Ðập Ba Lai chặn ngang dòng sông Ba Lai
ngăn dòng chảy ra biển vĩnh viễn của con sông này.
Văn Lang
Dòng sông Mê-Kông khi chảy vào đất Việt chia thành hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu rồi đổ ra biển qua chín cửa, như hình tượng của chín con rồng ôm ấp một vùng đất đai bao la, trù phú bậc nhất Việt Nam. Với tên gọi thân thương của một thời no ấm - Ðồng bằng sông Cửu Long.
Chín cửa sông, cũng là tên gọi của các sông nhánh, đó là: Cửa Tiểu, Cửa Ðại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Ðịnh An, Ba Thắc, và Trần Ðề.
Cửu Long nay chỉ còn lại là... Thất Long. Vì lẽ, dòng Ba Thắc (Bassac) bị bồi lắng giờ chỉ còn nhỏ như một con kênh đào. Còn dòng Ba Lai thì đã bị xây đập chắn ngang dòng sông (đập Ba Lai), ngăn dòng chảy vĩnh viễn.
Bảy con rồng nước còn lại của miền Tây, trong mùa khô hạn năm nay cũng đang ngắc ngoải, vật vã bởi lưới lửa của thần mặt trời thiêu đốt. Chưa kể, thần biển nhân cơ hội dâng nước mặn xâm chiếm khắp các vùng nội đồng. Khiến cho vùng miền Tây sông nước một thời, tưởng chừng như vĩnh viễn là vùng đất của hoa ngọt - trái lành, lúa chín vàng bao la trên ruộng đồng chim bay hoài mỏi cánh... Nay, tất cả như một hoang mạc đầy rơm khô, chỉ cần một que diêm, sẽ bốc cháy như một tinh cầu lửa.
Vì đâu nên nỗi? Vì vầng mặt trời thiêu đốt? Hay vì lòng người ngu dốt?
Kênh Châu Bình vốn là kênh nước ngọt nay đã bị mặn hóa
vì đập Ba Lai ngăn dòng chảy của sông Ba Lai.
Chuyện kể của người dân vùng mất nước
Về vùng chín khúc sông rồng mùa khô hạn năm nay, chúng tôi nghe được nhiều câu chuyện kể của người dân vùng... mất nước.
Lâu nay, thường nghe những tuyên truyền trên truyền thông, như là: Biến đổi khí hậu toàn cầu; hay như - Nước là nguồn tài nguyên quý, cần phải giữ gìn! Dân vùng sông nước thường cười ngất, cho là chuyện trên... sao Hỏa.
Chứ vùng sông nước miền Tây này, nước xài biết chừng nào cho hết mà đi lo chuyện... bao đồng.
Bây giờ mất nước rồi, dân chúng ngồi ngẫm nghĩ mới thấy thấm thía nhiều chuyện về... nước.
Như là, tất cả các đài truyền hình đều của nhà nước, khi tới mục dự báo thời tiết, nếu trời có mưa. Xướng ngôn viên bao giờ cũng nói: “Hôm nay thời tiết xấu, trời nhiều mây, có mưa rào rải rác...”
Trời ơi! Người dân miền Tây bây giờ, không mong gì hơn được nghe dự báo “thời tiết xấu.” Ðể được thấy mưa rơi trên đồng lúa, mưa rơi trong lòng người, để cho chín khúc sông rồng sống dậy. Vậy mà họ toàn nghe tin dự báo thời tiết tốt - Trời không mưa, nắng chang chang.
Vậy mới biết tư duy của nhà nước - Thể hiện lâu nay trên truyền thông đại chúng, là ghét mưa, vì cho mưa là xấu. Cũng như họ chẳng bao giờ thèm đếm xỉa gì tới tâm tư, tình cảm, phong tục, tập quán của người nông dân vùng sông nước Nam Bộ.
Những kênh mương khô hạn khiến dân miền Tây chết khát.
Cụ thể, người miền Tây xưa nay không có khái niệm lũ lụt. Với họ chỉ có một mùa nước nổi, khi nước trên thượng nguồn sông Mê-Kông tràn xuống đem theo phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long thêm trù phú. Cá tôm trên Biển Hồ theo con nước xuống sinh sôi đàn đàn trên những cánh đồng miền Nam. Người nông dân gác việc nông gia, đi buông lưới lo việc cá, tôm. Ðời sống theo con nước phỉ chí tang bồng, không lo chuyện áo cơm tằn tiện.
Chỉ khi người miền Bắc - xã hội chủ ngãi vô Nam, cai trị miền Nam bởi cái “tư duy đê điều.” Về mặt thương mại thì ngăn sông cấm chợ, về mặt nông nghiệp thì đắp đập... đuổi nước. Cuối cùng, miền Tây một thời tự do trù phú, bỗng hóa hoang tàn...
Hết thời tập đoàn, hợp tác xã duy ý chí, khiến miền Nam có “cơ hội” đuổi kịp... cái đói của miền Bắc xã hội chủ ngãi. Qua thời kinh tế thị trường định hướng cái đuôi “chủ ngãi,”miền Nam vẫn bị bóng đè bởi những kinh tế-chính trị gia miền Bắc, vốn là những người bị con ma đói năm Ất Dậu (1945) ngự trị trong linh hồn.
Lúa năm làm ba vụ, mà vụ ba lại trúng vô ngay mùa nước nổi, thế là lại đắp đập ngăn đê... xua nước. Ðể tăng đất trồng lúa, họ khai kênh dùng nước ngọt đi... rửa mặn. Họ hí hửng với cái tư tưởng: “Thế thiên hành đạo - thay trời làm mưa.” Mà không biết rằng thiên nhiên đang lặng lẽ tích cóp những sai lầm của bầy người duy ý chí - bất chấp tự nhiên, để chờ ngày phục hận.
Dù đã đắp đê ngăn mặn nhưng những cánh đồng lúa vẫn chết vì... nhiễm mặn.
Bao nhiêu nước ngọt cho đủ để rửa vùng đất mặn? Cuối cùng bán đảo Cà Mau đã mặn hóa trở lại.
Trong khi theo Giáo Sư Tiến Sĩ Võ Tòng Xuân thì bài toán đơn giản hơn. Khi mùa nước ngọt về thì trồng lúa, khi mặn đến thì nuôi tôm.
Một năm ba vụ lúa chẳng những làm kiệt quệ nguồn nước ngọt, mà sự độc canh này còn làm hủy hoại nguồn sinh thái thiên nhiên phong phú của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tăng cường sản xuất lúa gạo, để thỏa mãn cái ám ảnh về “an ninh lương thực” của đám chóp bu quyền lực - miền đói. Hậu quả là, ngày nay khô hạn khắp miền Tây. Trong khi hàng năm kiếm được 2 tỷ Mỹ kim từ lúa gạo, thì Việt Nam phải nhập 4 tỷ Mỹ kim cho nguyên liệu làm thức ăn gia súc. Riêng tiền mua bắp đã là 1 tỷ rưỡi Mỹ kim...
“Tư duy - lúa gạo” đem tới những hậu quả nhãn tiền. Như việc xây đập ngăn dòng chảy của sông Ba Lai. Kết quả, bờ đập phía Bình Ðại nơi từ xưa tới nay người dân nuôi tôm bị khát nước mặn trầm trọng, không có nước mặn để nuôi. Trong khi một hecta đìa tôm, một vụ người dân thu được 500 triệu, trồng lúa một hecta cao lắm được vài ba chục triệu. Còn bên phía Ba Tri - nơi ngọt hóa để trồng lúa, thì mùa khô nước biển theo sông Mỹ Tho, sông Hàm Luông tiến vòng qua đập Ba Lai với tốc độ nhanh hơn thời chưa xây đập. Khiến Bến Tre bị nhiễm mặn nặng, trên diện rộng hơn so với thời chưa bỏ ra mấy chục tỷ đồng xây đập ngăn dòng Ba Lai.
Những đìa tôm vẫn sinh lời cho người nuôi tôm hàng tỷ đồng dù ngay trong mùa khô hạn.
Thế nước yếu lấy gì lo hồi phục nước
Cái kẹt lớn nhất hiện nay, là đầu của chín nhánh sông rồng lại bị kẹp tận thượng nguồn sông Mê-Kông. Nơi Trung Cộng đã cho xây 6 trên tổng số 20 dự án đập thủy điện ở thượng nguồn.
Ngoài ra, Lào và Cambodia cũng đưa ra kế hoạch xây 12 đập thủy điện. Mà phía sau dự án thủy điện của hai quốc gia này là sự yểm trợ kỹ thuật và tài chánh của Trung Cộng.
Trung Cộng không tham gia Ủy Hội Mê-Kông, mục đích là nhằm tự do thao túng nguồn nước trên thượng nguồn mà không lo cơ chế “phòng vệ” của các nước ở vùng hạ lưu.
Nhưng ngay cả với Lào, một thành viên của Ủy Hội Mê-Kông, khi họ tiến hành xây đập thủy điện Xayabury, dù không được các nước thành viên của Ủy Hội nhất trí. Nhưng xem ra việc ngăn Lào với sự “thọc gậy bánh xe” của Trung Cộng cũng có vẻ khó mà khả thi.
Với vấn đề Biển Ðông, Hoa Kỳ còn có thể tham gia với lý do bảo vệ tự do hàng hải. Riêng về “cuộc chiến” nước trên lưu vực sông Mê-Kông, khó có tiếng nói mạnh mẽ nào giúp Việt Nam. Và Trung Cộng chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội dùng nước như một vũ khí chiến lược để buộc Việt Nam phải tỏ ra “biết điều” trong chiến lược cờ vây của họ.
Một điều đặc biệt nguy hiểm nữa là, với dung lượng các hồ thủy điện của Trung Cộng có thể chứa tới trên 40 tỷ mét khối nước. Nếu họ dùng “quả bom nước” này vào mùa lũ, thì đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam với hơn 17 triệu cư dân sinh sống, có nguy cơ bị “xóa sổ” hoàn toàn.
Vậy nên, mùa khô hạn chưa đi mà đã lo mùa nước dữ sẽ tới.
Văn Lang/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét