Quân gian dậy đất tựa đàn ong
Tôi
có chút giao tình với anh Trần Ngọc Thành nên mỗi khi gặp gỡ
chúng tôi đều tìm một cái quán (thật) vắng để ngồi tâm sự
vụn, và uống với nhau vài chục ly rượu nhạt. Phải là một nơi
“thật” vắng vì sau khi cạn mấy chai đầy (dù là rượu nhạt) thế
nào ông đại diện Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do cũng chợt nhớ đến
giọng ca... thiên phú của mình:
Tui sẽ hát bài “Đi Đâu Cũng Nhớ Về Hà Tĩnh” để riêng tặng ... Tiến nha!
Thoạt đầu, tôi rẫy nẩy:
Như rứa tội chết anh Thành à. Em nỏ biết Hà Tĩnh ở nơi mô đâu nà?
Can chi chuyện đó, trước sau gì rồi cũng sẽ biết thôi mà. Quê
hương là của chung mọi người chớ nào có phải của riêng ai
đâu...
Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Đà Lạt, và sống (sắp) tàn
đời ở California. Cả ba vùng đất này đều là nơi tập trung của
dân tứ xứ nên không thể coi là bản quán của bất cứ ai. Nhận
(đại) nơi chôn nhau cắt rốn của anh em bạn bè làm quê (mình)
luôn cũng... khoẻ, nhất là khi bằng hữu đã mở rộng lòng.
Với tâm cảm này, và sau khi nghe anh Trần Ngọc Thành hát (cỡ)
trăm lần thì Hà Tĩnh “thấm” vô hồn tôi (rồi biến luôn thành
“quê mình”) hồi nào không biết. Chỉ biết, từ đó, tôi... đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh. Thị xã này – qua ảnh – trông cứ y như một thành phố xinh xắn ở trời Âu. Ngó an bình, và phú túc thấy rõ.
Hà Tĩnh nhìn từ khách sạn BMC Plaza. Ảnh: panoramio
Nhưng ngó vậy, chớ không phải vậy đâu. Phần lớn những tin tức
về Hà Tĩnh đều mang lại cho người đọc cái cảm giác (rất) bất
an. Coi:
Quan chức ở tỉnh mô cũng rứa thôi, chuyện ni không có chi quan
trọng nhưng loạt bài về chuyện lạm thu (thuế má) ở Hà Tĩnh
trong tháng 7 vừa qua – trên báo Nông Nghiệp Việt Nam – mới thực
sự khiến cho thiên hạ phải bàng hoàng và sửng sốt:
- “Sức Tàn Lực Kiệt”
Sau đây là vài đoạn ngắn, trích từ Báo Nông Nghiệp Việt Nam (số ra ngày 6 tháng 7 năm 2015) về cách thu thuế, và sự cùng quẫn của một gia đình nông dân, ở Hà Tĩnh:
Giữa mùa hạ ở Thường Nga, một xã nghèo miền thượng Can Lộc, trời xanh
ngằn ngặt, nắng như thiêu như đốt. Nắng chết cỏ chết cây, đất đai,
ruộng đồng đanh lại, cảm giác như bị cả một lò lửa khổng lồ nung đốt.
Vạn vật cỏ cây, con người im lìm chịu trận. Duy chỉ có tiếng loa
truyền thanh từ trụ sở UBND xã vẫn cứ đều đặn hoạt động hết công suất.
Giọng cán bộ truyền thanh giục giã, vang vọng, đanh thép len lỏi khắp
trong làng, ngoài xóm, ra đến tận ngoài đồng vẫn còn nghe rõ: UBND xã
yêu cầu nhân dân hoàn thành nghĩa vụ đóng nộp trong ba ngày chiến
dịch...
Hạn chỉ trong vòng 3 ngày nhân dân phải đóng nộp đầy đủ, nhà nào
thiếu, dù chỉ một cân thôi cũng phải chịu nộp phạt thêm 5%. Thực hiện
chiến dịch thu nộp, mỗi hộ dân Thường Nga phải gánh hai phần đóng góp.
Phần thu của xóm và phần thu của xã. Ở xóm bao gồm các khoản thu nội
đồng, thu bê tông, thu hội quán.
Phần thu tại xã gồm: Thu quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất,
thu thầu hợp đồng, thu phí vườn đồi, phí kinh doanh chưa đến mức thu
thuế tháng, thu HTX môi trường, quỹ khuyến học, hai loại quỹ, quỹ đền ơn
đáp nghĩa, quỹ QPAN, phạt quân sự, kế hoạch hóa, thuế đất phi nông
nghiệp…
Gia đình ông Ngụ bà Hương có 8 sào ruộng, 6 nhân khẩu. Để có đủ cái
ăn, mỗi vụ, ngoài phần ruộng được chia ông bà còn phải đấu thêm 3 sào
của những gia đình chán ruộng. Quần quật đến nỗi, mùa gặt, nửa đêm bà
Hương phải đeo ắc quy gắn bóng đèn để ra đồng. Vậy mà thóc lúa cũng
không đủ chi phí đầu tư và nộp sản.
Bà Lê Thị Hương. Ảnh: báo Nông Nghiệp Việt Nam
Suốt cuộc trò chuyện, bà Hương liên tục khóc. Nhất là khi chúng tôi
nhìn vào phương án thu của gia đình họ. Phần thu của xóm hết 558 nghìn
đồng, phần thu của xã hết 928 nghìn đồng. Chưa phải thuộc diện nhiều so
với các hộ khác, nhưng để có tiền đóng nộp họ phải bán hết những hạt
thóc cuối cùng.
Trong nhà bà Hương hiện còn 5 tạ thóc. Ngoài hai tạ trừ ăn, ba tạ bán
không đủ tiền trả nợ. Tiền lồng, tiền tuốt nợ từ vụ trước, gặt về, chủ
nợ lăm le đến đòi mấy lần rồi nhưng lần nào bà cũng khóc xin khất để “ưu
tiên” nộp sản cho xã trước “không người ta réo tên trên loa, người ta
phạt 5%, người ta cắt giao dịch giấy tờ, quá tội”.
Hai tạ thóc “qui hoạch” cất ăn xem chừng cũng phải bán luôn vì nợ đòi
gắt quá. Tiếng là 6 khẩu, nhưng hầu như chỉ có ông bà lao động. 4 đứa
con, ngoại trừ đứa con gái thứ đã lấy chồng vào Quảng Bình, ba đứa còn
lại không tật này cũng bệnh khác. Người con gái đầu tên Phan Thị Thích
(35 tuổi), tính ẩm ương, mỗi lần lên cơn đều vác gậy rượt bà Hương đánh.
Bệnh tình ngày một nặng nhưng không có tiền chữa trị. Thằng con út, hết
đau gan lại gặp tai nạn giao thông, của nả trong nhà vốn không mấy thứ
có giá trị lần lượt phải đem bán hết. Bây giờ nó bỏ nhà đi biệt xứ,
không rõ ở đâu. Căn nhà trống tơ hơ, gần như không còn lấy một thứ gì
khả dĩ bán thêm được nữa.
Tiếng loa và “giọng cán bộ truyền thanh giục giã, vang vọng, đanh
thép len lỏi khắp trong làng, ngoài xóm” ở Hà Tĩnh – trưa hôm nay –
khiến tôi nhớ đến bài ký sự (“Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì”) của Phùng Gia Lộc, viết về cảnh thu thuế nơi một vùng quê (thuộc tỉnh Thanh Hoá) vào năm 1987:
Bỗng tiếng kẻng gõ giục giã liên hồi. Kẻng khắp xã: từ đội 1 đến đội
15, như một sự bùng nổ dây chuyền. Tiếng loa phóng thanh mở hết cỡ đọc
bản tin, kế hoạch huy động lương thực của tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy về
công tác lương thực.
Hoàng Văn Nhân, đội trưởng đội 12, đọc trên loa danh sách những nhà
thiếu thóc chưa giao nộp cho hợp tác xã. Đèn đóm soi rừng rực ở các ngã
đường. Chó sủa ơi là chó sủa. Cũng cái loa phóng thanh ấy, có tiếng ông
chủ tịch xã gọi cán bộ về đội 12 hội ý. Ông trưởng công an xã Nguyễn
Đình Định gào rát cổ trên loa, giọng giật giội gọi lực lượng dân quân,
công an tăng cường về chi viện cho đội 12, tạo đà cho đội hoàn thành chỉ
tiêu huy động.
Tôi rùng mình nghĩ đội tôi là đội trọng điểm, nên cán bộ xã, hợp tác
xã, vón cục cả về đây. Họ sẽ gõ cho ra chục tấn thóc còn tồn sổ.
Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc. Tiếng
chó sủa vang, tiếng lợn kêu èng ẹch như bị chọc tiết ở các nhà gần
quanh, làm thằng Út Văn khóc thét lên, ôm riết lấy mẹ. Thằng Thức cũng
im thin thít, nằm co trong lòng tôi không dám cựa.
Bên nhà ông Ái, láng giềng cách vườn nhà tôi một hàng rào, công an và
dân quân đang lùng sục. Tiếng ông bà Ái kêu xin và tiếng quát lác, tôi
nghe rõ mồn một. - Cứ bắt lấy cái xe đạp! Phích, xô, bắt ráo!
Ở cổng nhà tôi đã có bước chân rình rịch, con chó mực đang có chửa bị
quất, kêu ử ử. Cạch cạch cạch. Chị cò Lộc, mở cửa ra! Tiếng thằng bé
trong buồng khóc thét. Thằng Thức đang ôm tôi, nghe em khóc cũng òa khóc
toáng lên. Thằng Học mười hai tuổi đã học lớp tám rồi, mà cũng níu lưng
tôi run bắn.
Nghe tiếng quát lần thứ hai, từ nhà bếp, tôi chạy lên. Một luồng đèn
pin soi giữa mặt làm tôi lóa mắt, phải lấy tay che. - Có chuyện gì đấy,
các bạn trẻ ơi? - Thu thóc, thu thóc chứ còn gì, ông đừng hỏi vờ.
Nhà văn Phùng Quang Lộc đã qua đời từ lâu nhưng cảnh tượng hãi hùng của “cái đêm hôm ấy”
thì vẫn còn ám ảnh những người dân quê Việt Nam – ở khắp mọi
nơi – cho mãi đến bây giờ, dù gần 30 năm đã qua rồi.
Giữa khoảng thời gian này còn có một biến động lớn mà muốn quên cũng khó: “Cuộc Nổi Dậy Của Nông Dân Thái Bình,” vào năm 1997. Khi viết về tình trạng “lạm phát đầy tớ” ở “một xã rất nghèo, nơi có 2.000 hộ, với gần 1 vạn dân mà có tới… 500 cán bộ” – thi sĩ Bùi Hoàng Tám đã nhắc đến lời cảnh báo (từ lâu) của nhà báo Hữu Thọ:
“Nếu như sau Cái đêm hôm ấy... chúng ta biết lắng nghe, biết tôn trọng
nguyện vọng của người dân thì chắc chắn sau này, đã không để xảy ra hiện
tượng như ở Thái Bình.”
Tiện miệng, tôi xin được nói thêm: “Nếu như sau vụ nổi dậy ở
Thái Bình, chúng ta biết lắng nghe, biết tôn trọng nguyện vọng của
người dân thì chắc chắn sau này, đã không để xảy ra hiện tượng như
tiếng súng hoa cải của anh em Đoàn Văn Vươn như ở Hải Phòng.”
Điều phiền là “chúng ta” không bao giờ “biết lắng nghe,” và
cũng chả bao giờ “biết tôn trọng nguyện vọng của người dân” cả nên –
tất nhiên – sẽ còn nhiều “Đoàn Văn Vươn” cũng như nhiều “Thái
Bình” (khác nữa) sẽ tới và sắp tới!.
1/8/2015
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 1/8/2015
0 nhận xét:
Đăng nhận xét