'Tứ trụ' từ phải: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang. |
Đối với giới quan sát chính trị Việt Nam, một trong những điều “hấp
dẫn” nhất trước các Đại hội của đảng Cộng sản là vấn đề dàn xếp nhân sự ở
bốn chiếc ghế cao nhất (thường được gọi là “tứ trụ”): Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, trong đó, quan trọng nhất là
chiếc ghế Tổng Bí thư. Vấn đề ấy càng “hấp dẫn” ở kỳ đại hội lần này. Lý
do là tất cả những người trong “tứ trụ” hiện nay đều đã đến tuổi về
hưu. Muốn được ở lại, người ta phải tranh thủ sự đồng ý và đồng tình của
Bộ Chính trị hoặc/và Ban Chấp hành Trung ương đảng để được xem là thuộc
trường hợp “đặc biệt”. Ai sẽ được hưởng chế độ “đặc biệt” ấy? Dư luận
nhắm vào hai người: Nguyễn Phú Trọng (72 tuổi) và Nguyễn Tấn Dũng (67
tuổi). Cuộc đấu đá giữa hai người để giành chiếc ghế Tổng Bí thư càng
ngày càng gay gắt.
Xin nói ngay là nội dung các cuộc hội nghị Ban Chấp hành Trung ương
đảng Cộng sản trong thời gian vừa qua hoàn toàn nằm trong bí mật. Khác
với các kỳ đại hội trước, việc đấu đá trong nội bộ đảng không bị rò rỉ
ra ngoài. Tuy nhiên, riêng cuộc đấu đá giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn
Tấn Dũng lại vượt ra ngoài phạm vi hội nghị nên chúng ta có thể biết khá
rõ.
Nói là cuộc đấu đá giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, nhưng,
trên thực tế, chúng ta chỉ thấy một phe tấn công: Nguyễn Phú Trọng.
Riêng phía Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta chỉ thấy phần đỡ đòn.
Để ngăn chận việc Nguyễn Tấn Dũng lên làm Tổng Bí thư, phe Nguyễn Phú Trọng sử dụng hai chiến thuật chính:
Thứ nhất, đề ra những tiêu chí mới cho chức Tổng Bí thư với hy vọng
có thể loại được Nguyễn Tấn Dũng. Trong các tiêu chí ấy, có ba tiêu chí
chính: Một, phải là người miền Bắc; hai, phải là người có lý luận; và
ba, không có tham vọng quyền lực.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ là ba tiêu chí ấy có thể được đông đảo các uỷ viên Trung ương đảng chấp nhận.
Chiến tranh đã chấm dứt hơn 40 năm mà vẫn còn kỳ thị Nam Bắc là điều
hoàn toàn phi lý. Vả lại, tuy sinh ở miền Nam, Nguyễn Tấn Dũng lại tham
gia “cách mạng” từ nhỏ nên ông không hẳn là người miền Nam theo nghĩa
Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Còn về lý luận, hầu như tất cả các uỷ viên
Trung ương đảng, đặc biệt, uỷ viên Bộ Chính trị, đều phải trải qua các
khoá học về lý luận cao cấp do đảng tổ chức. Hơn nữa, vai trò của Tổng
Bí thư không phải nằm ở việc thuộc lòng các quan điểm căn bản của chủ
nghĩa Mác-Lênin. Là người lãnh đạo cao nhất trong một đảng cầm quyền,
điều quan trọng nhất ở một tổng bí thư là viễn kiến, tầm nhìn chiến lược
và khả năng tổ chức.
Riêng tiêu chí thứ ba, về tham vọng quyền lực thì hoàn toàn vô nghĩa.
Chính trị, tự bản chất, là quan hệ quyền lực. Dấn thân vào chính trị,
không có người nào là không có tham vọng quyền lực. Đó là điều tự nhiên.
Tham vọng ấy, tự nó, không có gì sai trái cả. Ở Tây phương, người ta
còn xem đó là một tính tốt. Phê phán nhau, người ta chỉ phê phán việc
thiếu tham vọng chứ không ai lại phê phán người khác là có tham vọng
quyền lực. Điều phân biệt người này với người khác không phải là tham
vọng mà là cách hành xử sau khi đã đạt được tham vọng ấy. Có người cố
gắng thực hiện cho được những chính sách mình ấp ủ nhưng cũng có người
chỉ lo vơ vét quyền lợi cho bản thân và gia đình. Thế thôi.
Chiến thuật thứ hai là sử dụng các đơn tổ cáo nhắm vào Nguyễn Tấn
Dũng. Ngoài các lá đơn nặc danh, có nhiều lá đơn ghi rõ tên tuổi người
gửi, trong đó, có những người vốn là uỷ viên Trung ương (Trịnh Văn Lâu),
thậm chí, có người còn là cựu uỷ viên Bộ Chính trị (Phan Diễn). Nội
dung các lá đơn ấy khá giống nhau. Chúng tập trung vào ba điểm chính:
Một, về lý lịch gia đình, người ta nhắm đến sui gia của Nguyễn Tấn
Dũng: Bố chồng của Nguyễn Thanh Phượng, con gái của Nguyễn Tấn Dũng, là
cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà và từ năm 1975, sống ở Mỹ. Người ta nghi
ngờ bố chồng của Nguyễn Thanh Phượng, ông Nguyễn Bá Bang, trước đây
không phải chỉ là một sĩ quan thường như bao nhiêu sĩ quan khác mà còn
có thể là một tình báo của Mỹ nên mới được Mỹ đưa sang Mỹ ngay từ tháng
4, 1975. Với vai trò đó, cũng như trong quan hệ sui gia với Nguyễn Tấn
Dũng, ông Nguyễn Bá Bang có thể là sợi dây nối cho các “âm mưu diễn biến
hoà bình” tại Việt Nam. Ngoài ra, người ta cũng tố cáo là Nguyễn Thanh
Phượng hiện mang quốc tịch Mỹ (tin này đã được nhiều người cải chính là
không phải).
Với một gia đình phức tạp như thế, người ta cho Nguyễn Tấn Dũng không
thích hợp với vị trí Tổng Bí thư, nơi, theo truyền thống, cần phải có
lý lịch rõ ràng và phải trung thành tuyệt đối đối với chủ nghĩa
Mác-Lênin. Xin lưu ý là bên cạnh việc phanh phui lý lịch gia đình của
Nguyễn Tấn Dũng, suốt mấy tháng vừa qua, người ta cũng tung tin đồn là,
nếu lên làm Tổng Bí thư, Nguyễn Tấn Dũng sẽ nắm luôn chức Chủ tịch nước,
tự biến mình thành Tổng thống và dần dần chấp nhận đa đảng. Tin đồn ấy
có vẻ như “tốt” cho Nguyễn Tấn Dũng, thực tế lại làm các đảng viên Cộng
sản lo ngại, từ đó, xa lánh Nguyễn Tấn Dũng, xem Nguyễn Tấn Dũng như một
đe doạ đối với chế độ.
Hai, về kinh tế, người ta tố cáo sự giàu có bất thường của các thành
viên trong gia đình xa gần của Nguyễn Tấn Dũng. Không những con gái ông
giàu, cực giàu, mà các anh chị em của ông, hơn nữa, của em vợ và em rể
của ông, tất cả đều giàu có. Tại sao họ lại giàu nhanh đến như vậy? Đặt
câu hỏi như vậy, một cách gián tiếp, người ta cho là Nguyễn Tấn Dũng
tham nhũng và lợi dụng quyền thế để thân nhân làm giàu một cách bất
chính.
Ba, người ta tập trung vào việc phê phán các “thành tích” xấu của
Nguyễn Tấn Dũng trong hai nhiệm kỳ làm thủ tướng: Chính ông là người
chịu trách nhiệm chính cho việc phá sản của các đại công ty quốc doanh
như Vinashin và Vinalines. Chính ông là người chịu trách nhiệm cho sự
phát triển trì trệ của của Việt Nam với số nợ công ngày càng chồng chất.
Chính ông là người có quan hệ mật thiết với các “nhóm lợi ích” làm lũng
đoạn kinh tế Việt Nam. Cũng chính ông là người đã phát biểu câu “không
chấp nhận đánh đổi chủ quyền để nhận lấy một thứ hoà bình, hữu nghị viển
vông” làm cho quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành căng thẳng
và xấu đi.
Trước những đòn tấn công ấy, Nguyễn Tấn Dũng viết một bức thư gửi
Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị cũng như cho cả Ban Chấp hành Trung ương
đảng để thanh minh, trong đó, quan trọng nhất, ông khẳng định: “TÔI
KHÔNG XIN TÁI CỬ” (viết hoa trong bức thư). Bản gốc của bức thư ấy (với
con dấu màu đỏ) được phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn mạng.
Lời khẳng định “Tôi không xin tái cử” chỉ nhằm mục đích hoá giải sự
phê phán cho ông tham quyền cố vị. Trên thực tế, nó không có ý nghĩa gì
cả. Nguyễn Tấn Dũng không xin tái cử, tuy nhiên, nếu ông được các uỷ
viên Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương đảng đề cử thì chắc ông
cũng sẽ chấp nhận. Nếu ông được bầu làm Tổng Bí thư thì dĩ nhiên ông
càng vui vẻ nhận.
Trong cuộc hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng tuần này, người ta
sẽ quyết định ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc so găng này.
Chờ xem.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét