Loại tàu tuần duyên mà giới quan sát thời sự tin rằng Nhật sẽ sớm cung cấp hàng loạt cho Việt Nam. (Hình: Japan Daily Press) |
Ông Hồng Lỗi, Phát
ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích Thủ tướng Nhật “bỏ qua
thực tế, làm xáo trộn những sự kiện”, lên án Nhật “có động cơ chính trị
can thiệp vào tình hình ở biển Đông để phục vụ cho mục đích bí mật”.
Đồng thời yêu cầu Nhật “có những hành động thực tế để bảo vệ hòa bình và
ổn định trong khu vực”.
Thủ tướng Nhật vừa thỏa thuận gia tăng hợp tác về an ninh biển với
Việt Nam trong cuộc gặp ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng CSVN, tại Tokyo
hôm 22 tháng 5-2014. Ông Đam đến Tokyo để dự hội thảo về “Tương lai châu
Á” lần thứ 20. Hãng tin Nikkei dẫn các nguồn thân cận với chính phủ
Nhật, cho biết, thỏa thuận gia tăng hợp tác Việt – Nhật về an ninh biển
giữa hai bên “do Trung Quốc càng ngày càng hung hăng trong các vùng biển
lân cận”.
Ngoài ra, còn có tin là Fumio Kishida, Ngoại trưởng Nhật sẽ thăm Việt
Nam vào cuối tháng 6 để thảo luận với ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ
tướng, kiêm Ngoại trưởng Việt Nam để bàn bạc việc thúc đẩy kế hoạch Nhật
hỗ trợ tàu tuần tra bảo vệ biển Đông cho Việt Nam.
Hồi đầu tháng 5, sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan
HD981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam để thăm dò dầu khí, ông Kishida đã từng nhận định, căng thẳng
giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông là do hành động đơn phương từ
phía Trung Quốc. Trung Quốc phải giải thích về hành động đó đối với
Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.
Nhật đã và đang thực hiện một chuỗi các hoạt động để thắt chặt quan
hệ với Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á, nhằm
đối phó với Trung Quốc. Hồi cuối năm ngoái, Nhật đã từng có cuộc gặp
lãnh đạo các quốc gia khối ASEAN tại Tokyo. Trước nữa, thủ tướng đương
nhiệm của Nhật đã đến thăm toàn bộ các quốc gia trong khối này.
Riêng với Việt Nam, hồi trung tuần tháng ba, ông Abe, Thủ tướng Nhật
từng tuyên bố, Nhật sẽ sớm giúp Việt Nam phát triển năng lực cho lực
lượng thực thi pháp luật trên biển, sẽ cung cấp tàu tuần tra biển.
Tuyên bố vừa kể được đưa ra sau cuộc gặp ông Trương Tấn Sang, Chủ
tịch Nhà nước Việt Nam, tại Nhật. Kết thúc chuyến thăm Nhật ba ngày, từ
16 đến 19 tháng 3-2014, ông Sang và ông Abe cùng khẳng định, Việt – Nhật
sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải. Trong tuyên bố
chung, cả hai kêu gọi phải bảo đảm và phải giữ vững tự do hàng không, tự
do hàng hải trong các vùng biển đang có tranh chấp.
Lúc đó, những tuyên bố vừa kể đã được xem là nhắm vào Trung Quốc,
quốc gia từng đơn phương ấn định vùng nhận dạng phòng không trên biển
Hoa Đông, đòi Nhật, Nam Hàn, Đài Loan phải nộp trước kế hoạch bay và
phải tuân theo hướng dẫn của không lưu Trung Quốc.
Tại Nhật, ông Sang không chỉ bày tỏ sự đồng tình với Nhật về việc duy
trì, gìn giữ tự do hàng không, tự do hàng hải mà còn khẳng định mong
muốn hợp tác với Nhật để phát triển kinh tế. Nhật sẽ là đối tác giúp xây
dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai ở Ninh Thuận. Cùng với Nga, Nhật sẽ
giúp đào tạo các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật cho ngành điện nguyên tử
của Việt Nam. Ông Sang nhấn mạnh, ông ta tin tưởng vào công nghệ của
Nhật.
Ông Rajaram Panda, một người Ấn Độ, đang làm việc tại Đại học
Reitaku, của Nhật, từng nói với BBC rằng, Nhật đẩy mạnh hợp tác với Ấn
và ASEAN từ khi có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Nam Hàn. Trong
quan hệ với khối ASEAN, Nhật xem Việt Nam và Philippines là hai quốc gia
có quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề khu vực. Cũng vì vậy, ông Abe – một
người có tinh thần dân tộc, muốn tăng cường quan hệ với các đối tác có
cùng suy nghĩ như Nhật.
Ông Panda tin rằng, khu vực châu Á đang có sự đồng thuận về “Trung
Quốc là vấn đề’, vừa vì lối hành xử hung hăng, vừa vì Trung Quốc liên
tục tăng chi tiêu quân sự. Thành ra đối mặt với thách thức từ Trung Quốc
là trách nhiệm của phần còn lại ở châu Á trong đó có Nhật và Việt Nam. (G.Đ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét