Ads 468x60px

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Từ một cánh vạc kêu sương vụt trở thành cánh đại bàng vĩ đại!?

Nguyễn văn Linh
Nhạc sĩ Tô Hải
Suốt cả tuần qua, cỗ máy tuyên truyền của đảng họ đã mở hết cỡ, hết tốc độ để nhồi nhét vào lớp trẻ thời nay một hiện tượng lịch sử chưa bao giờ được học, được biết. Đó là công ơn vĩ đại, toàn diện và thành công rực rỡ chưa từng có của một nhân vật lãnh tụ cộng sản từ nay sẽ trở thành “thánh sống” của những trang lịch sử huy hoàng, rực rỡ vinh quang hơn tất cả mọi nhân vật “nửa thánh nửa người” của đảng họ ở mọi thời đại... trừ ông Hồ!
Đó là: nhân vật Nguyễn văn Linh, người nắm chức vụ tổng bí thư chỉ độc có một nhiệm kỳ (1986-1991) rồi... “xin rút” (?!), để lại không biết bao nhiêu giai thoại cũng như chuyện tiếu lâm do cái đức “tính” quá ư... chân thật, nói và làm... đến dại dột của ông ta.
Là một người được làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp hoặc gián tiếp của ông ta khi còn công tác tại Nhà xuất bản văn Nghệ trực thuộc Ban Tuyên Huấn Thành Ủy mà ông đã hai lần lên trung ương rồi lại về làm bí thư, từ 1975 đến 1986, mình đã hơn một lần được gặp ông và nghe ông nói chuyện... “thật thà như đếm”, chứng kiến tận mắt ông gương mẫu thật sự khi không chịu đổi xe Lada cổ lỗ sĩ của Liên Xô cũ lấy xe đời mới, không chịu dùng chuyên cơ mà mua vé “dân thường” khi bắt buộc phải có mặt tại Sài-gòn!...
Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, sau khi chủ nghĩa xã hội với thành trì Liên Sô xụp đổ hàng loạt mình khấp khởi mừng thầm phải chăng đang có một loạt Góocba, Eltsine... Việt ra đời?
Nhưng than ôi! Sự đời ngược lại hoàn toàn! Té ra, cái ông NVL này... sợ cuống cuồng vì lo mất cái “đảng đổi mới” nhưng không rời bỏ một ly ông cụ cái chủ nghĩa Mác-Lê-Nin của ông sẽ... “đi tiêu” nên... (xin lỗi!), ông đã quay ngoắt 180 độ lên tiếng chửi “Góocba là tên cơ hội chính trị nhất hành tinh” và... dẫn đầu đoàn nãnh tụ cấp cao đi “quì gối lai hàng” Đại Hán bành trướng, chấp nhận quên hết những gì và hứa hẹn những gì với “ông anh 4 tốt”, thì... đến nay, vẫn là điều mà các nhà chính trị, đảng viên lão thành, “cán bộ cách mạng thứ thiệt” đang đòi hỏi cần “bạch hóa”!
Hãy đọc thử mấy dòng báo động và kiến nghị: 
“Những đảng viên cộng sản lão thành như: Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng Lê Duy Mật, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Tương Lai, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nữ nghệ sĩ ưu tú Nguyễn thị Kim Chi… đồng gửi Thư Ngỏ BCH TW ngày 28-7-2014, thư có đoạn viết:
“Từ nhiều năm nay, đảng cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba mươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc tài toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc...
“Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay, Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới...
Còn nhiều cách đánh giá một cách khá là... “thương cảm” cho ông về cái sự “đổi mới” chưa phải lúc của ông. Đơn cử một ý kiến kiểu này là ý của ông Võ Trần Chí, nguyên bí thư thành ủy Sài-gòn: 
“Trong cuộc đời mình, tôi chưa từng thấy vị lãnh đạo nào dám lội ngược giòng chính trị, ngược giòng lịch sử - lội ngược mà không chìm như anh Nguyễn Văn Linh... Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đang nằm trong Bộ Chính trị thì đến cuối nhiệm kỳ, anh Linh đã xin rút rồi được phân công trở về làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào đúng thời kỳ cam go nhất. Anh đã vực dậy kinh tế TP, trở lại tham gia Bộ Chính trị rồi trở thành Tổng Bí thư. Mọi biến động, thăng trầm trong cuộc đời làm cách mạng, làm chính trị đi ngang qua anh và anh đón nhận tất cả với một thái độ bình thản đến lạ lùng...” 
Cùng một nhận định về “con đường gồ ghề” khúc khuỷu của ông NVL, Ủy viên trung ương Phạm Quang Nghị cũng xót xa: 
“Hiếm có một nhà lãnh đạo nào đã trải qua những chặng đường như đồng chí đã trải qua: vào, rồi lại ra, rồi lại được Trung ương bầu lại vào Bộ Chính trị. Dù lịch sử có những lúc phải đi qua những chặng hiếm đường gồ ghề, khúc khuỷu; phải trải qua những lựa chọn hết sức khó khăn...” 
Còn Huy Đức một nhà báo trẻ nhưng có trong tay khá nhiều tư liệu về “chuyện cung đình”, khi viết “Bên thắng cuộc”, sau khi lôi ra hàng loạt chuyện “gồ ghề khúc khuỷu” cụ thể thì kết luận khá là “bi hùng” như sau: 
"Cho dù không thể đưa một xã hội đã bắt đầu thức tỉnh quay trở lại vào lồng, ông Nguyễn Văn Linh đã bỏ lỡ cơ hội để được lịch sử đánh giá như một tổng bí thư đổi mới." (Huy Đức - “Bên thắng cuộc”) 
Tóm lại, chỉ vì nguy cơ mất Đảng, ông NVL đã bắt buộc chọn con đường “cài số lui”, tự xóa sạch mọi dấu ấn “đổi mới” chưa kịp... “hết... cũ” của mình, bở rơi luôn các đồng chí đồng hướng của mình, mặc cho những tư tưởng bảo thủ trong và ngoài nước phanh thây xé xác mà đắng cay nhất là ông Trần Độ, trung ương ủy viên, trưởng Ban văn hóa-tư tưởng, người đã đồng hành với ông những ngày đầu muốn “cởi trói” cho văn nghệ!
Riêng về vụ mật đàm Thành Đô thì ông NVL đã hiện nguyên hình là một “cánh vạc kêu sương” mất hết mọi uy tín “hiền lành”, “gương mẫu”, “khiêm tốn”, “giản dị” còn lại!
Hãy nghe một lời “báo động đến rợn người” về hậu quả của “mật đàm thành đô” của tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ tại Hà-Lan, nguyên trưởng nhóm tư vấn lãnh đạo Bộ Ngoại Giao viết trong Hồi Ký của mình:
Ông Thắng viết: 
“Chắc hẳn nhiều người còn nhớ buổi giao ban năm ấy... Với sắc mặt thất thần, ông Trần Quang Cơ gần như gào to giữa phòng họp: “Mọi người biết không, người ta (đoàn quy hàng do NVL dẫn đầu) sắp cắt thủ cấp Nguyễn Cơ Thạch để dâng cho nước ngoài rồi”... Đoán “triều đình” có biến, lũ chúng tôi (những đứa lần đầu được dự giao ban), chẳng ai bảo ai, im thin thít. Tôi cố gắng tập trung vào “Bản tin A” (*) nhưng đầu óc thì nghĩ mông lung. 
Riêng đối với văn nghệ sỹ thì NVL phạm “tội” cụ thể nhất! Đó là tội “đánh trống bỏ dùi”, “mang con bỏ chợ”... Nhân danh “đổi mới tư duy”, “cởi trói cho văn nghệ” ông bốc nhằng như sau: 
“...Các đồng chí có nói nhiều đến sự cởi trói”. Có như vậy mới phát huy được hết khả năng trong lãnh vực của các đồng chí. Cởi trói như thế nào?” Cởi trói nói ở đây, trước hết tôi nghĩ: Đảng phải cởi trói:
“Cởi trói trong lĩnh vực tổ chức, chính sách, trong các quy chế, chế độ... Nghe các đồng chí phát biểu tôi cũng không ngờ rằng trong lĩnh vực này cũng có kiểu quản lý hành chính bao cấp, tới đây phải sửa chữa và phải xây dựng những văn bản pháp quy nhằm bảo đảm sự phát triển cho ngành cách đồng chí. Đảng và Nhà nước phải bắt tay mau lẹ vào công việc này. 
Một mặt khác, tôi nghĩ, trong lĩnh vực của các đồng chí, không thể có ai khác hơn là các đồng chí phải tự làm. Hồi sáng, nhân có ý kiến đồng chí nào đó phát biểu, tôi có nói chen vào "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu" là trên ý nghĩa như vậy. Chính các đồng chí cũng đòi hỏi rằng trong lĩnh vực của các đồng chí, không được áp đặt mọi công việc như đặt con tàu chạy trên đường ray, các đồng chí cần được tự do lo liệu cho các công việc của mình. Nếu như trong lĩnh vực kinh tế hiện nay cần phát huy dân chủ cho người sản xuất thì ở lĩnh vực của các đồng chí, các đồng chí cũng phải làm chủ. 
Tôi nghe nhiều đồng chí nói văn nghệ sĩ còn bị cấm đoán, sát phạt... Và, cái các đồng chí lo sợ nhất là cái thường lơ lửng đâu đó trong không trung. Các đồng chí sợ nó hơn sợ sự kiểm duyệt. Đó là nỗi sợ những thứ dư luận nào đó kết tội các đồng chí viết không đúng lập trường, chống lại đường lối, chủ trương của Đảng v.v... Nghe các đồng chí nói lên điều lo ngại này, tôi rất thông cảm. Chính vì thông cảm mà sáng nay khi nghe các đồng chí phát biểu, tôi đã "ngửa miệng" kêu: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý... 
Tôi nghĩ, dù thế nào, các đồng chí cũng không nên uốn cong ngòi bút của mình. Thà rằng chưa viết được thì cứ đi vào thực tế đời sống tích lũy thêm vốn hiểu biết, chứ không viết theo kiểu tùy thời. Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, người nghệ sỹ phải dũng cảm, có tấm lòng trong sáng, đừng chùn bước..."
Nghe thật... sướng cái lỗ tai, sáng cả đôi mắt, rung động mọi trái tim nhậy cảm của giới văn nghệ sỹ tràn đầy niềm hy vọng cho cái Chân, Thiện, Mỹ phen này lại được trở về với bản chất của mọi nền văn nghệ ở mọi thời đại...
Nhưng than ôi! Cái gì đã xảy ra sau vụ “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (1), “Phẩm tiết” (2) và nhất là “Nỗi buồn chiến tranh” (3) bị lên mâm chửi bới đi theo sự mất chức tổng biên tập của nhà văn lão thành Nguyên Ngọc, người đã có nhận định “Nỗi Buồn Chiến Tranh” là tác phẩm nổi bật nhất của thời kỳ “Đổi Mới”! 
Rồi sau đó là... tất cả lại... ô rơ lui về điểm cũ: văn nghệ được tự do nhưng phải đi theo đường lối của đảng, trên nền tảng của chủ nghĩa mác-lênin!
Đánh giá việc “đánh trống bỏ dùi” này, có rất nhiều ý kiến của giới văn nghệ, Nhưng có lẽ sâu sắc và thẳng thừng nhất là tiến sỹ Hà Sỹ Phu, nạn nhân của sự “đổi mới tư duy” quá sớm nên bị cú rơ-ve: nhập kho! Ông viết: 
“Có một đoạn ông ấy muốn đổi mới ông ấy nói phải tự cởi trói trước khi chờ trói, rồi thì ông ấy bảo văn nghệ sĩ không nên bẻ cong ngòi bút... cái giai đoạn ấy ông làm cho nhiều người tưởng đâu là tốt nhưng thật ra về lập trường thì ông ấy rất là bảo thủ. Thứ nhất là giữa quan hệ với ông Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Hộ thì người bảo thủ số một trong ba người này chính là ông Nguyễn Văn Linh. 
Ông Linh còn định bắt xử tội ông Nguyễn Hộ và bắt hai lần rồi và có lẽ suýt nữa bắt luôn Võ Văn Kiệt. Ông này rất bảo thủ, rất Maoist. Thứ ba nữa sau khi viết một số bài có vẻ muốn đổi mới thì tôi có được nghe một câu chuyện: có lần ông Lê Đức Thọ nói trong nội bộ về ông Nguyễn Văn Linh cho rằng ông này trình độ thật ra chỉ đáng làm cán bộ địa phương thôi thế nhưng giao cho ông ta cây đại đao ông không biết múa, để cho kẻ địch nó cướp mất. Tóm lại phía bảo thủ họ coi rằng ông ấy nêu ngọn cờ đổi mới rất là bất lợi cho sự độc tôn của Đảng và như thế phía Lê Đức Thọ họ quyết là phải phê phán ông Nguyễn Văn Linh. ” 
Tóm lại: Chỉ với những đánh giá về NVL không thống nhất ngay trong hàng ngũ cán bộ đảng viên kỳ cựu, trong dư luận của những người cùng thời với ông thì: NVL không phải là một ngôi sao sáng đặc biệt, càng không phải là một cánh đại bàng vượt lên mọi “cánh chim cách mạng” của mọi thời đại và cũng không phải ngẫu nhiên mà ông chỉ giữ chiếc ghế tổng bí thư có độc một nhiệm kỳ rồi... xin rút lui vì “ngoài ấy người ta không thích tôi”!
Chưa kể không ít những tài liệu và chính do ông thổ lộ đã cho thấy:
- Giữa ông và ông Võ Văn Kiệt có những nguồn bất đồng đến đối kháng... mà VVK xuýt “tiêu tùng” vì chính ông đã phát hiện VVK đã xử dụng “lực lượng tại chỗ” vào công cuộc xây dựng kinh tế nên đã giao cho cả “phần tử CIA” như Dương Văn Ba làm Phó giám đốc Cimexcol Minh Hải thời trước 1987 (4)!
- Người đề ra “Đổi mới hay là chết” không phải là ông NVL mà chính là Tổng bí thư cũ Trường Chinh, đã vượt qua hàng rào bảo thủ trình bày đề án “đổi mới toàn diện“ trước khi xin nghỉ. Chuyện này chính ông NVL cũng công nhận chứ chẳng phải ai khác!
Wikipedia đang còn ghi chép: 
Theo Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: 
"Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới. Vang mãi trong lòng nhân dân ta lời phát biểu của đồng chí trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI: Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn". [12] 
Và... cả một thời gian dài, cái tên NVL ít khi được nhắc tới trong các buổi chào mừng, kỷ niệm quan trọng, ít xuất hiện trên tivi, báo chí của đảng...
Trong cuộc hội ngộ Thành Đô 1990, họ hể hả thế này: 

cái đáng tội nhất của NVL nó nằm ở đây! 

Sao anh Trọng không dám công khai vinh danh?
Vậy mà năm nay, sau khi phái đoàn hùng hậu chưa từng thấy của vua Trọng đi chầu Thiên Triều về, và trước khi lên đường sang sứ kẻ thù, là đế quốc Mỹ xâm lược, người ta, (gần như toàn bộ Bộ Chỉnh Chi) kéo nhau về trung tâm Phố Hiến (thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến-Hưng Yên) để làm lễ “phong thánh” (để rồi đây bắt toàn dân phải phụng thờ) cho ông Linh tới hai lần! Một dưới chân tượng đài vĩ đại, hoành tráng, to, cao, (và chắc tốn kém bậc nhất) Hai là tại Trung Tâm hội nghị Tỉnh cũng hoành tráng chẳng thua các trung tâm thành phố lớn. Ở đó, ông tổng Trọng tranh thủ “nhét vô mồm người đã chết” những câu nói, những cụm từ lý luận cách mạng Mác-Lê mà lúc sinh thời, ông Linh người ưa nói nôm na, hơn là lý luận kiểu tiến sỹ Mác-Lê, không dùng bao giờ... Lần này, lợi dụng ông Linh, ông Trọng đã hơn một lần chửi cái “bọn Đế Quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai”, và lải nhải đi lải nhải lại 4 cái chữ “xã hội chủ nghĩa” và “chủ nghĩa Mác-Lê” nghe vừa phát bực lại phát... buồn cười như những tuyên bố của một xác chết từ... âm ty! Chỉ trong có mấy dòng mà cái Mác cái Lê cứ được dõng dạc vung lên tí mẹt như sau: 
“Đồng chí (NVL) khẳng định: Kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với đảng ta. Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin có nghĩa là nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng một cách đúng đắn, thích hợp với điều kiện nước ta góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sáng tạo. Chúng ta phải đấu tranh chống những luận điệu và thủ đoạn đả kích, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghiã Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ phía những thế lực thù địch, những kẻ cơ hội...” (trích “Tuổi trẻ” 1/7/2015 tg 2 cột 3... không cắt ghép, không thêm bớt một chữ).
Hai cái tên Tây điên khùng râu xồm, đầu hói này đã chết từ đời tám hoánh nào trong lòng dân của nước chúng nó, cũng như nhân dân toàn thế giới... Vậy mà hôm nay, ông Trọng, chỉ trong có 2 câu liền nhau, đã lại “gọi hồn” lên đến... 5 lần (!) để nhét vào mồm ông Linh như để khẳng định: Những gì tôi nói gần đây “Thánh NVL” đã nói từ lâu rồi. “Tôi chỉ là học trò của “người chiến sỹ cách mạng vĩ đại” này, mà nhắc lại lời Người mà thôi!” 
Có điều ông Trọng hoàn toàn tránh né kể đến công lao to lớn của đ/c NVL trong mật nghị Thành Đô... mà “các đồng chí 4 tốt” đang dần dần “bạch hóa” bằng hành động và lời nói: “quyết tâm đòi lại biển Nam Trung Hoa và Nam Sa (Trường Sa) trong tay VN xâm lược” (lời của Vương Nghị, Bộ trưởng ngoại giao Trung cộng).
Có ai to bằng ông này nào? gần như toàn bộ triều đình 

đều có mặt 30/6/2015 tại tượng đài Nguyễn Văn Linh, Hưng Yên.
Còn chuyện lên giọng chửi Mỹ, kiên định “con đường XHCN đi không biết bao giờ đến” trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhân vật NVL thì... phải chăng Ông Trọng muốn ra thông điệp trước lúc lên đường sang xứ cờ hoa: 
Lập trường của chúng tôi là không thay đổi, tương lai của chúng tôi đã được vạch ra từ thời nvl với mật nghị thành đô... ký kết gì cũng thể vượt qua khuôn khổ những gì chúng tôi đã thỏa thuận với người đồng chí trung hoa vĩ đại của chúng tôi, được vì chúng tôi với họ là... một! 
Và...  “tương kế tựu kế”: 
- Nhằm bịt miệng mọi kẻ đòi bạch hóa Mật Nghị Thành Đô. 
- Nhằm công khai tỏ lòng trung thành với những gì mà VN đã đặt bút ký kết ở nơi đó thì... kỷ niệm 100 năm ngày sinh NVL phải làm cho thật đình đám, huy hoàng... 
Thế là từ một cánh vạc ăn sương bỗng vụt trở thành đôi cánh đại bàng che khuất mặt trời!
Một lần nữa lịch sử lại bị xuyên tạc đến... trắng trợn!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét