Ads 468x60px

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Tết trong tôi - xưa và nay

Tết ở Việt Nam. (Hình: Getty Images)
Nguyễn Thanh Hằng
Chỉ còn có mấy ngày nữa là sang một năm mới.
Tết lại về rồi. Thêm một cái Tết nữa xa Việt Nam. Giờ này bên nhà mọi người chắc là bận bịu lắm. Đúng rồi, năm hết Tết đến mà. Người Việt mình có câu: năm có một lần, bởi vậy cái gì cũng dành cho ngày Tết.
Bên này mình cũng bận rộn. Đây là năm đầu tiên mình chuẩn bị xôm tụ cho Tết. Chẳng phải mọi năm mình không muốn mà là vì không có thời giờ. Năm nay thanh thản hơn thành ra làm được vài món này nọ. Có lẽ vì năm nay mình "đem" Tết vào nhà, hay đúng hơn vào lòng hơi sớm nên năm nay mình không có cái cảm giác buồn vời vợi trong những ngày Xuân này. Mười hai cái Tết ở Mỹ là mười hai cái nhung nhớ, bồi hồi.
Có lẽ bất cứ người Việt nào xa quê đều có tâm trạng bồi hồi khi Tết đến bên nhà. Ờ đúng rồi, chúng ta là những kẻ bỏ đất nước ra đi. Vì bất kì lí do gì, không cần bàn cãi, chúng ta là những kẻ lưu vong, không hơn không kém. Mình cho rằng, giờ phút thiêng liêng này, bất cứ người nào có chút suy nghĩ, đều cảm thấy chạnh lòng và nghĩ về những ngày tháng còn ở quê hương.
Đối với mình, những ngày tháng đón Xuân ở ngoài Trung bao giờ cũng là những kỉ niệm đáng nhớ nhất. Mùa Xuân ở trong mình là quang cảnh cánh đồng xóm Chợ lúa xanh đang thì con gái. Đồng lúa quê mình Mùa Xuân đẹp đến lạ lùng. Bởi vì nhà mình nhìn ra đồng lúa. Ngày Xuân có biết bao nhiêu người khoe áo mới qua lại trên còn đường trước nhà, làm rực rỡ một góc trời quê.
Những năm đón Xuân ở quê còn lại trong mình là hương vị của Tết. Tết của tuổi thơ mình là mùi hành hương, mùa ngò rí mà chị làm cho rổ rau ngày Tết. Chẳng hiểu tại sao mình lại nhớ đến Tết khi ngửi hương vị hành ngò. Cái Tết quê nghèo đơn sơ mà đáng nhớ làm sao! Gia đình mình thì không có phong tục lì xì cho đến khi chị Hai về làm dâu, rồi kế đến là Huy ra đời. Nhưng chuyện lì xì trong nhà chỉ là qua loa lấy lệ. Bởi vậy, ngày ấy mình trông đến Tết không phải là để được tiền lì xì hay là được mặc quần áo mới. Mình trông đến Tết là để tụ họp gia đình và có khách khứa đến nhà.
Nghe ra thật buồn cười vì một đứa con nít thì biết gì về chuyện đoàn tụ gia đình. Nhưng sự thật là như vậy. Mẹ không còn, ba và chị hầu như ngày nào cũng vất vả trên đồng ruộng, anh Hai thì đi dạy xa. Chỉ có ngày Tết là gia đình có mặt đầy đủ. Mẹ mất rồi, các dì chỉ thỉnh thoảng mới ghé. Còn các bà bác, bà cô thì cả năm mới ghé nhà mình một lần, tất nhiên là ngày Tết. Không có ai biết rằng mình là đứa con nít cô đơn và khao khát có người đến nhà hỏi thăm. Có lẽ vì vậy mà trong kí ức mình bây giờ, quê hương chỉ là những bờ tre mái rạ, là con sông nhỏ chảy đằng sau xóm nghèo, là con đường đến trường có hàng phượng vĩ. Có lẽ những người anh chị con chú bác của mình cho là mình hơi nhợt nhạt về tình cảm với họ. Nhưng ngày xưa, hình như mình gắn bó với con bò và cánh đồng nhiều hơn là với họ. Con nít mà, cái gì gắn liền với nó thì nó quí hơn...
Lớn hơn một chút, Tết với mình mở ra rộng hơn là những phong tục tập quán ở vùng quê nghèo, là những vần thơ, bài nhạc mà mình học được. Tết từ từ đi vào tâm hồn mình và từ từ đóng cho mình một cái khuôn mà mình mang cho tới bây giờ.
Tết gắn với những đòn bánh tét, những đĩa mứt dừa, mứt gừng. Tết gắn vào tim mình màu vàng của những nhánh mai, chậu vạn thọ, chậu cúc vàng. Tết trong mình là rộn ràng tiếng pháo lúc Giao Thừa và sáng Mùng Một Tết. Tết là những tập tục "Mùng Một Tết cha, Mùng Ba Tết thầy", là những kiêng cữ trong những ngày đầu năm mà bây giờ mỗi lần nhớ lại mình cười một mình. Nhưng mình biết những tập tục đó giờ này vẫn còn thịnh hành ở quê.
Còn bây giờ?

Tết bây giờ của mình là sự níu kéo và hồi tưởng tất cả những gì đã sắp khuôn cho mình trong suốt mấy chục năm trời. Có lẽ đối với bất cứ người nào, Tết của tuổi thơ là cái Tết đáng nhớ nhất. Bởi tuổi thơ là những năm tháng "khép" mỗi người vào trong cái khuôn cố định mà họ mang cho đến hết cuộc đời.
Mấy ngày nay lang thang trên mạng, vào blogs của bạn bè để coi họ ăn Tết thế nào, mình thấy những gì mình chiêm nghiệm là đúng. Nhất là những người sống xa quê hương như mình thì Tết là cả một khung trời kỷ niệm. Ai cũng nói là chuẩn bị Tết, ăn Tết là "để cho tụi nhỏ nó biết Tết", nhưng thật sự đây chỉ là một cách nói. "Để cho tụi nhỏ biết Tết" thật ra là hướng cho tụi nhỏ đi về cái cội cái nguồn mà các bật tiền bối đã và đang cố gắng bấu víu và gìn giữ.
Vậy cái mà họ và mình đang cố bấu víu và gìn giữ là cái gì?
Cho dù người Việt mình có đi nơi đâu và sống ở nơi đâu, Tết là lúc làm cho chúng mình cảm thấy gần nhau hơn. Xem tờ báo Xuân, mình thấy nơi nơi mọi người cùng nhau chuẩn bị cho năm mới. Nói chi xa, mấy người bạn già của mình đây không hẹn trước mà cũng có một đêm họp nhau gói bánh Tét. Điều lạ là chẳng có kế hoạch gì trước mà lại làm được.
Mình và mọi người xa quê hương đang cố gắng bấu víu một cái quá khứ, đang cố gắng gìn giữ một cái nguồn cội mà không ai nói với ai cũng biết là chúng ta cùng sẻ chia. Mình dám chắc rằng bất cứ người Việt nào có chút lương tri đều cảm thấy xót xa khi hay tin những ngư dân Việt Nam bị tàu "lạ" làm chìm thuyền. Mình xót xa dù mình không hề biết họ là ai, đến từ đâu. Chỉ biết rằng mình và họ cùng sẻ chia một nguồn gốc.
Cũng kì lạ. Tự dưng hôm nay sao mình viết lên nhiều điều giống như triết lí thế này. Hình như mình già thiệt rồi. Bởi vì già mới có những suy nghĩ như thế này.
Năm mới đến rồi. Trong thời khắc sắp giao hòa giữa năm cũ và năm mới, mình ngồi một mình ghi lại những suy nghĩ về Tết.
Suy nghĩ ngày xưa và hôm nay là hai mảng rã rời, nhưng mãi mãi là những cảm xúc sẽ đi bên mình mỗi khi Xuân về. 
Nguyễn Thanh Hằng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét