Ông Lý Quang Diệu |
Ngô Nhân Dụng
Ông Lý Quang Diệu,
trong một bài phỏng vấn của tờ New York Times năm 2010, đã nói trước như một di
chúc, “Tôi không nói mọi việc mình làm đều đúng, nhưng tôi làm tất cả vì một
mục đích ngay thẳng.”
Những người chống ông Lý Quang Diệu cũng phải công nhận ông
đáng được ca ngợi, với công xây dựng một Singapore phồn thịnh, sạch sẽ, kỷ luật
và đạo đức Ông cai trị thành phố hai, ba triệu người này như một ông bố lo
lắng, săn sóc các con (dân chi phụ mẫu). Người ta có thể bất bình về thái độ
“cha mẹ” đó, nhưng không thể phủ nhận các thành quả hiển nhiên. Bí quyết nào đã
giúp ông thành công?
Một bí quyết là ông không tôn thờ một chủ nghĩa nào cả. Ông
thực tế, chỉ làm theo những điều mình hiểu biết và lương tâm của mình, với “mục
đích ngay thẳng.”
Lý Quang Diệu là một người Khách Gia (Hẹ) sinh ở Bằng Tường,
thuộc tỉnh Quảng Tây, bên kia biên giới Việt Hoa; đáng lẽ vùng này thuộc nước Việt
Nam, trước khi bị người Trung Hoa chiếm. Ông được giáo dục trong gia đình theo
lối nhà Nho, lớn lên du học ở Anh. Hai nền giáo dục này ảnh hưởng trên cách ông
xây dựng nước Singapore.
Hai truyền thống đó trở thành căn bản lập quốc, vì kinh nghiệm bản thân của Lý
Quang Diệu. Về xã hội, ông muốn giữ gìn một nền đạo lý theo Nhân, Nghĩa, Lễ,
Trí, Tín. Về chính trị, theo chế độ đại nghị, tam quyền phân lập với quy tắc
tôn trọng pháp luật của kinh tế thị trường.
Nước Singapore
giầu có như ngày nay vì đã dùng các chính sách kinh tế đúng, theo kinh nghiệm
đã được thử thách và các khám phá khoa học mới; chứ không phải vì những người
cai trị đóng vai “cha mẹ dân.” Làm “cha già dân tộc” mà dốt nát và cố chấp thì
con cái vẫn đói dài. Lý Quang Diệu thừa hưởng một nền hành chánh đem từ nước
Anh qua các thuộc địa, tôn trọng luật pháp và tôn trọng quyền tư hữu, tự do
kinh doanh. Đó là những yếu tố giúp kinh tế Singapore cũng như Hồng Kông phồn
thịnh. Các nước Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, cũng giữ được truyền thống văn hóa
Khổng giáo, theo các chính sách kinh tế đứng đắn, tất cả đều thành công, tiến
bước trên đường dân chủ hóa. Ngoài ra còn phải kể đến ý chí đoàn kết của mọi
người dân Singapore
khi họ bị đuổi khỏi Liên Bang Mã Lai Á.
Ngược lại, những nước trong vùng hiện nay chịu cảnh nghèo
nàn chỉ vì trong cùng thời gian đó đã áp dụng các chính sách kinh tế sai lầm.
Có những nước sai lầm vì người cầm quyền độc tài, dốt nát và tham lam, giành
độc quyền kinh tế cho gia đình, cho phe đảng, như Philippines,
Indonesia.
Đó là những quốc gia mới lập sau Đại Chiến Thứ Hai, với dân số đông gấp trăm
lần Singapore,
thêm tình trạng chia rẽ do thành phần phức tạp, ý thức dân tộc đang thành hình
chưa đủ vững chãi. Lý do thất bại của hai quốc gia này là họ sai lầm, kiềm hãm
khả năng kinh doanh của người dân bị vì xã hội thiếu tự do.
Sai lầm của chế độ Cộng Sản tại Á Châu bản chất khác, cho
nên cũng nặng nề hơn. Tại Trung Quốc và Việt Nam, những người Cộng Sản cướp được
chính quyền đều tin theo một chủ nghĩa không tưởng. Trung Cộng và Việt Cộng đều
bị trói chặt suốt mấy thế hệ trong một xã hội khép kín, một nếp sống đóng khuôn
bằng những tín điều chủ nghĩa Cộng Sản. Các chế độ độc tài ở Nam Hàn, Đài Loan,
Philippines, Indonesia vẫn để mở cánh cửa cho việc cải thiện cả hệ thống kinh
tế lẫn chính trị. Tại Miến Điện (Myanmar) nhóm quân phiệt cai trị
theo chủ nghĩa xã hội riêng của họ cũng mắc cùng một chướng ngại như vậy.
Chướng ngại lớn nhất khiến kinh tế các nước Cộng Sản không
tiến được là họ thờ phụng các giáo điều một chủ nghĩa. Giống như tín đồ say sưa
theo một tôn giáo mới, họ bất chấp thực tế. Họ lại tự kiêu về tín ngưỡng mới
của mình, coi khinh mọi truyền thống trí thức cũng như đạo lý mà tổ tiên đã xây
dựng hàng ngàn năm để lại.
Mê tín vào chủ nghĩa, cho nên họ từ chối không dùng lý trí
phê phán khi thực tế diễn ra khác hẳn với giáo điều và lý thuyết. Thái độ cuồng
tín đó diễn tả qua khẩu hiệu: “Hồng hơn Chuyên.” Nghĩa là người tin tưởng các
giáo điều mới có quyền quyết định, bất chấp ý kiến của những người có khả năng
chuyên môn, trong tất cả mọi việc. Mao Trạch Đông, Lê Duẩn và Pol Pot đuổi các
sinh viên, học sinh, nhà giáo và giới trí thức, chuyên môn tới những “vùng kinh
tế mới” hoặc nhốt họ vào các trại tập trung cải tạo, mà không cần biết hậu quả
trên kinh tế cả nước như thế nào. Tất cả những người đeo mắt kiếng đều khả
nghi, vì họ có vẻ muốn sử dụng lý trí, trong khi đảng chỉ cần người nhắm mắt
tin tưởng! Các lãnh tụ Cộng Sản không chịu thấy rằng mỗi vấn đề đều phải có
giải pháp chuyên môn, nhờ học hỏi khoa học kỹ thuật. Họ không chịu biết rằng
những tiến bộ kỹ thuật không tùy thuộc vào niềm tin tôn giáo hay chủ nghĩa.
Thất bại kinh tế của các chế độ Cộng Sản đều bắt đầu từ cái
óc cuồng tín này. Mê tín cho nên đưa tới những chính sách kinh tế sai lầm. Nam Hàn,
Đài Loan, Philippines, Indonesia cũng qua những giai đoạn chậm tiến vì sai lầm,
nhưng giới lãnh đạo các nước này không mê tín một chủ nghĩa, một lý thuyết nào
đến nỗi xóa bỏ cả lý trí, bất chấp các kỹ thuật chuyên môn.
Trong Đảng Cộng Sản Việt Nam họ thường giải thích thất bại
kinh tế của cả chế độ trước đây là do tinh thần “Duy Ý Chí.” Nhưng Duy Ý Chí nghĩa
là gì? Là tin rằng nếu mình quyết tâm làm cái gì cho bằng được, thì thế nào
cũng thành công. Nghĩa là bất chấp các kỹ thuật chuyên môn. Việt Cộng cũng
thường tự mỉa mai chế độ kinh tế của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn là “Bao Cấp.” Mà Bao
Cấp nghĩa là gì? Nghĩa là chủ trương nhóm người lãnh đạo quyết định tất cả, bên
dưới tất cả sẽ được nuôi ăn, được phân phát quần áo, nhà cửa, chén bát, kẹo
bánh. Bên dưới chỉ cần hoàn toàn tin tưởng “ở trên” mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Từ khi các Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam “đổi mới,”
nghĩa là học làm kinh tế theo lối tư bản, thì họ còn mắc bệnh cuồng tín nữa hay
không? Chắc chắn khi chịu mở mắt ra thì bệnh nhẹ hơn. Nhưng bệnh Duy Ý Chí và
Bao Cấp đã thấm vào xương, vào tủy, đã đẫm trong mạch máu làm cho đầu óc mụ
mẫm, thì còn lâu mới tẩy rửa được.
Cho nên mới có những hiện tượng chặt hàng ngàn gốc cây xanh
trong thành phố Hà Nội. Mấy người cầm đầu thành phố muốn chặt là họ chặt, chẳng
thèm hỏi ý kiến người dân, mà cũng không cần hỏi giới chuyên môn về môi trường
sống, về thiết kế đô thị.
Nay lại tới hiện tượng sắp xây Tháp Truyền Hình sắp dựng lên
tại Hà Nội. Ông Trần Bình Minh, ủy viên Trung Ương Đảng, tổng giám đốc đài truyền
hình Việt Nam
cho biết, “Phương án được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo gợi ý là phải lập
kỷ lục thế giới về chiều cao.” Sau khi so sánh: Tháp Eifel/ Pháp cao 325m, tháp
Thượng Hải 468m, tháp Ostankino/Moscow 540m, tháp Canton - Quảng Châu 600m,
tháp Tokyo 634m còn tháp TH Hà Nội sẽ cao 636 mét, nhà báo Bùi Tín đặt câu hỏi,
“Tháp truyền hình cao ngất ngưởng, mà dân trí thấp, nền giáo dục thấp lèo tèo, nhiều
nơi các em đi học không có cầu phải níu theo dây cáp để qua sông có thể chết
đuối, nền y tế xã hội bệ rạc, tham nhũng loại cao không đâu bằng, nền công
nghiệp chưa làm ra nổi một con ốc thật đúng chất lượng... Tiền của đâu có thừa
thãi gì mà chơi ngông vậy?!” Cây Tháp Truyền Hình này sẽ là biểu tượng cho đầu
óc Duy Ý Chí, nhưng đối với các quan chức phụ trách “thi công” và các nhà thầu
thì đây lại là một dịp cho họ tha hồ “bao cấp” lẫn nhau!
Rồi tới hiện tượng lấp sông Đồng Nai. Nhà báo Lê Diễn Đức,
trên nhật báo Người Việt, cũng kêu lên, “Nhà chức trách không thèm lấy ý kiến
của người dân mà cũng không hề hỏi ý kiến các chuyên gia trong ngành.” Lê Diễn
Đức còn dẫn lời ông Bùi Cách Tuyến, một quan chức nói, “Chúng tôi không được
tham vấn. Với tư cách là phó chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Lưu Vực sông Đồng Nai, tôi
không biết. Và với tư cách là thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, tôi cũng
không hay về dự án này.” Một nhà chuyên môn là ông Lê Mạnh Hùng, đứng thứ nhì
trong Tổng Cục Thủy Lợi. Ông Hùng nói, “... Tôi không đồng ý với những lập luận
của Đồng Nai khi cho rằng đoạn sông này rộng thì lấp đi một ít cũng chẳng sao.
Nếu suy nghĩ vậy thì chúng ta đâu cần phải bỏ thời gian học thủy lợi làm gì!”
Trong truyền thống các Đảng Cộng Sản, không ai cần phải bỏ
thời gian học “bất cứ ngành chuyên môn nào” làm cái gì cả! Vì học chuyên môn giỏi
đến mấy cũng không bằng chạy vạy, luồn cúi kiếm lấy một cái “bằng đảng viên!”
Ông Lý Quang Diệu không bị một chủ nghĩa nào làm đầu óc mụ
mẫm cho nên đã sử dụng các chính sách kinh tế đứng đắn, vì tin tưởng các nhà chuyên
môn. Ông Lý cư xử với dân của ông như một ông bố già, nhưng chế độ của ông
trọng nền nếp đạo lý cổ truyền, trọng luật pháp, chắc chắn không chuyên chế.
Các ông Tưởng Kinh Quốc ở Đài Loan, ông Roh Tae-Woo tại Nam Hàn cũng không ai
là tín đồ một chủ nghĩa cực đoan nào, cho nên họ chấp nhận thay đổi thể chế
chính trị, đặt nền móng cho chế độ dân chủ tự do.
Muốn học theo Lý Quang Diệu, phải dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa
Cộng Sản.
Ngô Nhân Dụng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét