Ads 468x60px

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Tuyến đường sắt Bắc- Nam bị tê liệt sau khi cầu Ghềnh bị sập

Sau cú va chạm, cầu Ghềnh hơn 110 tuổi 
đổ sập xuống sông. Ảnh: Tuổi Trẻ
Cây cầu Ghềnh (cầu Gành) hơn 110 năm tuổi bắc qua sông Đồng Nai đã đổ sụp sau cú va chạm với sà lan. Cho đến nay, số người thiệt mạng vẫn chưa được phía nhà chức trách cung cấp con số chính xác.
Theo nhiều người dân tại phường Bửu Hòa (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 11h45 ngày 20/3. Chiếc sà lan mang số hiệu SG- 3745 có công suất 205 CV, chở 800 tấn cát hướng từ Long An về Đồng Nai của chủ tàu Phan Thế Thượng ở trên đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận, Sài Gòn) do tránh một chiếc tàu đi hướng ngược chiều đã đâm sầm vào trụ mốc cầu Ghềnh ngay giữa sông. Cú va chạm quá mạnh đã làm cho nhịp cầu ngay giữa sông bị đứt gãy, chìm xuống. Còn chiếc sà lan thì bị lật úp. Theo phía công an, hai tài công trên chiếc sà lan đã thoát thân và hiện nay vẫn đang bỏ trốn.
Cầu Ghềnh được xây dựng từ năm 1901 và khánh thành năm 1904 bởi người Pháp. Vật liệu chính của cầu là bê-tông và những khối sắt thép rất vững chắc. Từ lâu nay, cầu Ghềnh ngoài việc phục vụ cho tàu hỏa thì chiếc cầu này còn cho phép người dân chạy xe máy qua lại.
Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, rất nhiều người đang lưu thông trên cầu Ghềnh đã bị rơi xuống nước. Tại hiện trường còn cho thấy rất nhiều chiếc xe máy nằm chỏng trơ trên cầu chưa bị rơi xuống sông.
Cầu Ghềnh bị sập đã làm cho toàn bộ tuyến vận tải bằng hỏa xa bị tê liệt. Rất nhiều hành khách đã phải ở lại ga Biên Hòa. Theo ông Đặng Mạnh Trung- Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai cho biết, tất cả tuyến Hà Nội- Sài Gòn đều phải dừng lại tại nhà ga Biên Hòa. Sau đó, nhà ga sẽ điều động xe khách đến để vận chuyển hành khách về Sài Gòn bằng đường bộ. Không chỉ với hành khách, mà ngay cả hàng hóa cũng bị ứ động vì vụ cầu Ghềnh sập. Theo lãnh đạo ga Sóng Thần (Thủ Đức) cho biết, sau khi cầu Ghềnh bị sập, ga Sóng Thần đã liên lạc với các chủ hàng để họ tìm phương án khác chuyển giao hàng hóa của mình. 
Chiếc sà lan vẫn tiếp tục trôi dạt. Nếu không được neo đậu sẽ trở thành mối nguy hại. 
Ảnh: Thanh Niên
Đến tối ngày 20/3, ông Huỳnh Văn Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) đã khởi tố vụ án "vi phạm giao thông đường thủy". Hai tài công trên chiếc sà lan đã được xác định danh tính là: Nguyễn Văn Lẹ (quê Sóc Trăng) và Trần Văn Giang (quê Bạc Liêu).
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, qua xác minh, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, chiếc sà lan gây ra tai nạn đã hết hạn kiểm định 2 tháng 20 ngày. Tuy nhiên, việc một chiếc sà lan hết hạn kiểm định nhưng vẫn được lưu thông, vận chuyển hàng hóa là một câu hỏi dành cho lực lượng có trách nhiệm.
Việc cầu Ghềnh bị sập đã làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc- Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo lãnh đạo ngành Giao thông, phải nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ gãy cầu Ghềnh trong vòng 2 ngày, nhằm hạn chế những thiệt hại do việc tê liệt tuyến hỏa xa Bắc- Nam gây ra.
Từ một lãnh đạo công an tỉnh Đồng Nai cho biết, vụ sập cầu đã không gây ra vụ án mạng nào. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn là giữa trưa nên lưu lượng xe cộ qua lại trên cầu rất ít. Người dân tại địa phương cho biết, có khoảng 2/3 số người đi trên cầu vào thời điểm đó đã nhảy xuống sông và được người dân cứu sống. Người dân không thấy trường hợp nào bị chết đuối hay bị nước cuốn trôi. Xe cộ sau khi bị rơi xuống sông đã được lực lượng có trách nhiệm vớt lên, giao trả lại cho người bị nạn.
Người Quan Sát

0 nhận xét:

Đăng nhận xét