Nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Huy Phương
Nói
về chuyện “bất hiếu” thì trong một bài báo trước đây chúng tôi đã nói
chuyện ông cụ thân sinh của ông Hồ Ngọc Nhuận đã nói rằng: “Ðời cha sợ
nhất là mất con! Có ba cách mất: một là con theo gánh hát, hai là theo
cộng sản, ba là theo Công Giáo!” (Hồi ký - Chương I - trang 8 - XB
2010.) Ông Hồ Ngọc Nhuận không theo gánh hát, cũng không theo đạo Công
Giáo, nhưng ông mang tội bất hiếu, quên lời căn dặn của cha mà đi theo
cộng sản!
Có một người còn tệ hơn ông Hồ Ngọc Nhuận rất nhiều, về tội bất hiếu
là ông nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả bài hát lừng danh “Như Có Bác Hồ
Trong Ngày Vui Ðại Thắng!”
Nhạc
sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 là con thứ chín của học giả Phạm Quỳnh,
người đã bị Việt Minh Cộng Sản giết và chôn trong một khu rừng thuộc
làng Hiền Sĩ, Thừa Thiên, năm 1945. Phạm Tuyên là người đã sáng tác hàng
chục bài hát ca ngợi ông Hồ và đảng Cộng Sản: Từ Làng Sen, Việt Bắc Nhớ
Bác Hồ, Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Ðại Thắng, Ðảng Ðã Cho Ta Sáng Mắt
Sáng Lòng, Suối Lê Nin,... trong đó, bài hát “Như Có Bác Hồ Trong Ngày
Vui Ðại Thắng” được đông đảo khán, thính giả thuộc lòng, vì bài hát
ngắn, dễ thuộc, lại có điệp khúc lặp đi lặp lại mấy tiếng Việt Nam-Hồ
Chí Minh.
Bài hát mà trước đây ông Luật Sư Nguyễn Hữu Liêm ghi lại “Cảm nhận
được một dòng điện chạy từ đáy lưng theo xương sống lên trên cổ trên đầu
như là khoảnh khắc thức dậy và chuyển mình của năng lực Kundalini,”
“khi vừa hết bài quốc ca, mấy chục cô và bà đại biểu từ Pháp đang chạy
ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca bài Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Ðại
Thắng. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy
hầu hết - kể cả những người mà tôi không ngờ - đang vỗ tay hào hứng la
to, Việt Nam-Hồ Chí Minh!”
Bài hát này, bọn tù “cải tạo” chúng tôi cũng đã thuộc lòng, trong
suốt thời gian bị giam cầm phải vỗ tay đồm độp hát cả nghìn lần, và rống
lên cái điệp khúc “chống đói:” Việt Nam-Hồ Chí Minh!
Phạm Tuyên đúng là một thiên tài, bài hát của ông nổi tiếng đến đỗi
sau Tháng Tư, 1975, đứa trẻ nào ở Sài Gòn cũng thuộc và đã được chúng
đổi lời thành “Như có Bác Hồ trong nhà thương... Chợ Quán! Vừa bước ra
bị xe cán bể đầu...” và một lời khác: “Như có Bác Hồ trong cầu tiêu đậy
nắp” hay “Như có Bác Hồ đang ngồi binh xập xám, ngồi kế bên là ông
Nguyễn Cao Kỳ... Việt Nam... Hồ Chí Minh ăn gian... ăn gian... Việt
Nam... Hồ Chí Minh ăn gian, ăn gian!”
Thân sinh ra ông nhạc sĩ “đại bất hiếu” này là cụ Phạm Quỳnh bút hiệu
là Thượng Chi, sinh năm 1892 là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và
quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng
bá chữ quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để
viết lý luận, nghiên cứu.
Ông được xem là người chiến đấu bất bạo động cho chủ quyền độc lập,
tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của triều đình Huế
trên cả ba miền, chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ
nghĩa quốc gia với chính thể quân chủ lập hiến. Năm 1930, Phạm Quỳnh đề
xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để
quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam
và chính quyền bảo hộ.
Ngày 11 Tháng Mười Một, 1932, sau khi Bảo Ðại lên ngôi, ông được
triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền, thời gian đầu
ông làm việc tại Ngự Tiền Văn Phòng, sau năm 1944 là Thượng Thư Bộ Học
(Bộ Trưởng Giáo Dục) và cuối cùng giữ chức vụ Thượng Thư Bộ Lại (Bộ
Trưởng Nội Vụ).
Tháng Ba, 1945, Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim được
thành lập, ông Phạm Quỳnh về sống ẩn dật ở một biệt thự bên bờ sông đào
gần Phủ Cam, Huế.
Khi Việt Minh cướp chính quyền, ông được “gọi đi làm việc” ngày 23
Tháng Tám, 1945 nhưng lại bị đưa vào nhà lao Thừa Phủ, Huế, sau đó bị
giết cùng với nguyên Tổng Ðốc Quảng Nam Ngô Ðình Khôi (anh ruột Ngô Ðình
Diệm) và Ngô Ðình Huân (con trai của Ngô Ðình Khôi).
Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng ở Hiền Sĩ, Thừa
Thiên (phía Bắc thành phố Huế 17km), và được cải táng ngày 9 Tháng Hai,
1956 tại Huế, trong khuôn viên chùa Vạn Phước.
Cộng sản thường nói quanh co trong việc giết người, thường đổ tội cho
cấp dưới, cho rằng có lệnh cấp tốc chuyển Ngô Ðình Khôi, Phạm Quỳnh và
Ngô Ðình Huân ra khỏi Huế để đề phòng những chuyện bất trắc xẩy ra. Nhóm
du kích áp tải các ông đến một quãng rừng cách xa Huế (Hiền Sĩ) thì
nghe tiếng tàu bay Pháp ầm ì trên đầu, tưởng đâu như tiếng máy bay thả
biệt kích, sợ không hoàn thành trách nhiệm áp tải, nên nhóm du kích này
đã tự động thủ tiêu cả ba người mà không chờ chỉ thị của cấp trên. Cũng
không nghe nói cấp trên lúc bấy giờ là ai.
Các ông Phạm Quỳnh, Ngô Ðình Khôi, Ngô Ðình Huân bị giết như thế nào?
“Một người nấp trong bụi cây gần đấy thấy Phạm Quỳnh bị đánh vào đầu
bằng xẻng, cuốc rồi mới bị bắn ba phát. Ngô Ðình Khôi không bị đánh chỉ
bị bắn ba phát. Ngô Ðình Huân hoảng sợ vùng chạy, bị bắt lại, rồi bị bắn
ngay vào đầu. Cả ba bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất.” Phạm Quỳnh
ở dưới cùng, đầu hướng về phía núi, Khôi và Huân nằm đè lên, đầu hướng
về phía sông. Khi cải táng, ông Phạm Tuân (con thứ 12 của Phạm Quỳnh,
hiện ở Virginia) thấy sọ của thân phụ có một vết nứt ngang như vết cuốc,
xẻng đánh mạnh vào, “ba bộ hài cốt nằm chồng chất lên nhau... Hài cốt
của thầy tôi rất dễ nhận vì dài và ngay cạnh tôi nhận ra được đôi mắt
kính cận.” (phamquynh.wordpress.com/2009/02/18/phụ-lục)
Ông Nguyễn Văn Bồng, một nhân viên cũ của Phạm Quỳnh, cho rằng,
“không phải là Việt Minh giết cụ Phạm Quỳnh, mà chính con cháu cụ Nguyễn
Hữu Bài đã tìm được cơ hội khử Phạm Quỳnh để trả thù cho cha, về vụ năm
ông thượng thư (trong đó có ông Nguyễn Hữu Bài) bị mất chức” khi ông
Phạm Quỳnh được trọng dụng.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng Nguyễn Hữu Bài có mối thâm giao với gia
đình ông Ngô Ðình Khả và đã có lúc muốn gả con gái mình cho ông Ngô
Ðình Diệm, không lẽ “người nhà” này lại muốn giết luôn cha con ông Ngô
Ðình Khôi? Và nếu con cháu của Nguyễn Hữu Bài (không có tài liệu nào nêu
tên) giết Phạm Quỳnh thì vì sao Ủy Ban Khởi Nghĩa tỉnh Thừa Thiên lại
làm công tố, kể tội trạng của Phạm Quỳnh như là lời kết của một bản án
tử như sau: “Phạm Quỳnh, một tay cộng sự của Pháp ở Ðông Dương, đã bao
phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân
cướp nước làm mê muội dân chúng Việt Nam. Với cái nghề mại quốc cầu
vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết báo nhảy lên một địa vị cao nhất
trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp
và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc dân. Mặc dầu chính
quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9 Tháng Ba, 1945,
nhiều triệu chứng, chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực
dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta.” (văn bản gửi Tòa Án Quân Sự
Thuận Hóa (tức Huế), đăng trên báo Quyết Thắng Tháng Mười Hai, 1945).
Quyết Thắng là cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung
Bộ, số 11 ra ngày 9 Tháng Mười Hai, 1945, cũng đã loan tin: “Cả ba tên
Việt Gian đại bợm (Ngô Ðình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Ðình Huân) bị bắt ngay
trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23 Tháng Tám và đã bị Ủy
Ban Khởi Nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết
quân luật.”
Hai người con gái của Phạm Quỳnh thì cảm động khi nghe “cụ Hồ” chối
tội: “Trong lúc khởi nghĩa, cũng không sao tránh được sự nhầm lẫn. Rất
tiếc khi ấy tôi còn đang ở trên Việt Bắc.” Ai chứ “cụ Hồ” thì ta cũng
không lạ gì, “cụ” đã từng chấm nước mắt khi nói về cuộc đấu tố, cải cách
ruộng đất ở Bắc Việt, sau khi đã xử tử 15,000 nông dân vô tội (Con số
của tuần báo Time ngày 1 Tháng Bảy, 1957).
Thời Việt Minh, gia đình hai ông Phạm Quỳnh và Ngô Ðình Khôi có làm
đơn khiếu nại lên Ủy Ban Cách Mạng Lâm Thời thì được đổ vấy cho rằng
những việc trước đây thuộc thẩm quyền của Ủy Ban Khởi Nghĩa!
Ðể hợp thức hóa việc giết Phạm Quỳnh, bản án của Ủy Ban Khởi Nghĩa
tỉnh Thừa Thiên hoàn toàn là một sự vu vạ, trái ngược với gì Phạm Quỳnh
đã chủ trương, giết trước, kể tội sau để bào chữa.
Chỉ tiếc là ông mất đi, để lại cho đời một đứa con khá bất hiếu. Cha
ông bị chết thảm thương, chôn vùi trong một xó rừng, ông lại cam tâm
chuyên viết nhạc nịnh hót ông Hồ và đảng. Có công làm thơ ca tụng “bác”
và đảng như Tố Hữu còn leo đến chức phó thủ tướng, còn Phạm Tuyên cũng
có những bài nhạc “hết lời” nhưng danh vọng chỉ tới chủ tịch Hội Âm Nhạc
Hà Nội, làm ủy viên thường vụ Ban Chấp Hành Hội Nhạc Sĩ Việt Nam từ năm
1963 đến năm 1983, chứ không được là ủy viên Bộ Chính Trị như Tố Hữu
(1980). Ðiều đó chắc Phạm Tuyên cũng biết vì gốc gác của ông là con
“Việt gian” Phạm Quỳnh chứ không phải ba đời bần cố nông.
Có người biện hộ cho Phạm Tuyên cho rằng “theo thời thì phải thế!”
nhưng có phải ai lỡ ở lại miền Bắc với cộng sản cũng “hồ hởi” “phấn
khởi” ca tụng Bác và đảng như thế không, nhất là gia tộc ông đang có một
mối oan cừu với Việt Minh Cộng Sản.
Người đời thường nói: “Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài,” nay học
giả Phạm Quỳnh có tới 13 người con, không may có một đứa con là Phạm
Tuyên, thuộc loại “thiên tài... đại bất hiếu!” Người cộng sản hình như
chỉ biết đảng mà ít biết đến cha mẹ!
Trong bản nhạc “Ðảng Ðã Cho Ta Sáng Mắt Sáng Lòng!” Phạm Tuyên đã reo
vui, ca ngợi: “Ðảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng! Ðảng ta ơi, cám ơn
người dạy dỗ.” Chỉ tiếc rằng, thân phụ ông đã chết oan khuất dưới bàn
tay của đảng, không biết gia đình này có ngày giỗ cha hay không?
Tạp ghi Huy Phương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét