Ads 468x60px

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Chợt buồn ngày khánh thành cầu Khe Ang

Bảo Nam
Chín giờ ngày 6/9 chính thức vào lễ khánh thành cầu Khe Ang ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Vượt hơn 100 km chúng tôi có mặt lúc 8h. Đầu cầu, cuối cầu công an áo xanh, áo vàng (thuộc cấp huyện, cấp tỉnh) canh giữ nghiêm ngặt. Một tay công an áo xanh (cảnh sát cơ động) chặn xe chúng tôi. Tôi xuống xe xuất trình giấy tờ rồi nói
- Cái gì mà làm như chống bạo động thế ?            
Khi biết tôi là nhà báo, cả mấy tay công an đều cười:
- Hôm nay quan chức tỉnh, sở, huyện về nhiều, để đảm bảo an ninh và cũng phòng xa biết đâu có bọn phản động phá hoại ngày vui khánh thành cầu.
Tôi nhẩm tính số quan chức, công an từ cấp tỉnh đến địa phương con số khiêm tốn cũng vài trăm vị. Theo đó, tính ra ngày vui này ngân sách do dân đóng góp cũng mất hàng trăm triệu. Nỗi buồn bắt đầu từ đây trào dâng lên trong tôi.
Khánh thành cầu Khe Ang mới.
Đập tràn Khe Ang (nay là cầu mới Khe Ang) nằm trên tỉnh lộ 531 nối liền nhiều xã của huyện Nghĩa Đàn, đây là nơi qua lại của hàng nghìn, hàng vạn người dân và học sinh. Cứ mỗi mùa mưa lũ đến tràn Khe Ang bị ngập, nước chảy xiết gầm gào như thú dữ. Nơi đây nhiều năm rồi đã xẩy ra bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm, tài sản, người bị cuốn trôi nhưng chưa ai ngó tới, chỉ có những nỗi kinh hoàng, ám ảnh đi vào lòng dân đôi bờ. Rồi mùa lũ năm 2013 một thanh tra giao thông lái xe chở 7 người đi qua đây bị nước lũ cuốn trôi, 5 người chết oan uổng, trong đó có hai đứa trẻ. Nỗi đau chấn động trời xanh, các cấp sở, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến xã, huy động nhiều phương tiện, hàng trăm, nghìn nhân lực vào cuộc tìm kiếp những người xấu số, mãi mấy ngày sau mới tìm thấy xác nạn nhân cuối cùng. Ông thanh tra giao thông lái xe thoát chết nhưng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra. 
Đập tràn Khe Ang cũ nơi xẩy ra vụ 5 người chết vì lũ lụt năm 2013
Các cơ quan chức năng, như UBND tỉnh Nghệ An, sở Giao thông vận tải, công an họp bàn tóe lửa quy trách nhiệm, cuối cùng rút bài học từ 5 mạng người. Báo chí cũng từ trung ương đến địa phương tha hồ phóng bút ở nhiều góc độ và cuối cùng là mang theo ý nguyện lòng dân sớm có một chiếc cầu. Dân mừng dự án chiếc cầu, đơn giản là để để khỏi đau thương, kinh hoàng khi mùa mưa lũ đến, nhưng nhiều quan chức mừng vì sẽ được ký tá, sẽ được phần trăm của dự án. Một tay chuyên thiết kế thi công các dự án nói : Cái cầu Khe Ang hơn 40 tỷ thì may ra chỉ còn hơn 20 tỷ vì bên A bên B rồi B phẩy, giám sát, nghiệm thu, thiết kế, nhà thầu…Thôi thì có chiếc cầu là mừng, rơi rụng, đi đêm, cửa trước, cửa sau nói mà gì cho dân thêm nẫu lòng, cơ chế là vậy mà, Việt Nam là vậy mà. Thật đau đớn khi có nhiều người nói “ Có được chiếc cầu Khe Ang là nhờ 5 người chết”. Kể ra cũng không sai vì cách đây mấy năm ở bến đò Chôm Lôm, huyện Con Cuông một vụ chìm thuyền làm hàng loạt học sinh chết, sau đó mới có cầu treo Chôm Lôm bao giờ đó sao. Đó là chỉ nói riêng ở tỉnh Nghệ An.
Người đẹp xèo ô, che lọng cho quan trên về dự lễ khánh thành cầu Khe Ang.
Vu vơ gom nhặt những nổi buồn, bỗng hàng loạt xe con biển số xanh của cán bộ các cấp huyện, tỉnh tràn về đậu một dãy dài trên cầu Khe Ang. Nắng chang chang, nhiều ông quan da đỏ hồng, bụng phệ bước xuống xe. Từng đàn gái xinh được tuyển chọn, áo dài là lượt, miệng tươi cười như hoa chạy ào đến các vị chức sắc, xòe ô, giơ lọng che đầu đưa rước. Một bà cụ khoảng hơn 80 tuổi móm mém, lấy tay che nắng quái ngước nhìn cảnh đưa rước nói với đứa cháu “ Chắc là các quan lớn, quan phụ mẫu”. Đứa cháu cãi lại “ Quan lớn, quan phụ mẫu là từ ngữ ngày xưa thời phong kiến ám chỉ bọn ăn cướp, bây giờ gọi là cán bộ của dân, vì dân”. Bà lão cười, không nói gì.
Tôi vào hội trường, ngồi xuống nghế bọc vải trắng muốt. Một cô lễ tân đến hỏi “Bác là khách mời ạ, có giấy tờ gì không “? Trong tôi bỗng loé lên một ý nghĩ đầy chua chát. Kìm nén lại tôi đưa thẻ nhà báo ra. Cô gái cười rất tươi “Cảm ơn” rồi phát cho tôi một túi quà, trong đó có một chiếc áo và một tờ báo in nhiều màu rất đẹp, tờ báo nổi trội lên bài viết ca ngợi sự quan tâm của các cấp, nhà thầu đã cố gắng sớm đưa cầu Khe Ang vào sử dụng trước mùa mưa lũ, chấm dứt mọi nỗi kinh hoàng.
Ông Lê Hồng Sơn, chủ tịch huyện Nghĩa Đàn đang cúi mình bắt tay thân hữu, 
quan chức trong lễ khánh thành cầu Khe Ang
Nhìn lên mấy hàng ghế trên, các ông chức nhỏ chủ động bắt tay các ông chức to hơn, cũng có ông chức to hơn ra chiều thân thiện bắt tay cấp dưới, vỗ vỗ vai, cũng cười cười. Trong các động thái này tôi thấy ông Lê Hồng Sơn (người mới được bầu chức danh chủ tịch huyện Nghĩa Đàn) xem ra năng nổ hơn cả. Họ chúc mừng dân nghèo đôi bờ từ nay thoát được những tai nạn kinh hoàng, thương tâm, hay họ chúc mừng chiếc cầu, theo thiết kế là vĩnh cửu (15 tháng chỉ làm trong năm tháng) hay họ chúc mừng nhau những gì nữa mà chỉ nói bằng ánh mắt.
Thật là phì cười khi nghe nói đến chiếc cầu Khe Ang là vĩnh cữu. Theo quy luật chẳng có cái gì là vĩnh cửu cả, đến cả những triều đại, đế chế rồi cuối cùng cũng tan rã, huống gì là một chiếc cầu. Hãy đợi xem!
Trên khán đài mọi quan chức lần lượt lên phát biểu, chung quy là cảm ơn đảng, cảm ơn chính phủ, điều mà bất cứ lễ khánh thành công trình gì họ đều nói lên trước.
Nắng quái càng gay gắt. Tôi ra về, nổi buồn tràn ngập mênh mang.
Bảo Nam         

0 nhận xét:

Đăng nhận xét