Người ta gọi Nhật Bản là một đảo
quốc vì đất nước này có đến 6.852 hòn đảo lớn nhỏ. Tuy nhiên hầu hết người Nhật
sinh sống trên bốn hòn đảo chính: Hokkaido,
Honshu, Shikoku và Kyushu. Mặc dù đã vào thời
đại toàn cầu hóa của thế kỷ 21, nhưng vẫn còn rất nhiều hòn đảo nhỏ của Nhật vẫn
còn trong tình trạng vô danh. Lý do cũng dễ hiểu vì đó là những hòn đảo quá
nhỏ, không có người ở. Có những hòn đảo chỉ trồi lên khỏi mực nước biển chừng vài
mét.
Nếu không có chuyện Trung Cộng
mưu toan xâm chiếm quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) thì có lẽ chính phủ Nhật cũng
vẫn chưa có nhu cầu đặt tên cho những hòn đảo tí hon này. Ngày 01.08.2014, phát
ngôn viên chính phủ Nhật, ông Suga, trong một cuộc họp báo định kỳ cho biết kể
từ ngày này 158 hòn đảo nhỏ vô danh của Nhật đã chính thức có tên. Trong 158
hòn đảo đó, có 5 hòn thuộc quần đảo Senkaku. Ông Suga cũng cho biết chính phủ
Nhật đã không tự ý đặt tên nhưng tham khảo ý kiến người dân tại các địa phương gần
từng hòn đảo để kiếm tên thích
hợp. Hầu hết tên gọi 158 đảo đều là các tên dân
dã mà dân chúng trong vùng dùng với nhau cho dễ nhớ.
Ngay sau khi phát ngôn viên chính
phủ Nhật họp báo, các ban ngành, đặc biệt là cơ quan Tham mưu về chính sách Hải
dương Nhật, lập tức công bố trên website của từng ngành tên chính thức của 158
hòn đảo. Chính phủ Nhật muốn quảng bá tối đa trước cả thế giới và đang chuẩn bị
đối phó với phản ứng lồng lộn từ Bắc Kinh mà họ dự kiến sẽ xảy ra.
Khi giới ký giả hỏi về chủ đích của
chính phủ Nhật qua sự việc này, ông Suga trả lời: "Nếu gọi là muốn quảng
bá cho thế giới biết thì quả thật không sai, nhưng điều quan trọng của việc
phải đặt tên là khẳng định đó là lãnh hải, lãnh đảo bất khả xâm phạm từ ngàn
xưa của Nhật ... và đã được luật pháp quốc tế, luật Biển của Liên hiệp quốc
thừa nhận để làm chứng cứ chống lại sự xâm lược của bất kỳ quốc gia nào. Việc
đặt tên này có bị Trung quốc phản đối hay không thì chắc là có, nhưng dù phản
đối ở mức độ nào Nhật Bản vẫn không thay đổi lập trường".
Theo giới hữu trách thuộc nội các
của Thủ tướng Abe thì sự việc Trung quốc kéo giàn khoan HD981 vào thềm lục địa
của Việt Nam đã khiến cho chính phủ Nhật Bản phải gấp rút lên đối sách để đề phòng
trường hợp Bắc Kinh cũng dùng trò này xâm lấn vùng biển Hoa đông. Một hội nghị
bàn về cách bảo vệ các hòn đảo nhỏ đã đuợc tổ chức vào tháng 6.2014. Một việc cần
ngay mà nhiều giới chức chính phủ, chuyên gia, học giả độc lập đồng ý là chính
thức đặt tên và đưa cả 158 hòn đảo này lên bản đồ trước mắt toàn thế giới.
Phản ứng của Bắc Kinh đúng như dự
đoán. Sứ quán Trung Cộng tại Tokyo gọi điện đến bộ Ngoại giao Nhật phản đối,
đồng thời Đại sứ Nhật ở Bắc Kinh là ông Kitera bị bộ Ngoại giao Trung Cộng gọi
đến để kháng nghị. Đáp lại, cả bộ Ngoại giao Nhật lẫn Đại sứ Kitera đều bác bỏ
việc kháng nghị này vì cho rằng chính phủ Nhật Bản có quyền đặt tên hay thay
đổi tên bất kỳ hòn đảo nào thuộc chủ
quyền của mình.
Theo các quan sát viên tình hình
châu Á-Thái Bình dương thì thái độ của Tokyo
đã khác hẳn mấy năm trước. Trong những năm
trước, cứ mỗi khi Tokyo làm điều gì không vừa ý, Bắc Kinh lại hăm dọa chiến
tranh và gọi mập mờ nơi đó là "vùng tranh chấp". Lần này việc Tokyo
đặt tên cho 5 hòn đảo trong quần đảo Senkaku được coi là lời nói thẳng với Bắc
Kinh đây là hải đảo của Nhật chứ chẳng có gì để tranh chấp cả. Hải quân và
không quân Nhật sẵn sàng nghênh chiến để khẳng định chủ quyền của mình. Đó là
chưa kể sự tham gia của hải quân Mỹ qua hiệp ước bảo an Mỹ-Nhật hiện có. Vẫn
theo giới phân tích thì lần này có vẻ Bắc Kinh chỉ phản ứng chiếu lệ rồi thôi,
chứ không quá đà như những năm trước. Một lần nữa, có vẻ như chiến thuật
"mềm nắn, rắn buông" lại được Bắc Kinh áp dụng.
Nhìn cảnh chính phủ Nhật huy động
sức lực đến mức đó để bảo vệ 5 hòn đảo tí hon, người Việt không khỏi đau xót
khi nghe Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố việc kéo giàn khoan
HD981 vào thềm lục địa Việt Nam, việc chiếm đảo, biển và bắn giết ngư dân Việt,
đều chỉ là những chuyện lục đục nhỏ trong gia đình.
Và nhìn cảnh tượng chính phủ Nhật
cố sức ghi đậm tên tuổi các hòn đảo trong sổ sách quốc tế, người Việt Nam lại càng
không sao hiểu được Hiệp ước phân định biên giới trên bộ ký kết công khai giữa
Hà Nội và Bắc Kinh từ 15 năm trước (1999) nhưng đến nay lãnh đạo đảng CSVN vẫn giữ
các bản đồ đó trong vòng tối mật, không cho ai biết./.
Ngô Quảng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét