Một con kênh tại Hậu Giang đã cạn nước. Ảnh: Người Lao Động |
Người Quan Sát
Đợt hạn hán lịch sử đã khiến
cho người dân miền Tây trở nên khốn đốn. Theo nhiều chuyên gia, với tốc
độ xâm nhập mặn như hiện nay sẽ khiến nông nghiệp tại nơi này bị ảnh
hưởng nặng nề trong vòng 3 năm nữa. Trong khi đó, trước thông tin cho
biết Trung Cộng sẽ xả nước từ đập Cảnh Hồng (Jinghon, Vân Nam, Trung
Cộng) làm cho nhiều người vui mừng, nhưng cũng có nhiều người không mấy
lạc quan về vấn đề này.
Từ những tin tức mà chúng tôi thu thập được cho biết, tại huyện
Bình Đại (Bến Tre) hàng nghìn tấn hàu của người dân nơi đây đã bị chết
sạch do đợt hạn hán kéo dài và độ mặn tăng cao. Thiệt hại mà người dân
phải gánh chịu lên đến trên 50 tỷ đồng.
Không chỉ riêng với những người nuôi hàu, mà cả những người nuôi
trâu, bò cũng rơi vào hoàn cảnh điêu đứng. Nguồn thức ăn cho trâu, bò
đang trở nên cạn kiệt. Để có thức ăn người dân phải đi mua rơm rạ cho
trâu, bò với giá rất đắt đỏ. Theo tờ Vnexpress, 2kg rơm có giá tương
đương với 1kg lúa. Trước tình cảnh như vậy, rất nhiều hộ dân đã phải bán
lỗ đàn gia súc của mình.
Không chỉ riêng thức ăn, mà ngay cả nước uống cũng trở nên khan
hiếm. Người dân phải trả 100,000 đồng cho mỗi khối nước để dùng trong
sinh hoạt.
Những tưởng ngập mặn xâm nhập người nuôi tôm sẽ hưởng lợi, thì tại
Trà Vinh do nắng nóng và độ mặn quá cao nên hàng triệu con tôm thả xuống
đầm đã chết sạch.
Tình trạng hạn hán, ngập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh thành khu
vực miền Tây. Theo bản phúc trình của Bộ Nông nghiệp, diện tích lúa bị
thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay đã hơn 160,000 hecta, đa phần trong
số đó không thể thu hoạch. Các tỉnh tiếp giáp bờ biển thiệt hại nặng nề
nhất, như: Kiên Giang hơn 54,000 hecta, Cà Mau gần 50,000 hecta...
Rơm rạ ở miền Tây đang trở nên đắt đỏ, cứ 2kg rơm bằng 1kg lúa. Ảnh: Vnexpress
Trước việc hạn hán và ngập mặn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị
Trung Cộng xả nước từ con đập Cảnh Hồng, thượng nguồn sông Mê Kông. Phó
Phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Phạm Thu Hằng nói:
"Chúng tôi cho rằng việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước
Mê Kông là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm
bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của
người dân trong khu vực".
Cũng theo bà Hằng, sau khi nhận được đề nghị từ phía Việt Nam,
Trung Cộng cho biết sẽ phối hợp và triển khai kế hoạch xả nước từ ngày
15/3-4/4.
Tuy nhiên cho đến tận bây giờ (17/3) vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ
phía Trung Cộng trong việc xả nước để cứu hạ nguồn sông Mê Kông. Phía
Trung Cộng cũng không hề cung cấp cho Việt Nam lịch trình xả nước ra
sao.
Thiếu nước, rất nhiều cánh đồng nứt nẻ phải bỏ hoang. Ảnh: Tiền Phong
Song, chỉ với việc Trung Cộng đồng ý xả nước tại con đập Cảnh Hồng cũng đã làm cho nhiều người vui mừng.
Trên tờ Tiền Phong, ông Lương Ngọc Lân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho rằng, tỉnh này và cả miền Tây
được lợi rất nhiều khi Trung Cộng xả nước để cứu hạ lưu sông Mê Kông.
Trái với tinh thần lạc quan của ông Lân, Tiến sỹ Tô Văn Trường tỏ
ra dè dặt hơn trước thông tin Trung Cộng xả nước. Tiến sỹ Trường cho
biết, Trung Cộng không nằm trong Hiệp định Mê Kông nên những quốc gia hạ
lưu rất khó yêu cầu họ xả nước. Đó là chưa nói, các quốc gia như: Thái
Lan, Lào, Campuchia cũng đang bị hạn hán, nếu Trung Cộng xả nước thì
cũng sẽ bị những nước này lấy hết bằng hệ thống cống và các trạm bơm, về
đến Việt Nam cũng chẳng còn bao nhiêu.
"Vì vậy lượng nước xả từ hồ của Trung Quốc đến Biển Hồ (Tonle Sap-
Campuchia- NV) sẽ hút gần hết theo quy luật điều tiết tự nhiên, chỉ còn
lại khoảng 3-4% lượng nước về đến đồng bằng sông Cửu Lông"- Tiến sỹ
Trường nói với phóng viên báo Tiền Phong.
Cùng chung ý kiến với Tiến sỹ Tô Văn Trường, phó Giáo sư, Tiến sỹ
Lê Anh Tuấn- phó Viện Trưởng viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Đại
học Cần Thơ cho rằng việc chính quyền CSVN đề nghị Trung Cộng xả nước để
cứu hạ lưu là thiếu suy nghĩ, "lợi bất cập hại". Tiến sỹ Trường nói,
với quãng đường hơn 4,000km từ đập Cảnh Hồng xuống đồng bằng sông Cửu
Long chẳng lẽ các nước đang hạn hán nghiêm trọng như: Thái Lan, Lào,
Campuchia lại không "phỏng tay trên" khi lượng nước chảy qua địa bàn của
họ?
Đó là chưa nói, Việt Nam đề nghị Trung Cộng xả nước thì sau này
Campuchia cũng sẽ yêu cầu Việt Nam xả nước từ thủy điện Yaly (Cao nguyên
Trung phần) để cứu hạn cho vùng Đông Bắc của họ. Theo ông Tuấn, cách mà
chính quyền CSVN yêu cầu Trung Cộng xả nước là "lấy đá ghè vào chân
mình".
Người Quan Sát
0 nhận xét:
Đăng nhận xét