Ads 468x60px

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Hà Nội, Tháng Sáu 1954

Viên Linh
Chỉ còn vài tuần lễ nữa là đúng 60 Năm Ngày Chia Cắt Ðất Nước: 20 tháng 7, 1954. Bài viết này xuất hiện vào tháng 6, chính là thời gian mọi sự đang được xếp đặt tại các thủ đô lớn của thế giới, nhất là tại Genève, để đi đến thời điểm đau thương kia. Lúc ấy, người viết bài này còn ở tuổi vị thành niên, nhưng đã chứng kiến một Hà Nội đổ vỡ từng mảng, đi đâu cũng nghe nhắc tới mấy chữ chia đôi đất nước, di cư vào Nam, tự do hay là chết, v.v...
Dân miền Bắc chờ đợi lên một chiếc tầu của Pháp gần Hải Phòng, tầu này sẽ chuyển họ qua một tầu Mỹ lớn hơn, để vượt cuộc hành trình trên 1000 hải lý vào miền Nam tự do. 
(Ảnh của Hải Quân Hoa Kỳ in trên National Geographic, 1955)
Giờ này ở Quận Cam, nhóm sinh viên Hà Nội di cư đang sửa soạn một cuộc hội ngộ tưởng niệm, nhật báo Người Việt đang sửa soạn chủ đề đặc biệt, riêng người viết cho tới nay đã 60 năm chưa từng trở lại cố đô để thăm lại nấm mồ xưa, nhưng vẫn từng nhắn gửi những người quen khi về, hãy đi thăm giùm mình cảnh cũ, đền đài di tích của lịch sử muôn đời:
Em có về Hà Nội
Em có về Hà Nội
Hãy đến thăm giùm bãi Nghi Tàm
Nơi thuở nhỏ anh từng chạy nhảy
Tay ngắt ổi khi chân vẫn chạy
Từng bơi đùa trong nước hồ xanh.
Thăm giùm anh ngôi chùa nhỏ Ðồng Nhân
Tượng Hai Bà sau bức rèm gỗ gụ
Khi tuẫn quốc hai bà trôi tới đó
Tuổi mười hai anh tiến lễ Trưng Vương.
Ðã vẫy vùng trong Bảy Mẫu Thiền Cương
Lòng thơ dại tìm vào nhà Bác Cổ
Có nhớ nước tới cột cờ Thủ Ngữ
Ngó lên trời mà nhớ Thăng Long.
Hận xâm lăng em hãy tới Ðường Thành
Xem lỗ đạn ngày xưa quân Pháp bắn.
Nếu biết lòng anh em hãy đi thăm Láng
Nơi mối tình niên thiếu rất ngu ngơ...
(Viên Linh, Em Có Về Hà Nội, Tâm Sử Ca, 2013)

Tình thế Hà Nội tháng 6. 1954, ngày nay còn tìm thấy lác đác trong sách báo cũ:
-16 tháng 6, 1954: Thủ tướng Bửu Lộc và toàn thể chính phủ từ chức. Quốc trưởng Bảo Ðại ủy cho ông Ngô Ðình Diệm lập chính phủ mới.
-23 tháng 6, 1954: Các cơ quan chính quyền quốc gia tại địa phương rút khỏi Bùi Chu, Phát Diệm.
-27 tháng 6, 1954: Edward Lansdale được sự đồng ý của đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn và Tướng O' Daniel tới dinh Gia Long trao cho Thủ Tướng Diệm một bản đề nghị, trong đó có điểm cần “đồng hóa vào quân đội quốc gia duy nhất tất cả các lực lượng quân sự và bán quân sự có chủ trương chống Cộng.”
-29 tháng 6, 1954: Các cơ quan chính quyền quốc gia rút khỏi Nam Ðịnh, Thái Bình.
-30 tháng 6, 1954: Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm bay ra Hà Nội.
Chùa Một Cột tại Hà Nội, ảnh Trần Cao Lĩnh.
Những vận động chính trị lúc ấy, trên báo chí và dư luận, đã trở thành chuyện thời sự quan trọng nhất, được đồn đãi nhiều nhất, hàng ngày và sau đó, thay đổi hàng giờ. Từ sau trận Ðiện Biên Phủ, Thơ văn lúc này phần lớn nghiêng xuống một triền dốc đau hận, tan tác: 

Ai về đây giữa tro tàn đổ nát
Có nghe niềm uất hận của muôn quân
Ðang réo sôi trong tiếng gió chiều tàn
Trong tàn tích của khu rừng tàn tạ?
Ðiện Biên Phủ cây rừng không còn lá
Những chiều buồn lặng đứng dưới trời tang
...
Ðiện Biên Phủ nấm mồ hoang cô lạnh
Chôn nghìn thu vạn chiến sĩ vô danh
Ðang triền miên theo đuổi mộng thanh bình
Ðiện Biên Phủ bãi sa trường đẫm máu
Không còn nghe tiếng hò reo tàn bạo
Tiếng xung phong hỗn loạn và điên cuồng
Ðiện Biên Phủ chết rồi không còn nữa
Ðất nhuộm máu mưa pha bùn lầy lụa
Nhiều pháo đài vô chủ đứng chơ vơ
Gió chiều hôm động lá nghe mơ hồ
Như tiếng khóc của oan hồn tử sĩ.
(Lưu Thái Dzo, Ðiêu Tàn)

Phần lớn đã hết niềm tin cứu vãn, đã bắt đầu nói đến chuyện đi Nam, những bến bờ phân ly đầy tiếng kêu thương và đầy tiếng than khóc. “Chia cắt đất nước” ở vĩ tuyến 16, rồi chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17, là những tin tức nóng hổi. Rồi người ta nói tới Hận Sông Gianh trong dĩ vãng. Cuối cùng thì đó là sông Bến Hải. Ðó là Cầu Hiền Lương.
Một mùa chia ly sầu thảm trong văn thơ, một viễn ảnh tàn bạo chụp xuống thủ đô:
“Ðến giữa năm 1954 dân chúng xôn xao trước tin đồn đất nước sắp bị chia đôi và chính phủ Việt Minh sẽ về Hà Nội... đang có tin đồn rằng khi tiếp thu Hà Nội, chính phủ Việt Minh sẽ bắt hay thủ tiêu tất cả những người đã cộng tác với người Pháp...Mẹ tôi vừa khóc vừa nói: ‘Nếu các con ở lại thì một ngày kia Việt Minh về đây, họ sẽ giết các con mất. Vậy các con nên thu xếp mà đi cho sớm.” (Thiếu Mai, Ngược Gió, hồi ký, Ðồng Nai Sài Gòn xuất bản, 1972)
Thơ ca hồi thập niên '50 tràn đầy chuyện chia cắt:
Hà Nội Ơi!
Hà Nội ơi!
Xa rồi!
Tháp Rùa lung linh sáng
Mây mầu biền biệt trôi!
Nẻo cũ đầu ô
Ngút trời sóng dậy
Vàng xây tháp núi
Cát bụi ngậm ngùi thương cố đô!
Ðây sóng nước Tây hồ
Xôn xao bờ biếc
Dăm cánh chim rừng chia biệt dặm trùng dương.
Nắng đổ phố phường
Rưng rưng lửa sáng
Ôi Hà nội mênh mang
Gió ngàn sao đục...
Hà Nội ơi!
Xa rồi!
Dặm trường chia ly!

(Thế Viên, Hà Nội Ơi! khoảng '54)
Tôi viết bài thơ trong đổ nát
Bốn mùa sông núi ngậm ngùi than
Người ơi! Nhân thế tình phai lạt
Mấy nhịp cầu xưa đã lỡ làng.

(Trần Minh Phú, Thương)
Con đứng bên này đất nước
Nhìn bầm qua lớp sương rơi
Rứa là hết, lòng bầm đau đớn quá...

(Mạc Nguyên Anh, Bầm Ơi)
60 năm là khoảng ba thế hệ thanh niên. Sẽ có nhiều thanh niên chỉ đọc những văn thơ trích dẫn trong bài này đây là lần đầu tiên. Một số khác có thể đã đọc, song nhắc lại không phải là vô ích. Hơn nửa thế kỷ đã qua, đất nước phân ly ở một dòng sông, từ ngày đất đai thống nhất năm 1975, sự phân ly ấy không chấm dứt, vì sự thù hận ở hai bên cầu không thay đổi, trái lại, tăng lên gấp ngàn lần: một nửa đất nước phía Nam cây cầu trở thành tù nhân, tội phạm, ranh giới một dòng sông biến thành ranh giới của hàng trăm trại tù cải tạo. Chủ nghĩa phân ly xưa kia chỉ có điển hình nơi một địa danh Hiền Lương, nay nhân lên cả ngàn cả vạn ranh giới hành chánh, luật pháp không do Quốc Hội biểu quyết, hàng hàng lớp lớp dày đặc những mãnh hổ của những khu rừng hà chính, không còn ai biết là những gì, bao la vô tận khắp lãnh thổ, khắp quốc độ. 
Viên Linh
 (Ghi chú: Không kể thơ văn, tài liệu trích dẫn trong bài này căn cứ qua các sách “Việt Sử Khảo Luận, cuốn V” của Hoàng Cơ Thụy, “Những Ngày Chưa Quên” và “Hai Mươi Năm Qua” của Ðoàn Thêm).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét