...Giữ
im lặng hay lắc đầu trước một lời van xin của một người ngoại
quốc - nói tình ngay, và nói với ít nhiều xấu hổ - vẫn dễ
hơn là nói “không” với những đồng bào cùng khổ, nhất là giữa
cảnh sông nước bao la, nơi đất khách quê người. Tuy nhiên,
tôi biết chắc rằng mình chỉ cần hỏi nhỏ một đứa bé ăn xin
một câu thôi - “Con là người Việt phải không?” -và nó gật đầu
là tôi sẽ ôm cháu bé vào lòng rồi vỡ òa lên khóc. Tôi sẽ móc
hết đồng bạc cuối cùng cho nó, rồi sẽ bị bao vây bởi hàng
trăm người đồng hương khác, và chưa chắc đã rời khỏi được bến
phà này...
*
*
Lênh đênh muôn dặm
nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh
“Bèo” - Phùng Cung
Năm 2007 nhiếp ảnh gia Nghi Thanh đi qua một chuyến phà (ở Neak
Loeung, tên Việt: Hố Lương) và ống kính chuyên nghiệp của ông đã
ghi lại hình ảnh của một thiếu nữ bán soài vô cùng sống
động và sắc nét, cùng với đôi lời chú giải - bằng Anh Ngữ -
về địa phương này:
Ảnh: Nghi Thanh
“This is Neak Luong or Phumĭ Prêk Khsay, a little town belongs
to Prey Veng ('long forest' in Khmer), one of the poorest provinces in
Cambodia, prone to both floods and droughts. The province, situated near
the Vietnamese border, was one of the most heavily bombed during the
Vietnam War.”
(Đây là Neak Luong hay còn gọi là Phumĭ Prêk Khsay, một thành
phố nhỏ thuộc Prey Veng (nghĩa là ‘rừng dài” theo tiếng Khmer),
nơi nghèo nhất Cambodia, thường bị cả lụt lội lẫn hạn hán.
Thị trấn này nằm gần biên giới Việt, là một trong những nơi
chịu bom đạn nặng nề nhất vào thời chiến tranh Việt Nam.)
Sáu năm sau, phóng viên Thanh Trúc cũng đã dừng chân ở nơi đây, và ghi lại một bài phóng sự ngắn - “Những mảnh đời trôi nổi của người Việt ở Hố Lương” - với hơi nhiều xúc cảm:
“Tại Hố Lương, nhiều người Việt Nam, bây giờ được gọi là người Khmer
gốc Việt, tuy đã sống ở chốn này gần bốn năm thế hệ nhưng mãi vẫn là
những người gạo chợ nước sông, không có giấy tờ cũng không có quốc tịch.
Nghèo và không có tương lai thì không thể tránh được chuyện đi khỏi
làng khỏi xóm để kiếm việc mà có khi lại rơi vào những cạm bẫy xã hội
vốn đầy dẫy bên ngoài, điển hình như những quán cà phê, sự thực là quán
gái, nơi rất chuộng các thiếu nữ Việt Nam...
Cuộc sống của người Việt ở Kampuchia, hoặc người Miên gốc Việt ở Xứ
Chùa Tháp, những người không có quốc tịch, không có giấy tờ, không có
đất đai, là cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt, chẳng có lối để thoát ra hay
vươn lên khỏi cảnh túng đói.”
Nhà của người Việt, tại ấp 6, Hố Lương. Ảnh: Sovanrith
Hố Lương nằm bên dòng Bassac, thượng nguồn của Tiền Giang, tuy
chỉ cách Nam Vang chừng hơn hơn một giờ xe nhưng lại rất xa khu
du lịch quen thuộc Đế Thiên - Đế Thích nên du khách không mấy ai
lui tới. Tôi lò dò đến đây vào cuối năm 2014, và nhận ra rằng
cuộc sống của đồng bào mình hoàn toàn không có gì thay đổi: “...vẫn đơn điệu, tẻ nhạt, chẳng có lối để thoát ra hay vươn lên khỏi cảnh túng đói.”
Ngoại trừ những thanh niên thiếu nữ có thể lên thủ đô Nam Vang
làm thuê, làm mướn, phụ hồ, phụ bàn, khuân vác, chạy xe ôm,
bán quán cà phê (và đôi khi cũng phải bán thân luôn) còn người
già và trẻ con ở Neak Loeung thì chỉ còn có cách mưu sinh là
đi ăn xin hay bán hàng rong trên những chuyến phà - qua lại hàng
ngày - ở khúc sông này.
Phà qua sông Hố Lương. Ảnh: NCB
Nhìn những cụm hoa lục bình tim tím, lơ lửng trên dòng nước đục
màu phù sa, dưới ánh nắng vàng rực, giữa hai bờ cỏ dại xanh um -
ngút xa tầm mắt - ở bến sông Hố Lương khiến tôi không dưng mà
chợt nhớ đến hình ảnh an vui nơi Bắc Mỹ Thuận, vào những
tháng ngày xa xưa cũ:
Trong lúc cả đoàn xe xếp hàng dài, chờ đến luợt xuống phà, hành
khách tấp nập ra vào những quán ăn nằm san sát bên đường. Không khí
thơm lừng mùi gà nuớng, tôm nướng, heo nướng, bò nướng, cá nướng, chuột
nướng... Không gian tươi tắn màu sắc của đủ loại trái cây quen thuộc,
của miền Nam: khóm, mận, ổi, nhãn, soài, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm,
vú sữa, sa pô chê, cam, quýt...
Duới phà chen lẫn với hành khách là những em bé bán hàng rong: xôi
vị, cốm dẹp, bánh bèo nước dừa, bánh tằm bì, chuối nướng, chè đậu, gỏi
gà, cháo vịt, nem nướng, chả chiên, mía hấp, bì cuốn, bún mắm, chả giò,
đậu phụng, cà rem, trà đá, ốc gạo hấp lá gừng, ốc leng xào dừa, chim
mía rô ti...
Ảnh:wordpress.com
Bến phà Hố Lương chiều nay tuy cũng an bình nhưng không nhộn
nhịp và không có được cái sắc thái, cũng như sắc màu, phong
phú và tươi vui như Mỹ Thuận năm nào. Anh bạn đồng hành, dân
bản xứ, chỉ vào đám đông đang lao nhao vây quanh những chiếc xe
chở khách:
- They’re all Vietnamese! Họ đều là người Việt!
Dù đã sống hơn nửa đời tha phương cầu thực, qua rất nhiều nơi,
tôi chưa bao giờ thấy đồng hương của mình trong tình cảnh nhếch
nhác, khốn cùng, và thảm thương đến thế. Tháng trước, nơi khu Phố Đèn Đỏ Geyleng
(ở Singapore) tôi cũng có gặp năm bảy phụ nữ Việt Nam đi xin
tiền - với phương cách vô cùng lịch sự: họ đi lanh quanh bên
những bàn ăn chào mời thực khách mua giấy chùi miệng.
Thực khách ở Singapore không ai cần đến dịch vụ thừa thãi này
nhưng họ vẫn vui vẻ (và tế nhị) chia sẻ vài đồng tiền lẻ với
những kẻ không may ở nước láng giềng, qua hình thức bán/mua.
Singapore là một đảo quốc giầu có, với lợi tức bình quân đầu
người hàng năm cao nhất nhì thế giới. Người dân bản xứ không ai
phải đi bán hàng rong hoặc đi xin ăn nên họ “nhường” công việc
này cho những người Việt tha hương, ở bước đường cùng.
Lợi tức bình quân hàng năm của người dân Cambodia thì ngược
lại: thấp nhất nhì thế giới. Có thể vì cái khó nó bó cái
khôn nên chính phủ của đất nước này không được bao dung gì cho
lắm.
Theo tường trình của Minority Rights Organization (“The Situation of Stateless Ethnic Vietnamese in Cambodia”)
đọc được vào hôm 19 tháng 3 năm 2014 thì có khoảng năm phần
trăm, hay 750.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Cambodia (sắc
dân thiểu số đông nhất ở đất nước này) và phần lớn bị coi là
những kẻ vô tổ quốc nên họ bị tước đoạt tất cả những quyền
lợi căn bản.
Không quốc tịch, không khai sinh, không căn cước... nghĩa là không
có quyền sở hữu đất đai, tài sản, không được quyền tiếp cận
với bất cứ dịch vụ căn bản nào về xã hội, giáo dục, hay y
tế.
Bị kỳ thị là chuyện phổ biến xảy ra cho tất cả những nhóm dân
bản địa hay thiểu số, ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, tình trạng
này thường chỉ xẩy ra ở bình diện cá nhân - at personal level.
Không luật pháp của xứ sở nào có thể ngăn cấm hay xử phạt sự
thù ghét, khinh miệt giữa kẻ này và người nọ nếu những tình
cảm tiêu cực này chưa được bầy tỏ qua ngôn ngữ hay hành động.
Còn ở bình diện thể chế, institutional level, Công Ước
Quốc Tế về “xoá bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc” được
hầu hết mọi quốc gia ký kết. Cambodia cũng “ký” nhưng chỉ “ký”
chơi thôi!
Bởi vậy, dân Việt ở xứ Chùa Tháp bị đẩy vào cảnh khốn cùng
là chuyện... tất nhiên. Tôi cũng đã bưng xề đi bán hàng bánh
tiêu trong một thời gian không ngắn (ở chợ Nhà Lồng và bến xe
Rạch Giá, hồi năm 1979) và cũng suýt trở thành ăn mày - đôi
bận - nên khó giữ được cho lòng bình thản trước cảnh thương tâm
mà nhìn thấy chiều nay, nơi bến sông này.
Giữ im lặng hay lắc đầu trước một lời van xin của một người
ngoại quốc - nói tình ngay, và nói với ít nhiều xấu hổ - vẫn
dễ hơn là nói “không” với những đồng bào cùng khổ, nhất là
giữa cảnh sông nước bao la, nơi đất khách quê người.
Tuy nhiên, tôi biết chắc rằng mình chỉ cần hỏi nhỏ một đứa bé
ăn xin một câu thôi (“Con là người Việt phải không?”) và nó gật
đầu là tôi sẽ ôm cháu bé vào lòng rồi vỡ òa lên khóc. Tôi
sẽ móc hết đồng bạc cuối cùng cho nó, rồi sẽ bị bao vây bởi
hàng trăm người đồng hương khác, và chưa chắc đã rời khỏi được
bến phà này.
Nhìn nét mặt bỗng khác thường khiến cho người đồng hành ái ngại:
- Don’t do stupid thing, man. Đừng có làm cái gì lố
bịch nha, cha nội. Không có mày họ vẫn sống đấy thôi, và họ
đã sống như vậy từ bao lâu nay rồi mà.
Có điều là anh bạn, cũng như chính tôi (ngay lúc đó) không hề
biết rằng những chuyến phà qua sông Hố Lương đang sắp sửa đi
vào... lịch sử. Rồi ra, chúng sẽ cũng cùng chung số phận -
hẩm hiu - y như những chiếc phà ở sông Tiền Giang năm nào, theo
như thông tin mà tôi vừa tiếp cận sáng nay:
Amount: $131 million
Grant from: Japan
Start: late 2010
Finish: February 2015
Length: 2210 m
Width: 13.5 m
Cầu Neak Loeung sắp hoàn thành. Ảnh: Sovanrith
Khi công trình kiến trúc trị giá 131 triệu Mỹ Kim này hoàn tất
(vào tháng hai năm 2015) chắc chắc lưu thông sẽ dễ dàng và
thông thoáng hơn nhiều. Điều chắc chắn không kém là giá thành
của nhiều sản phẩm trong vùng sẽ hạ, và hành khách sẽ tiết
kiệm được rất nhiều thời gian vì khỏi phải chờ phà. Chỉ duy
có điều không ai dám chắc là cuộc đời vốn đã bấp bênh của
không ít người dân Việt (ở Hố Lương) rồi sẽ ra sao - trong những
ngày tháng tới?
Lênh đênh muôn dặm
nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh
Tưởng Năng Tiến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét