Ads 468x60px

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Xuồng ba lá và tàu cao tốc ở miền Tây

Một bến chờ tàu cao tốc ở miền Tây.
(Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Phi Khanh
Xuồng ba lá, với người miệt sông nước miền Tây là phương tiện đi lại có thể nói là phổ thông nhất và thân thiết nhất giữa mênh mông rừng dừa, miên man sóng nước. 
Khi mọi thứ được công nghiệp hóa, những tưởng tàu cao tốc sẽ lấn lướt, và xuồng ba lá bị vào dĩ vãng.
Nhưng không, sự tồn tại song đôi giữa xuồng ba lá và tàu cao tốc trên các con sông miền Tây lại tạo ra nét đẹp rất riêng, rất thơ và cũng rất chi là tâm hồn người miệt sông nước này.
Ông Tư Vung, người Long Xuyên, An Giang, có thâm niên hai mươi năm chèo xuồng ba lá đưa đón khách, đi bán trái cây dạo trên chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ và có thêm gần mười năm lái tàu cao tốc, cho hay,
“Xuồng ba lá nó giúp cơ bắp mình giãn ra, còn tàu cao tốc nó giúp hộp sọ mình giãn ra. Cái nào cũng giãn nở hết!”
“Nói xuồng ba lá nó giúp cơ bắp giãn ra vì mình chèo suốt ngày, lúc nào mệt thì nghỉ ngơi, vừa phơi nắng lâu vừa lao động nhưng đầy hứng thú nên thân thể khỏe mạnh, rắn rỏi. Còn lái tàu cao tốc, mình phải căng não tính từng đợt sóng nước, tuyến đi, rồi hướng chảy, chọn tốc độ hợp lý cho tàu chạy bon bon... Nên não bộ mình nở ra.”
Xuồng ba lá luôn gắn với sông nước miền Tây.
(Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Nhưng từ ngày lái tàu cao tốc, mình phải học nhiều thứ, trong đó có một thứ mà không bao giờ chỉ học là đủ, đó là lái tàu cao tốc còn giúp trái tim mềm ra, giãn ra nữa, cái này đặc biệt lắm, nghĩa là biết yêu thương, gửi hồn vía vào vô lăng tàu.”
“Cụ thể là khi mình lái tốc độ cao, trên sông sẽ tạo ra nhiều đợt sóng, điều này rất nguy hiểm cho những chiếc xuồng con, xuồng ba lá, thậm chí có thể bị lật xuồng, nếu trên xuồng chở trẻ con hoặc người già thì ôi thôi...”
“Chính vì thế khi lái đến những đoạn sông cong khuất, người lái tàu cao tốc có tâm sẽ điều khiển tàu đi thật chậm, mặc dù lái tàu, bo những đường cong với tốc độ cao mới hứng thú nhưng buộc lòng phải đi chậm đề phòng gây ra sóng cho những chiếc xuồng... Mình lái tàu gần mười năm, luôn giữ nếp như vậy!”
Một chàng trai trẻ miền Tây khác tên Út Ren, vốn là dân lái xuồng ba lá chở mía trên các con lạch ở Long Xuyên, nói thêm, “Ở tứ giác Long Xuyên này thì sông nước chằng chịt, mà không riêng gì Long Xuyên, từ đây xuống tận Cà Mau, nơi đâu cũng sông nước mênh mông hết, ghe thuyền cũng nhiều không kém xe cộ.”
“Mấy năm trước em chèo xuồng chở sầu riêng, chở dưa, mía, đủ các loại, gặp chi chở nấy. Sau này em mới học lái tàu cao tốc, chuyển sang lái tàu từ thành phố Cà Mau về Ðất Mũi. Làm nghề này cũng vui, lương cũng ổn định hơn mà chứng kiến được nhiều điều.”
“Thú vị nhất là chở thuê đám cưới, ở dưới này, nhà nào nghèo thì đi rước dâu bằng xuồng ba lá, nhà nào khá thì rước bằng tàu cao tốc. Có một điểm lạ là tất cả cô dâu rước bằng tàu cao tốc đều có con cái đường hoàng cho đến lúc con khôn lớn. Nhưng xuồng ba lá thì rước xong vài bữa tự dưng cô dâu bỏ trốn lên thành phố làm ăn, đi biệt luôn!”
Trường học nằm ở vùng sông nước nên học sinh
đi học rất vất vả. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Có lẽ do còn nghèo quá nên các cô chịu không nổi, bỏ đi thôi, có nhiều cô có chồng gần ba năm, con đã gần hai tuổi vẫn bỏ nhà theo trai để kiếm sự giàu sang. Nhiều lắm, mỗi ngày khách đi tàu đều có chuyện để kể. Cũng vì nghèo cả thôi, chỉ riêng chuyện đưa con đến trường học không thôi cũng đủ làm mấy cô ngán ngẩm tận cổ...”
“Thì muốn đi học cấp tiểu học, sáng ra học sinh phải dậy từ 4-5 giờ sáng để đi xuồng đến lớp, cha mẹ phải bơi xuồng hoặc dùng xuồng máy chở đi. Mà nhà nghèo thì làm chi có xuồng máy, bữa nào có tiền thì đón tàu cao tốc, bữa nào không có tiền thì tự bơi xuồng. Ðường thì quá xa, đó là chưa nói chuyện mùa mưa, nước sông dâng cao, đi nguy hiểm lắm.”
“Mà thường nhà nghèo thì bọn chồng hay nhậu nhẹt say bù khú cả ngày, không làm chi ra tiền cả, thử hỏi cô vợ nào chịu cho nổi. Hơn nữa, thời cơ giới hóa rồi, mọi thứ đều bằng máy móc, chiếc xuồng ba lá chỉ là thú vui cũng giống như trên bờ sắm chiếc xe đạp dạo phố, nếu xem nó là tài sản thì vợ nó không sớm thì muộn cũng bỏ mình thôi!”
“Có thể nói là từ thời điểm tàu cao tốc thay thế cho xuồng ba lá, có một thứ gì đó đã thay thế cho tính hồn nhiên và không đến nỗi ham giàu một cách vô tội vạ của các cô gái miền Tây hoàn toàn bị mất, thay vào đó là các mỹ viện trên sông, cà phê chuồng xuất hiện dày đặc. Trai miền Tây bắt đầu chán đời, họ say khướt cả ngày, tốc độ uống rượu của họ còn kinh khủng hơn cả tốc độ tàu cao tốc uống xăng.”
“Nói chung là đời sống có khá hơn khi tàu cao tốc xuất hiện ở các con sông miền Tây. Nhưng cũng từ đó, xuồng ba lá bắt đầu vắng dần, tính nghệ sĩ của nông dân miền Tây cũng mất dần, thay vào đó là những kiểu lai căng các vùng miền và người ta cuống cuồng kiếm tiền, đàn ông thì loay hoay đủ thừ hết, đàn bà thì loay hoay lên phố bán thân... Nghĩ cũng buồn, có lẽ do tốc độ của thời đại nó khác khiến cho con người cũng khác đi nhiều!”
Câu nói của Út Ren khiến chúng tôi chạnh buồn khi thấy một chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu bên bờ kia sông Tiền, không biết nó và cô chủ đội nón lá đang chèo kia sẽ tồn tại được bao lâu nữa khi mùa mưa bão sắp tới?!
Phi Khanh/Người Việt  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét