Ads 468x60px

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Cái Tết ngày xưa của cải lương

Trước rạp hát ngày đầu Xuân thời thập niên 1960.
(Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)
Ngành Mai
Ðối với hoạt động của cải lương thời xưa thì ngày Tết, mọi gánh hát lớn hoặc nhỏ đều sẵn sàng chờ đón ngày vui vẻ nhứt trong nghề làm nghệ thuật sân khấu.
Nói chung chỉ riêng có cải lương thì phải chuẩn bị làm việc nhiều hơn gấp bội.
Những năm thịnh thời của cải lương ở các thập niên 1950-1960 thì ngày Tết là dịp hốt bạc của giới này, mà giờ đây cứ mỗi lần Tết là mỗi lần họ không khỏi ngậm ngùi luyến tiếc cho cái thời vàng son thuở ấy.
Thật vậy, khi xưa giới cải lương đã đón Tết một cách huy hoàng, tiền vô như nước. Chỉ nội ngày mùng 1 Tết họ có thể hát đến 4 suất, mà mỗi suất hát được trả tiền gấp đôi, tức số tiền lãnh tăng lên gấp tám lần. Nói một cách rõ ràng hơn là những ngày trong Tháng Chạp mỗi đêm hát họ còn lãnh một ngàn đồng, nhưng đêm Mùng Một thì bầu gánh phải trả đến 8 ngàn, mà còn cộng thêm tiền lì xì Tết, tiền nhiều ít tùy theo gánh.
Ngày mùng 2, mùng 3 cũng vậy, hoặc nếu có thấp xuống thì cũng còn 2 hoặc 3 suất hát. Mấy ngày Tết đào kép mệt khờ người luôn, bởi suất hát vừa vãn nghỉ xả hơi độ 1, 2 giờ đồng hồ thì lại tiếp tục lên sân khấu. Tuy vậy mà người nào cũng thoải mái tinh thần, mừng vui ra mặt.
Về phần bầu gánh trả lương cho nghệ sĩ gấp đôi như vậy, họ có lời không? Câu trả lời nhanh là họ lời khẩm! Bởi vé bán tăng tiền lên gấp rưỡi mà suất hát nào cũng hết vé, thiên hạ chen chân mua vé, sân khấu còn đang trình diễn mà suất hát kế tiếp đã treo bảng “hết vé” rồi! Ðó là chưa kể tiền cửa (tiền cửa tức tiền đưa tại cửa rồi đứng coi, vì ghế ngồi đã đầy hết). Tiền vô cửa ngang bằng với vé ngồi hạng ba và cũng thu vô liền tay, bỏ đầy thùng.
Cái đặc biệt của cải lương hát Tết là khán giả không hề kén chọn tuồng, cũng không kén chọn đào kép, diễn viên, tuồng hay, tuồng dở gì cũng chật rạp, và hầu như tuồng nào cũng bị nhận lớp ít hay nhiều, tức bỏ bớt những cảnh nào đó mà người xem vẫn hiểu, chứ nếu không thì đâu đủ giờ hát suất sau.
Cải lương hát Tết ngon lành như vậy, bảo sao khi xưa mấy tháng cuối năm là ở các địa phương xa gần, tỉnh nào cũng có thêm gánh hát mới ra lò, với không khí đầy hy vọng. Họ vẽ bảng hiệu mới, vẽ tranh cảnh mới và người ta cũng nghe ca hát tập tuồng ngày đêm. Ðây là thời gian mà bầu gánh hát mới chuẩn bị cho ngày Tết ra quân, khai trương bảng hiệu để lượm bạc, ít nhứt cũng đầy túi trong 3 ngày Xuân. Sau ngày mùng 4 thì hát trở lại bình thường nhưng khán giả cũng còn đông đảo, kéo dài cho đến Rằm Tháng Giêng thì khán giả mới thưa dần.
Thế nhưng, cái thời kỳ mà Tết đến thiên hạ nô nức rủ nhau đến rạp cải lương kia nó đã không còn nữa, khi Việt Nam bắt đầu có truyền hình. Người ta nằm nhà coi cải lương trên truyền hình, bởi đài cũng chọn tuồng hay để phát vào dịp Tết, và dĩ nhiên sân khấu chẳng còn đông người coi, có gánh khán giả thưa thớt, phải đóng màn chịu trận cho qua ba ngày đầu Xuân. Nhiều đoàn đã cho đào kép nghỉ “ăn Tết” với cái túi trống rỗng, chớ mở màn thì có mấy người đi coi đâu, bởi thiên hạ đổ dồn về những nơi có máy truyền hình để coi tuồng của gánh lớn.
Và giờ đây cải lương lại thêm một cái Tết điêu tàn, cái thời kỳ hoàng kim của cải lương đã lui về dĩ vãng và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại, trừ phi có phép lạ nào đó! Người ta chỉ mong mỏi sao bộ môn nghệ thuật này được bảo tồn là may lắm rồi!
Ngành Mai

0 nhận xét:

Đăng nhận xét