Hình minh họa |
Giáp Văn Dương
Ba năm trước, trong những ngày giáp Tết chúng tôi đi siêu thị sau hơn chục năm đi vắng, điều đầu tiên
làm tôi giật mình đánh thót, là lòng tin giữa nhân viên siêu thị và
khách hàng quá ít. Khách mua sắm không được mang ba lô túi xách vào siêu
thị đã đành, mà khi đi ra, ngay sau khi thanh toán, lại bị lục soát
kiểm tra một lần nữa.
Sau
này khi phải làm các thủ tục giấy tờ hành chính, chúng tôi lại gặp lại
những cảnh tượng này, nhưng ở mức độ “chính quy” hơn. Trong các văn bản
giấy tờ lúc nào cũng dày đặc dấu son đỏ chót của đủ các thể loại con dấu
và chữ ký. Nhưng chưa khi nào nhân viên công quyền hết nghi ngờ các
loại giấy tờ này bị giả mạo. Mà họ có lý, vì giấy tờ giả mạo rất nhiều.
Cái gì cũng có thể làm giả. Bằng cấp từ tú tài đến tiến sĩ còn được rao
bán công khai trên mạng cơ mà.
Vậy nên mấy cái dấu đỏ này chỉ là
thuốc an thần thôi, chứ không ngăn được giấy tờ giả. Nhưng đằng sau thứ
thuốc an thần đỏ này là một thực tế tê tái: thiếu vắng lòng tin giữa dân
và chính quyền, và rộng hơn là giữa người với người.
Sự thực là vậy: càng nhiều dấu đỏ, càng ít lòng tin.
Vì ít lòng tin nên mọi thủ tục đâm ra rườm rà. Thay vì hỗ trợ nhau làm
việc, bây giờ lại phải mất công lôi nhau ra kiểm tra rà xét phạt nhau.
Mà khổ ở cái chỗ người ta có thể kiếm ăn được nhờ cái rà xét phạt nhau
này nên năng nổ thực hiện. Nhân sự vì thế mà tăng lên, thời gian kéo dài
ra, năng suất lao động vì thế mà giảm sút rất nhiều. Cuối cùng tất cả
cùng thua thiệt, cùng lôi nhau xuống hố. Chỉ hầm hè phạt nhau để ăn thì
khác nào rủ nhau đánh bạc để làm giàu. Của cải không sinh ra mà thời
gian thì mất đi, lại rước thêm một mớ nghi ngờ và oán hận.
Ít
lòng tin, thoạt đầu tưởng chừng chỉ là câu chuyện đạo đức, nhưng hóa ra
lại là câu chuyện của kinh tế và phát triển. Ngay sát sườn mình.
Vì thế, lòng tin đã trở thành một thứ vốn để phát triển, quan trọng như
bất kỳ loại vốn nào khác. Các nhà xã hội học gọi đó là vốn xã hội. Lòng
tin nằm ngay chính giữa trái tim của vốn xã hội.
Những ngày qua
câu chuyện về lòng tin lại một lần nữa được xới lên, khi nhiều quan chức
liên tục kêu than về sự mất lòng tin của dân với Đảng, với chính quyền.
Mất lòng tin đã trở thành một thuật ngữ cửa miệng.
Nhiều người
cãi cùn, có lòng tin đâu mà mất. Thoạt nghe thì thấy cũng đúng, mà hài
hước. Nhưng rõ là người ta hiểu mất lòng tin giản đơn như khi ta bỗng
chốc bị mất một điều gì được coi là quý giá như bị ăn trộm vậy.
Nhưng bị ăn trộm mà không biết ai là thủ phạm. Mà cũng ít ai cất công
ngồi nghĩ xem thủ phạm là kẻ nào. Chỉ biết than trời mất rồi mất rồi.
Lòng tin mất rồi, nguy cơ nguy cơ đến nơi rồi.
Bình tĩnh mà ngẫm
ra cho kỹ, thì thấy nói mất lòng tin thực ra là không đúng. Lòng tin
không phải là một vật sở hữu của lãnh đạo để rồi mất rồi than. Lòng tin
cũng không tự động đến với nhà lãnh đạo, mà có được thông qua sự ban
trao của người dân. Lòng tin mà nhà lãnh đạo có được là vì người dân
thấy xứng đáng hoặc nhầm tưởng là xứng đáng nên ban trao cho. Mà đã là
sự ban trao, thì khi anh không xứng đáng hoặc khi người dân phát hiện ra
mình nhầm lẫn, họ sẽ thu hồi lại. Như thế, là dân lấy lại lòng tin đã
ban trao nhầm, chứ không phải là dân mất lòng tin. Dân thu hồi lại chứ
không phải là dân mất. Hai cái này hoàn toàn khác nhau.
Tình tiết
chỉ có vậy. Câu chữ cũng chỉ có vậy. Dẫn dắt dài dòng ra thì cũng chỉ
có vài câu là hết. Nhưng sự khác nhau giữa chúng là một trời một vực.
Nếu mỗi nhà lãnh đạo đều hiểu rằng, lòng tin của người dân đối với họ,
và bản thân sự lãnh đạo của họ, chỉ có được thông qua sự ban trao chứ
không phải là tự động hay cưỡng bức, thì khi đó họ sẽ hành xử khác hẳn.
Họ sẽ nỗ lực để có được sự ban trao đó, thay vì coi đó là mặc nhiên, để
khi thấy không có được lòng tin như ý thì than rống lên là dân mất lòng
tin rồi ra chiều thảm thiết.
Không có gì mất cả. Chỉ là sự thu
hồi. Dân ban trao nhầm, nay thấy không xứng đáng, nên dân thu hồi và chờ
người xứng đáng để ban trao trở lại.
Vấn đề đặt ra là người lãnh
đạo phải nỗ lực ra sao, chứng tỏ thế nào để dân ban trao lòng tin, và
qua đó ban trao sự lãnh đạo chính đáng. Tưởng rằng to tát, hóa ra không.
Dân không cần hiểu những lý tưởng to tát cao siêu. Dân chỉ cần biết ai
lo cho dân, ai bảo vệ dân, ai giúp dân có được cuộc sống no ấm, ai giúp
dân được sống như một con người với tất cả những quyền làm người cơ bản,
thì dân sẽ ban trao lòng tin của mình cho người đó.
Dân thường
cả tin nên nhiều khi nhầm lẫn, nhưng trước sau gì cũng nhận ra được sự
ban trao của mình có xứng đáng hay không. Nên khi tỉnh ra, dân sẽ thu
hồi lại.
Dân thu hồi lại, dân không có lỗi. Vì thế đừng đổ cho
dân đánh mất lòng tin mà oan cho dân, mà sai lệch vấn đề, mà bao biện
cho mình, xem mình như kẻ vô can ngoài cuộc.
Dân cả tin nhưng dân đủ thông minh để biết ai là người xứng đáng.
Giáp Văn Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét