Ads 468x60px

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Tuấn Khanh: đằng sau bạo động Bình Dương

Ns. Tuấn Khanh
Vì sao gây bạo động ở Bình Dương? 
Không ai nói ai, nhưng hầu hết người Việt khi nhìn thấy những dòng tin, những hình ảnh bạo động xảy ra ở Bình Dương vào chiều ngày 13/5 đều bàng hoàng và tin rằng nội dung đó không thể là mình, đó không thể là tính cách đúng của người Việt, ít nhất là vào lúc này.
Ai cũng cảm nhận thấy có điều gì đó rất bất thường như một âm mưu, nhưng như thế nào thì không phải ai cũng rõ.
Người Việt đang giới thiệu một bộ mặt xấu xí mà chính họ đã từng lên án hết mực, khi dân Trung Quốc bị chính quyền Bắc Kinh kích động trong cuộc xung đột ngoại giao với Nhật vào năm 2012.
Ngay lập tức, câu hỏi này được đặt ra là vụ bạo động này có lợi cho ai?
‘Vuột mất cơ hội’
Chắc chắn cuộc bạo động này sẽ làm giảm sức đối đầu của Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông, vào lúc quan trọng nhất.
Phải lo đối phó với tình thế nội loạn, sức mạnh tập trung của cả nước Việt Nam với ngoại xâm sẽ bị yếu đi. Bản thân những nhà lãnh đạo có lòng thật sự với tổ quốc lúc này chắc chắn là không bao giờ muốn vị thế của mình tồi tệ trước các nhà đầu tư quốc tế, làm yếu đi thị trường chứng khoán, cũng như mất đi phần chính nghĩa chủ quyền quan trọng đang có được, trước sự kiện giàn khoan HD 981.
Chắc chắn là những thành phần chủ hàng-chủ hoà với Bắc Kinh, từ ngày 14/5, bắt đầu có thể lên giọng về chuyện nên hoà hoãn với Trung Cộng để đối phó nội loạn, cũng như tập trung bảo vệ chế độ.
Những kẻ bán nước giấu mặt có thể sẽ giành quyền đàm phán với Bắc Kinh lúc này với lộ trình quỳ gối đã được viết sẳn.
Những cuộc trấn áp ra oai sẽ xuất hiện trong nước với tần suất mới. Những người yêu nước chống Trung Quốc và chống những kẻ bán nước sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trong một vòng vây tăm tối mới.
Quan trọng hơn, tổ quốc với cơ hội ngàn năm có một, vạch mặt kẻ xâm lược, chọn được thái độ quyết định sống còn để hồi sinh dân tộc khỏi ách nô lệ phía Bắc, sẽ bị khép lại một cách đau đớn.
Ai chủ mưu?
Nhưng như vậy, ai đã phát động cuộc bạo loạn này?
Người Việt không thể phẫn uất bất thường và vô cớ như vậy. Ngay cả trong hàng trăm cuộc đình công vì cái ăn, cái mặc hàng ngày từ mấy mươi năm nay, ôn hoà vẫn là cách thức chính của giới công nhân.
Trong những bài báo bị rút xuống vội vã của Nhà nước Việt Nam, người ta tìm thấy chi tiết bất thường về việc vài mươi người dẫn đầu rất hung hăng, luôn cầm cờ đỏ sao vàng như một cách để giới thiệu rõ mình là người Việt Nam. Đó là những người lạ mặt, được dân chúng trong vùng xác nhận, và họ luôn kích động mọi người đập phá, xô ngã mọi thứ.
Bóng dáng của công an và các lực lượng an ninh vẫn luôn nhanh chóng có mặt trước các cuộc tụ tập của công nhân như một mặc định hiển nhiên, đột nhiên rất yếu ớt và vắng lặng trong sự kiện kéo dài nhiều tiếng đồng hồ này.
Mãi cho đến khi có tin quân đội được điều xuống Thuận An và Bình phước vào lúc gần 19g00, thì tình hình mới có vẻ tạm yên.
Điều gì đang diễn ra, ồn ào nhưng rất bí ẩn? Đã có không ít đồn đoán về chuyện ai là người đứng sau các cuộc bạo động chỉ có lợi cho Trung Quốc và những kẻ chủ trương bán nước này.
Nhưng dù là ai, cuộc trình diễn bất thường này đang cho rất nhiều người Việt một cảm giác lạnh sống lưng về hai chữ “mua chuộc”, và cảm giác của một quốc gia đứng trước bờ vực xâm lăng, mất nước, chưa bao giờ hiện rõ như lúc này.
Bài viết cho BBC (13/5/2014)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét