Ở
Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, mỗi năm có cả hàng ngàn lễ hội, nhưng
những lễ hội quan trọng và thu hút đông đảo người tham dự nhất là những
lễ hội được tổ chức sau Tết Nguyên Ðán.
Ðọc những bài tường thuật trên báo chí trong nước cũng như trên các
diễn đàn mạng, người ta nhận thấy hai điều; Thứ nhất, lễ hội nào cũng
đông người dự, thường là cả mấy ngàn người, thậm chí, cả mấy chục ngàn
người; người nào cũng đầy thành tín với ước mong được nhiều may mắn
trong năm mới. Thứ hai, trái ngược hẳn với sự thành tín ấy, không khí lễ
hội lại rất nhếch nhác và hỗn loạn. Người ta chen lấn nhau; chửi bới
nhau, thậm chí ẩu đả nhau. Người ta trèo lên cả bàn thờ để ngắt hoa, lấy
đồ cúng hoặc sờ vào các bức tượng thần và Phật để lấy... lộc.
Trong hội phết ở
Hiền Quan, Phú Thọ, sau khi hành lễ, vị tiên chỉ tung sáu quả phết (làm
bằng gỗ với đường kính khoảng 35cm) lên cao. Với niềm tin là ai cướp
được quả phết ấy thì không những bản thân mình, gia đình mình mà còn cả
làng mình sẽ được phước lộc cả năm, hàng ngàn thanh niên nhào đến giành
giật. Người này giành được lại bị người khác giật mất. Cứ thế. Cả hàng
ngàn người, trong đó có nhiều người ở trần trùng trục xông vào nhau,
giẫm đạp lên nhau, đánh đấm nhau, quyết tâm giành cho được quả phết. Ðó
là chưa kể chung quanh lễ hội: Hầu như tất cả các hàng quán đều nâng giá
lên cao vòi vọi, một hiện tượng mà người trong nước gọi là “chặt chém.”
Mô tả khung cảnh của những buổi lễ như thế, trên báo chí, người ta
dùng những từ ngữ nặng nề như “náo loạn,” “hỗn loạn,” “ẩu đả,” “hỗn
chiến,” “bát nháo,” “thô tục,” “bạo liệt,” “phản cảm,” “không thể tưởng
tượng được,” v.v... khiến mọi người thấy “rùng mình,” “ngao ngán” và
“xấu hổ.” Một số người còn lưu ý là những cảnh tượng nhếch nhác như vậy
chỉ có ở miền Bắc. Trong Nam, như ngày hội Tết ở Bình Dương, cũng quy tụ
cả hàng chục ngàn người, không hề có những sự chen lấn, giẫm đạp lên
nhau cũng như những sự giành giật xô bồ và tồi tệ như vậy. Nhiều người
đi đến kết luận: văn hóa Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng.
Thật ra, văn hóa Việt Nam đã xuống cấp từ lâu. Xuống cấp trong học
đường: học sinh hành hung nhau và không tôn trọng thầy cô giáo; các thầy
cô giáo thì chỉ xem việc dạy học như một sinh kế, ở đó, người ta tận
dụng nhiều thủ đoạn, phổ biến nhất là trong việc dạy thêm, để có thật
nhiều tiền. Xuống cấp trong gia đình: cha mẹ không làm gương hoặc chỉ
làm gương xấu cho con cái; con cái cũng không còn hiếu đễ đối với cha mẹ
cũng như giữa anh em với nhau. Xuống cấp trong xã hội: người ta chỉ
biết chạy theo quyền lợi, bất kể đạo lý, mất cả nhân nghĩa và lòng tự
trọng; cái gọi là tình hàng xóm, tình đồng bào và tình người trở thành
một cái gì hết sức hiếm hoi. Xuống cấp trong phạm vi quốc gia: giới lãnh
đạo chỉ chạy theo quyền lợi riêng, việc làm không đi đôi với lời nói,
nạn tham nhũng tràn lan, sự dối trá lên ngôi. Tuy nhiên, tất cả những sự
xuống cấp như vậy đều khá chung chung. Không có biểu hiện nào cụ thể về
sự xuống cấp ấy cho bằng hình ảnh các lễ hội sau Tết.
Lễ hội nào cũng bao gồm hai khía cạnh: lễ và hội. Lễ là tế lễ, cúng
kiếng, nghi thức; hội là sinh hoạt. Lễ là phần thiêng liêng, hội là phần
giải trí. Lễ nối con người với thế giới tâm linh, hội gắn kết con người
lại với nhau. Phần lễ làm cho phần hội gắn liền với quá khứ và truyền
thống, từ đó, có ý nghĩa văn hóa. Chính vì vậy, lễ hội trở thành một
phần của văn hóa, văn hóa dân gian.
Việc cả ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn người tham gia vào các lễ hội
chứng tỏ người ta không những mê thích các trò tiêu khiển mà còn rất
quan tâm đến thế giới tâm linh. Người ta tin vào thần thánh, tin vào số
phận, tin vào những ân lộc may mắn đến được từ sự nguyện cầu. Thế nhưng,
tại sao, ở chỗ linh thiêng như vậy, người ta lại hành xử một cách trần
tục và thô tục như giành giật nhau, giẫm đạp lên nhau, xô xát nhau như
vậy? Chẳng lẽ là người ta tin thần thánh sẽ phù hộ cho họ khi người ta
trèo lên bàn thờ để giật hoa quả và đồ cúng cũng như ẩu đả nhau như vậy?
Từ lâu, người ta đã nói tín ngưỡng làm cho con người hướng thượng
hơn, bao dung hơn, nghĩ về người khác nhiều hơn, thế nhưng, qua những gì
người ta chứng kiến được trong các lễ hội, rõ ràng là niềm tin vào thần
linh không làm cho người ta trở thành tốt đẹp hơn. Tại sao?
Lý do chính dĩ nhiên không xuất phát từ tín ngưỡng. Tín ngưỡng nào ít
nhiều cũng đều có mặt tốt. Lý do chính, theo tôi, là người ta không tín
ngưỡng thật. Người ta chỉ mê tín. Người ta không nghĩ đến khía cạnh đạo
đức của lễ hội mà chỉ xem đó như chỗ để người ta cầu an và cầu may.
Người ta chỉ xem thần thánh như những con buôn, với họ, người ta có thể
mua chuộc và đút lót.
Thái độ ấy chủ yếu xuất phát từ tâm lý bất an. Người nghèo, cả ngày
quần quật kiếm sống, được ngày nào hay ngày ấy, hoàn toàn bất an về
tương lai: Họ cần một điểm tựa về tinh thần. Cả người giàu có và có
quyền chức cũng bất an: Tất cả tiền bạc và địa vị của họ không đến từ
tài năng và công sức chân chính mà chỉ đến nhờ chạy chọt và tham nhũng,
bởi vậy, người ta rất sợ bị mất. Ðến với thần linh, người ta hy vọng sẽ
tiếp tục được may mắn.
Trong một xã hội mà cả người giàu lẫn người nghèo, cả người thống trị
lẫn người bị trị, đều bất an, không có giá trị nào thực sự vững chắc
cả. Nhiều người cho vấn đề trầm trọng nhất của xã hội Việt Nam hiện nay
là sự loạn chuẩn, đúng hơn, sự biến mất của các chuẩn mực đạo đức. Ranh
giới giữa cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và cái thấp hèn, cái nên
làm và cái không nên làm đều bị xóa nhòa. Khi mất ranh giới ấy, người ta
cũng mất cả ý thức hướng thiện và, quan trọng hơn, mất cả sự hổ thẹn.
Khi sự hổ thẹn không còn, đạo đức cũng sẽ không còn. Ðó mới chính là
điều đáng lo lắng nhất cho xã hội Việt Nam hiện nay. Chế độ độc tài một
lúc nào đó sẽ sụp đổ. Nhưng những con người không biết hổ thẹn và không
có ý niệm đạo đức sẽ còn mãi.
Còn, như một tai họa cho tương lai.
Nguyễn Hưng Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét