Ads 468x60px

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Thương hiệu nào gắn với người Sài Gòn lâu nhất?

Zen Nguyễn/Zing
Xà bông Cô Ba, kem Hynos, nước tương Mèo Đen... dù qua nhiều thăng trầm, nhưng một số sản phẩm đến nay vẫn được người dân Sài Gòn tin dùng.
Xà bông Việt Nam, hay còn gọi là xà bông “Cô Ba” gắn liền với doanh nhân Trương Văn Bền. Hãng xà bông của ông ra đời những năm 1940, tọa lạc trên đường Rue de Cambodge (nay là Chợ Kim Biên, quận 5).
Xà bông Cô Ba để lại ấn tượng lâu bền chính là gương mặt 
người phụ nữ Việt Nam phúc hậu in trên bao bì.
Công ty có tên là Trương Văn Bền và các con – Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils – Huilerie et Savonnerie Vietnam). Xà bông Cô Ba làm từ dầu dừa, xưởng của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông. 
Xà bông “Cô Ba” được nhiều người ưa chuộng vì chất lượng tốt và giá phải chăng. Là xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam, xà bông “Cô Ba” từng đánh bại xà bông thơm “Mạc Xây” (Marseilles) của Pháp. Ngoài Việt Nam, xà bông “Cô Ba” được dùng rộng rãi ở Lào và Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong, Tân Đảo (Nouvelle Caledonie) và một số các nước châu Phi.
Người Sài Gòn cũng như không ít người Nam bộ có ít nhất hai thế hệ đã được tắm gội bằng xà bông Cô Ba. Trước 1975, sản phẩm này hầu như không có đối thủ. Sau ngày 1975, hãng xà bông của ông Trương Văn Bền vẫn được giữ lại dưới hình thức công tư hợp doanh có tên là nhà máy Xà bông Việt Nam. Cho đến trước năm 1995, xà bông Cô Ba vẫn bao trùm cả miền Nam lẫn miền Bắc, do thị trường lúc đó chưa có xà bông ngoại lai nào.
Trong cơn lốc của những sản phẩm dầu gội, sữa tắm với  các quảng cáo “bom tấn”, xà bông Cô Ba vẫn tồn tại, bởi nhiều người dân Sài Gòn vẫn tin dùng. Ngày nay, người dân Sài Gòn vẫn có thể tìm thấy xà bông Cô Ba ở siêu thị Co.opmart.
Kem đánh răng Hynos “Ông tây da đen”
Có lẽ ai sống ở Sài Gòn từ trước năm 1975 cũng đều quen với hình ảnh ông tây da đen trên hộp kem đánh răng Hynos. Vương Đạo Nghĩa – chủ hãng kem đã chọn hình ảnh một ông Chà Và da thật đen làm biểu tượng quảng cáo cho sản phẩm của mình, chính bởi vì nước da ngâm đen sẽ làm nổi bật lên hàm răng trắng, và mục đích cho hình ảnh quảng cáo này là: chỉ có dùng kem đánh răng Hynos mới có được hàm răng trắng khỏe như thế. 
Ông Tây da đen là biểu tượng quảng cáo cho kem đánh răng Hynos.
Trong vòng 10 năm kể từ ngày góp mặt trên thị trường, kem đánh răng Hynos từ một xưởng sản xuất nhỏ bé vượt lên thành một xí nghiệp với các thiết bị sản xuất hiện đại. Sản phẩm của Hynos đã vượt các sản phẩm cùng ngành hàng khác trong nước. Số lượng sản phẩm xuất xưởng đã vượt qua các nhà máy nổi tiếng và lâu đời như Perlon, Leyna. Kem đánh răng Hynos độc chiếm thị trường nội địa và tạo được ảnh hưởng khá mạnh mẽ trên thị trường Đông Nam Á khi được bán ở các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông và được người tiêu dùng rất hoan nghênh. Người ta nói ông chủ Hynos đã không ngần ngại trích ra 50% lợi nhuận cho việc quảng cáo. Có thể nói, đây là một tỷ lệ quảng cáo đột phá và đầy ấn tượng trong bối cảnh nền thương mại của Sài Gòn xưa đang trên đường hội nhập.
Dạ Lan từng đánh bật kem Trung Quốc
Kem đánh răng Dạ Lan một thời "làm mưa làm gió" tại Sài Gòn
Nổi tiếng, lụi bại, rồi tái xuất, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan một thời là sản phẩm Việt nức tiếng trong khu vực. Vào những năm 1993-1994, Dạ Lan lớn mạnh, chiếm tới gần 70% thị phần cả nước. Riêng từ Đà Nẵng trở vào chiếm tới 90%, góp phần đánh bật kem đánh răng Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam. Nhưng sau đó thương hiệu này đã bị bán Dạ Lan cho Colgate Palmolive. Năm 2009, Dạ Lan lại được đưa trở lại thị trường Việt, và thuộc sở hữu của Công ty Hóa Mỹ phẩm Quốc tế (ICC).
Nước tương Mèo Đen – Nam Dương
Vào năm 1951, ông Tân Triều Long, người gốc Triều Châu đã thành lập xưởng nước tương Mèo Đen - Nam Dương, đặt trên đường Thương Thuyền, nay là Bến Bình Đông, quận 8, lấy "đầu mèo" làm nhãn hiệu. Vì sinh sau đẻ muộn khi ra đời trong lúc thị trường nước tương đang do hãng Mickey chi phối nên ông Long phải rất vất vả tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Ông đích thân đi khắp các tỉnh, thành tìm người làm đại lý, thuyết phục họ bằng cách bán hàng gối đầu hoặc ký gửi sản phẩm... 
Có tuổi đời hơn nửa thế kỷ và cũng có giai đoạn tưởng lùi vào quá khứ,
nước tương "Mèo Đen" vẫn là gia vị người Sài Gòn yêu thích đến ngày nay. 
Có tầm nhìn xa, tuy xưởng còn ít công nhân nhưng ông vẫn tổ chức các phòng ban một cách rõ ràng, ai lo việc nấy để tiện bề quản lý. Ông Long còn chi khá nhiều tiền cho việc quảng bá sản phẩm trên báo viết và đài phát thanh... Nhờ nỗ lực, cuối cùng nước tương "Đầu mèo” cũng có được chỗ đứng trên thị trường.
Hai phân xưởng tại Đà Nẵng và Đà Lạt của Mèo Đen – Nam Dương cũng lần lượt ra đời. Thời kỳ phát triển mạnh nhất của Mèo Đen – Nam Dương là vào thập kỷ 1970. Một tòa nhà lớn, cao ba tầng, cộng với nhà xưởng đã được ông Long xây dựng tại Chợ Lớn. Trong đó có chỗ ở cho nhân viên, văn phòng, phòng thí nghiệm, quán cà phê và cả hội trường, phòng thể thao... Với số nhân viên lên đến gần 400 người.
Sau 1975, Nhà nước tiếp quản xưởng nước tương Mèo Đen – Nam Dương và giao cho Liên hiệp Hợp tác xã mua bán Sài Gòn - Saigon Co.op quản lý vào năm 1981 với tên mới: Xí nghiệp Nước chấm Nam Dương. Hiện nay, Nam Dương đã trở lại là một thương hiệu nước chấm có tiếng trên thị trường trong và ngoài nước dù có giai đoạn thương hiệu này tưởng chừng lùi vào quá khứ.
Xá xị Chương Dương, ông vua giải khát một thời
Trước năm 1975, xá xị rất phổ biến tại miền Nam Việt Nam, và phần lớn do hãng BGI sản xuất, chứa trong chai thủy tinh. Xá xị đầu tiên tại Sài Gòn có nhãn hiệu hình con cọp nên còn gọi là "xá xị con cọp". Vào tháng 7/1977, tập đoàn BGI chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Việt Nam, trở thành nhà máy quốc doanh với tên gọi là nhà máy nước ngọt Chương Dương.
Mẩu quảng cáo "xá xị con cọp" nổi tiếng một thời 
Hầu hết thị trường khu vực miền Nam khi đó đều rất ưa chuộng dòng sản phẩm này. Đây được xem như thời hoàng kim của xá xị Chương Dương.
Năm 1993, nhà máy được đổi tên thành công ty Nước giải khát Chương Dương. Nhưng cũng từ đây, khi 2 ông lớn trong ngành giải khát có gas là Coca-Cola và Pepsi vào Việt Nam, một cuộc chiến mới chính thức bắt đầu. Với tiềm lực tài chính mạnh cùng kinh nghiệm lâu năm, những “người khổng lồ” đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nước giải khát có gas, và đương nhiên thị phần, lợi nhuận của Chương Dương cũng bị thu hẹp.
Dù nỗ lực rất nhiều trong việc mở rộng kênh phân phối, tập trung vào các thị trường lớn như Sài Gòn, các tỉnh miền Tây, đồng thời từng bước ra miền Trung, miền Bắc, nhưng thị phần của Chương Dương vẫn bị giảm mạnh.
Nước mắm Liên Thành tuổi đời trăm năm
Nước mắm Liên Thành có tuổi đời cả trăm năm khởi nguồn từ sự ra đời của Liên Thành Thương quán, được sáng lập năm 1906 ở Bình Thuận. Năm 1917, thương quán này chuyển vào Sài Gòn  sản xuất, lấy đó làm nguồn thu để duy trì hoạt động của Liên Thành Thư xã - Dục Thanh học hiệu. 
Ngày nay, nhiều người dân Sàigòn vẫn chọn nước mắm Liên Thành cho bữa cơm gia đình, dù thương hiệu này có trải qua bao thăng trầm.
Điểm nổi bật của nước mắm Liên Thành là luôn duy trì được phẩm cấp, chất lượng của mình, dù cũng nhiều lần phải đối phó với nạn làm hàng giả, hàng nhái. Những năm sau 1975, công ty sản xuất nước mắm Liên Thành được giao lại cho công ty thực phẩm của Sài Gòn, sản phẩm làm ra được phân phối theo dạng xá (vô can nhựa, không nhãn hiệu). Danh tiếng của sản phẩm cũng dần dần mai một.
Mãi đến năm 1997 mới bắt đầu có một phần sản phẩm nước mắm được bán ra dưới dạng chai có dán nhãn Liên Thành. 
Sự xuất hiện của nhiều loại nước mắm “có yếu tố nước ngoài” với tiềm lực quảng cáo tiếp thị hùng hậu đã khiến Liên Thành nhiều lần phải đứng trước bài toán kinh doanh: lựa chọn cho mình một đường đi thế nào vừa sức, vừa tầm. Một điều đáng chú ý là nhiều người dân Sài Gòn ngày nay vẫn chọn sản phẩm trăm tuổi này cho bữa cơm gia đình.
Zen Nguyễn/Zing

0 nhận xét:

Đăng nhận xét