Ads 468x60px

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

TS. NGUYỄN XUÂN DIỆN ĐỀ NGHỊ HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QG LÀM RÕ

TS. NGUYỄN XUÂN DIỆN ĐỀ NGHỊ HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QG LÀM RÕ
(Vì tính chất nghiêm trọng của vấn đề, xin các bác share rộng rãi)
TS. NGUYỄN XUÂN DIỆN
THƯ NGỎ
V/v: Đề nghị làm rõ thông tin
Kính gửi:
- Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội;
- Ông Nguyễn Văn Phong, ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ủy viên Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội;
- Hội đồng Bầu cử Quốc gia;
- Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội.

Tôi là Nguyễn Xuân Diện; CMTND: 011293117, do Công an Hà Nội cấp ngày 16/5/2012; địa chỉ: 201, B8 TT Kim Liên, Quận Đống Đa, TP Hà Nội; một trong 47 người tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.
Tôi ứng cử đại biểu Quốc hội với mong muốn cống hiến sức lực và trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo hướng trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, xã hội công bằng và văn minh.
Thế nhưng, tôi đã rất sốc khi đọc thông tin dưới đây trên trang báo điện tử VnExpress, ngày 15/3/2016, trong bài viết có tựa đề “Tổ chức phản động đứng sau một số người ứng cử Quốc hội” (trích):
“Theo một thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử.
Trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, "một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động", ông cho hay, tuy nhiên ông không nêu cụ thể trường hợp nào”. (hết trích)
Là một trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, tôi rất bức xúc khi đọc các thông tin trên. Tôi tự hỏi, vì sao việc “hình thành phong trào tự ứng cử” lại có thể bị thành viên của Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhận định như thể khiến cho “kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn”, trong khi đó là một việc rất tốt, rất cần được khuyến khích, bởi nó mở rộng quyền tự do của người dân, đặc biệt là quyền tham gia chính trị?
Tôi cũng tự hỏi, “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài”, là thế nào vậy? Tổ chức phản động đó là tổ chức nào, và một số người có sự ủng hộ đó là những ai?
Trên phương diện luật pháp, điều khoản nào trong luật định nghĩa một tổ chức là phản động? Có những căn cứ pháp lý nào để xếp loại, đánh giá một tổ chức là phản động?
Tôi thật sự không thể hiểu nổi thành viên nọ có động cơ gì khi phát biểu những điều trên với báo chí, một cách hết sức hàm hồ, vô căn cứ, vô luật pháp. Đây là điều không thể chấp nhận được ở một người có vai trò “thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử Quốc gia”.
Cách phát biểu hàm hồ như vậy khiến tôi có suy nghĩ: Phải chăng vì e ngại các ứng cử viên độc lập có thể trở thành đại biểu Quốc hội, mà thành viên nọ tìm cách dựng chuyện, chụp mũ chung chung cho các ứng viên, để giảm thiểu khả năng trúng cử của họ.
Với những tâm tư đó, tôi đề nghị Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử Quốc gia nêu ra và chỉ rõ:
- Ai, cá nhân nào “có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động” theo như bài báo của VnExpress nêu?
- Tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đó là tổ chức nào? Căn cứ vào đâu, cơ sở pháp lý nào mà họ bị đánh giá là “phản động”?
Nhằm đảm bảo thông tin thông suốt, “đảm bảo các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử”, “kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử”... như Chỉ thị 51-CT/TW ngày 04-01-2016 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, tôi rất mong đề nghị trên đây của tôi được đáp ứng.
Nếu được, điều đó cũng sẽ giúp tôi vững lòng tin vào tính chất dân chủ và tự do của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2016
Nguyễn Xuân Diện

0 nhận xét:

Đăng nhận xét