựa” để tỏ lòng kính cẩn. Vua Thiệu Trị xem Phú Vân Lâu là một trong 20
cảnh đẹp nhất đất Thần Kinh.
Báo Thừa Thiên-Huế dẫn lời ông Phan Thanh Hải cho hay, dự án đại
trùng tu Phú Vân Lâu sẽ được thực hiện trong thời gian tới để bảo đảm an
toàn cho du khách và người dân qua lại và cũng để giữ nguyên trạng “một
tác phẩm xinh đẹp của triều Nguyễn, di sản đặc sắc trong quần thể kiến
trúc cố đô.”
Hình Phú Vân Lâu được in trên mặt sau của tờ giấy bạc mệnh giá 50,000 đồng phát hành tại Việt Nam từ năm 2003. (PL)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét