Ads 468x60px

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Trại giam Chí Hoà

Cổng trại giam Chí Hoà. Hình: Petrotimes.
Ls Lê Công Định
Tên trại giam Chí Hòa gắn liền với đại đồn Chí Hòa, nơi danh tướng Nguyễn Tri Phương chống quân Pháp. Về sau người Pháp gọi là Kỳ Hòa, do không phát âm chữ H trong từ "Chí".
Khi bị giam tại Chí Hòa, tôi luôn nghĩ về vị danh tướng ấy và cái chết hiển hách của ông.
Dù tại nhiều thời điểm trong quá khứ quân lực của chúng ta yếu, nhưng chưa bao giờ người Việt dễ dàng cúi đầu trước quân xâm lược. Tôi đã làm bài thơ tưởng niệm ông như sau:
Khẩn hoang lập ấp khắp in giày,

Tận tụy ba triều thẳm đắng cay.

Ấn kiếm lãnh hoàn quan tước nhọc,

Bắc Nam đánh dẹp võ công dày.

Chí Hòa tan vỡ giờ suy điểm,

Hà Nội hoang tàn gốc mục lay.

Gương tướng mất thành trung tuẫn tiết,

Rọi vào biển đảo thẹn buồn thay! 
Vị trí Trại giam Chí Hoà. Nguồn: Google Earth.
Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. Ông phục ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, và là vị tổng chỉ huy quân đội chống lại quân Pháp trên các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).  
Quân phục của khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương do người Pháp lấy sau khi họ chiếm thành Hà Nội. Hiện vật của Bảo tàng Quân sự Pháp tại Les Invalides. Nguồn: Wikipedia.
Cuộc đời làm quan của ông lận đận, khi lên tột đỉnh, khi bị cách chức, nhưng lúc quốc gia hữu sự ông luôn được vua mời đến đảm nhận trọng trách. Ngoài tài năng quân sự, ông cũng là người có tài kinh bang tế thế, phát triển nhiều khu dân cư trù phú ở các miền đất nước. 
Năm 1861, quân Pháp công phá đại đồn Chí Hòa. Ông chỉ huy quân lính chống cự quyết liệt nhưng rồi bị thương, đại đồn thất thủ, Gia Định bị chiếm. Ông bị giáng chức. Năm 1873, quân Pháp đánh úp thành Hà Nội. Con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khẳng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa." 
Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (1 tháng 11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà.  
Ls Lê Công Định

0 nhận xét:

Đăng nhận xét