Ads 468x60px

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Trường Sa: Trung Quốc sắp hoàn tất phi đạo trên Đá Vành Khăn và Xu Bi

Phi đạoTrung Quốc xây trên Đá Xu Bi.
Ảnh công bố ngày 15/01/2016. Reuters/CSIS
Trọng Nghĩa
Song song với việc thử nghiệm phi đạo đã hoàn thành trên Đá Chữ Thập, Trung Quốc đang tăng tốc hoàn thành 2 đường bay khác trên các hòn đảo nhân tạo mà họ bồi đắp tại quần đảo Trường Sa (Biển Đông). Theo một trung tâm tham vấn Mỹ chuyên theo dõi diễn biến tại Biển Đông vào hôm qua, 15/01/2016, đó là phi đạo trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef).
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington đã công bố một loạt ảnh vệ tinh mới cho thấy là Trung Quốc đã gần như hoàn tất việc xây dựng một phi đạo dài 2.644 mét trên Đá Vành Khăn, và một đường bay khác dài đến 3.250 mét trên Đá Xu Bi.
Cũng theo nguồn tin trên, tốc độ xây dựng của Trung Quốc rất đáng kể. Nếu phi đạo trên Đá Chữ Thập mà Bắc Kinh đã cho thử nghiệm phải mất ít nhất bảy tháng để hoàn tất, thì công trình trên Đá Vành Khăn, khởi sự vào tháng Chín hoặc tháng Mười năm ngoái (2015), hiện đã gần hoàn thành, tức là được làm xong trong vỏn vẹn 3-4 tháng.
Trung Quốc cũng đã xây dựng nhiều cơ sở khác nhau trên Đá Xu Bi, bao gồm đê chắn sóng, bến tàu, và một tòa tháp cao khoảng 30 mét.
Đá Vành Khăn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đã bị Trung Quốc lấn chiếm vào năm 1995, trong một sự cố đã dẫn tới việc ASEAN và Trung Quốc đàm phán các quy tắc ứng xử sau đó được gói trong bản Tuyên bố ứng xử về Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002, mà Bắc Kinh không hề tôn trọng.
Còn Đá Xu Bi đã thu hút sự chú ý của công luận vào cuối năm ngoái, vì là nơi được Hoa Kỳ chọn để tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải đầu tiên tại vùng Trường Sa, mà mục tiêu là cho thấy là Mỹ phản bác các yêu sách biển đảo quá đáng của Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia phân tích, Đá Vành Khăn rất có thể sẽ là nơi Hoa Kỳ chọn lựa để tổ chức chiến dịch tuần tra thứ hai tại vùng Trường Sa để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Theo Washington, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, không công nhận lãnh hải đối với các đảo nhân tạo được bồi đắp trên nền các rạn san hô chìm dưới mặt nước, và đã thúc giục Trung Quốc kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực.
T.N.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét