Ads 468x60px

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Kinh hoàng cuộc sống nô lệ của ngư dân Đông Nam Á

Trong bức hình chụp vào ngày 6 tháng 9, Tun Lin
– 33 tuổi - từng làm nô lệ đánh bắt cá đang chờ
ở trung tâm chuyển tiếp tại Yangon, Miến Điện.
Một ngón tay của anh  bị gãy, ba ngón còn lại
bị nghiền nát khi làm việc trên tàu đánh cá –
Photo Courtesy: AP Photo/Robin McDowell
Hơn 2000 ngư dân được cứu thoát khỏi điều kiện làm việc tàn bạo, kinh hoàng trên biển trong năm nay nhờ cuộc điều tra của hãng tin AP (Associated Press) phối hợp với nhà chức trách Indonesia về việc hải sản nhập cảng vào Hoa Kỳ từ những hòn đảo nô lệ  biệt lập ở miền đông Indonesia. 
Hàng chục người đàn ông Miến Điện ở thành phố cảng Ambon mới đây được về nhà, nhiều người trong số đó xa nhà hơn một thập niên sau khi bị bán cho các tàu đánh cá của Thái Lan. 
Hai tuần trước, họ nắm tay nhau bước lên những chiếc xe bus, ra sân bay, nhiều người trông ngóng giây phút đoàn tụ cùng gia đình. 
“Tôi chắc bố mẹ thể nào cũng nghĩ tôi đã chết,” Tin Lin Tun – 25 tuổi – chia sẻ. Anh mất liên lạc với gia đình sau khi một người môi giới dụ dỗ anh đến Thái Lan 5 năm trước. Thay vì làm việc xây cất như người ta hứa hẹn, anh bị bán cho một tàu đánh cá và đem tới Indonesia.
“Tôi là đứa con trai duy nhất, chắc bố mẹ sẽ khóc nhiều lắm khi nhìn thấy tôi trở về,” anh thổ lộ. 
Hình ảnh ngày đoàn tụ được hình dung trong tâm trí Tun hàng trăm lần kể từ tháng ba, sau cuộc điều tra kéo dài một năm của  của hãng AP. 
AP đã sử dụng dữ liệu vệ tinh, theo dõi, điều tra quy trình đánh bắt  hải sản với tình trạng sử dụng nô lệ lao động. Việc đánh bắt và cung cấp hải sản cho một chuỗi các nhà bán lẻ thực phẩm tai to mặt lớn của Mỹ, như Wal-Mart, Sysco và Kroger, và cả những nhãn hiệu thức ăn cho thú nuôi nổi tiếng như Fancy Feast, Meow và Iams là do những ngư dân bị giam cầm trong cũi, bị bóc lột, và đánh đập dã man.
Có thể nói, món mực tẩm bột chiên trong những nhà hàng sang trọng mà rất nhiều người khoái khẩu, hay những bịch cá đông lạnh được đóng gói lại, và dán nhãn hiệu nổi tiếng có mặt trên bàn ăn của nhiều người Mỹ là do công sức của những người đàn ông làm việc như nô lệ và bị ngược đãi tàn bạo. 
Các công ty Mỹ cho biết, họ lên án mạnh mẽ việc lạm dụng lao động và đang thực hiện các bước để ngăn chặn. Nhiều công ty đã tẩy chay hàng loạt các nhà cung cấp hải sản từ Đông Nam Á, trong đó có nhiều công ty đăng ký tại Thái Lan. 
Một công ty kinh doanh đánh bắt hải sản hàng triệu Mỹ kim của Thái Lan và Indonesia bị đóng cửa, ít nhất 9 người bị bắt giữ, và hai tàu vận chuyển hải sản bị thu giữ. 
Ở Hoa Kỳ, các nhà nhập cảng đòi hỏi, yêu cầu phải thay đổi.  Ba vụ kiện tập thể đang được tiến hành, luật mới đã được đặt lên bàn, và chính quyền Obama đang thúc đẩy các nhà xuất cảng làm trong sạch việc sử dụng lao động. 
Phóng sự điều tra của hãng AP đã dẫn đến một phiên điều trần trước quốc hội, và dự kiến vấn đề sẽ được hâm nóng lại trong tháng này. 
Kết quả lớn nhất đó là giải thoát được những nạn nhân cùng khổ, tuyệt vọng và bị cô lập nhất thế giới. Hơn 2000 người đàn ông từ Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, và Lào đã được xác định danh tánh, và đưa về nước kể từ khi AP đăng loạt bài đầu tiên, theo Tổ chức Di dân Quốc tế và các Bộ Ngoại giao. Tổng số bao gồm cả 8 ngư dân bị đem bán trên một tàu chở hàng của Thái Lan bị bắt giữ ở nước láng giềng Papua New Guinea. 
Những con số trên chưa kể hết câu chuyện: hàng trăm người đã được các công ty lặng lẽ đưa trả về nhà để tránh cáo buộc buôn bán người. 
“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến giải cứu với qui mô lớn như vậy trước đây,” Lisa Rende Taylor, chuyên gia chống nạn buôn bán người trước đây từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc, bây giờ đang dẫn đầu tổ chức phi lợi nhuận chống nô lệ Issara, nói. “Họ đáng được bồi thường và công lý,” cô nói thêm. 
Nhiều chuyên gia tin áp lực thay đổi hữu hiệu nhất có thể đến từ người tiêu dùng, việc ưa chuộng những sản phẩm hải sản rẻ tiền đang giúp bôi trơn việc lạm dụng lao động. 
Ngành công nghiệp đánh bắt cá ở Đông Nam Á do Thái Lan dẫn đầu đã mang về $7 tỉ Mỹ kim lợi nhuận mỗi năm từ việc xuất cảng. Ngành công nghiệp dựa vào hàng chục ngàn lao động nhập cư nghèo khó. 
Hương Giang (Trib Live)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét