“Hệ
thống pháp luật nước ta phức tạp nhất thế giới.” Bộ trưởng Bộ Tư pháp
CSVN, ông Hà Hùng Cường thú nhận như vậy tại phiên trả lời chất vấn đại
biểu Quốc hội hôm Thứ Tư 11 tháng 6 năm 2014.
Hệ thống văn bản
pháp luật của Việt Nam chồng chéo ngang dọc, phức tạp như một khu rừng
từng được giới đầu tư ngoại quốc phàn nàn suốt nhiều năm qua. Các định
chế tài trợ quốc tế cũng từng khuyến cáo rất nhiều lần, kể cả viện trợ
ngân khoản để chế độ Hà Nội cải tổ hệ thống luật pháp cho minh bạch và
tương ứng với luật lệ quốc tế, nhưng không bao nhiêu tác dụng.
Nay thì chính ông Bộ trưởng Tư pháp phải nhìn nhận sự thật như thế.
Và không thấy các tờ báo tường thuật phiên chất vấn ở Quốc hội cho biết
ông hay bộ tư pháp của ông có làm gì để làm cho luật pháp của chế độ bớt
“phức tạp nhất thế giới” hay không. Hoặc cái rừng luật ở Việt Nam tiếp
tục rậm rạp, chồng chéo hơn theo nhu cầu cai trị của chế độ.
"Từ khi thực hiện công việc đổi mới thì chúng ta mới quan tâm đến
công tác xây dựng văn bản pháp luật và thấy là còn nhiều chồng chéo.
Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như hiện nay.
Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con". Ông Hà Hùng Cường nhìn nhận
trong buổi chất vấn.
Bà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy của thành phố Đà Nẵng nêu nghi vấn,
qua “dư luận người dân, báo chí”, các văn bản quy phạm pháp luật, trên
thực tế, chỉ là “cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ ngành trong
một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc có nhiều quy định theo hướng tạo
thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về
phía người dân”.
Ông Hà Hùng Cường, cho hay cái Bộ của ông chỉ chịu trách nhiệm “thẩm
định, phát biểu ý kiến” với các dự thảo luật “từ quyết định của Thủ
tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ
thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ.”
Ông giải thích thêm rằng nhiệm vụ của cái bộ của ông xem xét những dự
thảo đó “có phù hợp với đường lối chính sách của Đảng hay không”. Nói
khác, bộ tư pháp không đặt quyền lợi của công dân, của đất nước lên trên
quyền hành thống trị của Đảng.
Hiến pháp thì nói công dân có quyền tự do cư trú tại bất cứ đâu trên
cả nước. Nhưng từng có những dự luật dù trái hiến pháp vẫn được thông
qua như “Luật Cư Trú” trong đó đòi hỏi người dân phải có sổ hộ khẩu,
đăng ký tạm trú, tạm vắng. Nhà cầm quyền các địa phương thường sách
nhiễu, vòi vĩnh hối lộ là chuyện “thường ngày ở huyện” với cái luật như
thế.
Những năm gần đây, người ta thấy thỉnh thoảng Cục Kiểm Tra Văn Bản
Quy Phạm Pháp Luật của Bộ Tư Pháp loan báo hàng trăm văn bản quy phạm
pháp luật bị thu hồi hay cấm ban hành vì trái luật. Tình trạng vẫn không
có bao nhiêu cải thiện. Trong cuộc chất vấn nói trên, ông chủ tịch Quốc
hội CSVN nêu ra con số “312 văn bản sai pháp luật rất nghiêm trọng”.
Ông Hà Hùng Cường giải thích rằng bất cứ cấp nào từ trung ương xuống
tới ông chủ tịch xã ở địa phương cũng là “chủ thể” ban hành nhiều loại
văn bản khác nhau có tính ràng buộc pháp luật, cho nên... “pháp luật của
chúng ta rất khó tuân thủ”.
Bởi vậy mới có cái thông tư của Bộ Y tế cấm người phụ nữ “ngực lép
lái xe”, người có bàn tay, bàn chân 6 ngón không được thi lấy bằng lái
xe; bộ công an đòi ký giả phải xin phép trước mới được chụp hình, phỏng
vấn khi cảnh sát giao thông đánh dân hay đang nhận tiền “chung chi” trên
phố.
Mới đây, ngày 10/6/2014, luật sư Trần Vũ Hải gửi một kiến nghị thư
tới Quốc hội CSVN yêu cầu giải thích điều luật 258 của Bộ Luật Hình Sự.
Điều luật này kết án từ 6 tháng đến 7 năm tù cho những ai bị vu cho tội
“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền,
lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Theo Luật sư Hải, điều luật hình sự 258 trái ngược với Hiến Pháp
(thông qua bản sửa đổi năm ngoái) ở các điều 12, 14, 15 và 25 cũng như
trái với điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
mà Việt Nam công nhận từ thập niên 1980. Luật sư Trần Vũ Hải đã gửi
nhiều kiến nghị thư chất vấn quốc hội, thủ tướng nhiều vụ nhưng ông
không hề được phúc đáp thỏa đáng. (TN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét