Ông Nguyễn Chí Đức bị công an Hà Nội đạp vào mặt trong cuộc biểu tình chống bọn Trung cộng ngày 17.07.2011. |
Tôi biết đến Nguyễn Chí Đức vào năm 2011 khi coi tin tức trên đài RFA, có đoạn do phóng viên Chân Như phỏng vấn ông về việc bị công an Hà Nội đạp vào mặt trong cuộc biểu tình chống bọn Trung cộng ngày 17.07.2011.
Coi đoạn video Nguyễn Chí Đức bị công an lôi kéo, đạp vào mặt, thẩy lên xe buýt như một con heo, cũng như nghe trả lời phỏng vấn của ông với đài RFA, tôi cảm phục ông rất nhiều vì lòng yêu nước, lòng nhân hậu của ông, dù đã bị công an Hà Nội mời “làm việc” nhiều lần trước đó nhưng không hề sợ hãi, sờn lòng khi lên tiếng phản đối bọn xâm lược Trung cộng cũng như không thù oán các công an đã hành xử thô bạo với cá nhân mình.
Tuy nhiên vừa qua, coi một clip video khác do Lã Việt Dũng post lên YouTube với tựa đề: “Nguyễn Chí Đức một mình giữa vòng vây những người ủng hộ ông Nguyễn Quang A”, thú thật tôi đã mất hết cảm phục lẫn cảm tình dành cho ông. Nguyên thủy cái tựa post trên facebook của Nguyễn Lân Thắng là: Anh Nguyễn Chí Đức một mình “Nhẩy múa giữa bầy sói” ủng hộ cờ vàng.
Đoạn video của Viet Vision, nguồn của Lã Việt Dũng cho thấy ông Nguyễn Chí Đức tiến đến bắt tay ông Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một ứng cử viên tự do cho quốc hội khóa 14, khi ông Quang A từ trong một tòa nhà bước ra với một bó hoa trên tay. Liền sau đó, ông Nguyễn Chí Đức đặt câu hỏi với ông Nguyễn Quang A: “Tại sao ông chào cờ vàng?”
Ông Nguyễn Quang A nhã nhặn trả lời bằng câu hỏi ngược lại: “Đầu tiên tôi hỏi ông, nếu ông Trương Tấn Sang cũng đứng dưới một lá cờ như thế thì ông nói thế nào?”
Nguyễn Chí Đức lập lại câu hỏi: “Tại sao bác lại chào cờ vàng?”
Một vài người níu kéo ông Đức, trong lúc đó môt thanh niên khác tiến đến kéo ông Quang A đi. Ông Đức nói với theo: “Tại sao bác tránh trả lời? Tôi phản đối chuyện đó”.
Ông Nguyễn Quang A chỉ nói: “OK!” Và tiếp tục bước đi.
Sau đó là sự xô đẩy, lời qua tiếng lại giữa ông Nguyễn Chí Đức cùng một số người khác tranh luận về cờ đỏ, cờ vàng, không nghe rõ, và (cũng may) không xảy ra ấu đã lẫn nhau. Tuy nhiên ở phút 04:17´, ông Nguyễn Chí Đức đã nói: Tôi không tôn trọng lá cờ vàng, đó là cờ của ngoại bang.
Sinh ra, lớn lên dưới chế độ cộng sản, bị tuyên truyền, nhồi sọ, Đức không hiểu thế nào là ngoại bang. Cờ của ngoại bang chính là cờ đỏ, sao vàng mà Đức đang tôn thờ bởi nó là bản sao của cờ Trung Cộng, kẻ mà Đức đang biểu tình chống đối sự hung hăng, bá quyền. Sự thiếu hiểu biết này có thể tha thứ.
Tuy nhiên khi hỏi ông Nguyễn Quang A, tại sao ông đứng dưới lá cờ vàng (ở bên Úc), Nguyễn Chí Đức đã đi quá cái sự hiểu biết của mình. Đây là câu hỏi của một kẻ vô giáo dục, thiếu văn hóa (tiêu biểu) của người cộng sản, không được học hỏi thế nào là hành xử văn minh.
Khoan nói đến chuyện pháp luật, chỉ nói đến vấn đề tự do cá nhân. Nguyễn Chí Đức khi đặt một câu hỏi sỗ sàng như vậy là đã vi phạm tự do cá nhân của ông Nguyễn Quang A.
Khi ông TS Nguyễn Quang A ra nước ngoài vì công vụ hay chuyện riêng tư, khi đến công sở, văn phòng, tư gia của ai thì việc bầy biện, trang trí hình ảnh, biểu tượng, sắp xếp (nội thất) bàn ghế là do chủ nhân hoặc những người có thẩm quyền nơi đó quyết định khi đón tiếp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A có quyền vào hoặc không vào khi thấy cảnh đón tiếp không đúng như sự mong đợi của mình. Không thích hay thấy không cần thiết, không có nhu cầu, ông Quang A có thể đứng ngoài, nhưng ông không có quyền ra lệnh cho chủ nhà, giới chức thẩm quyền nơi tiếp đón ông là phải bỏ hình ảnh này, dẹp biểu tượng kia đi, sắp xếp lại bàn ghế theo ý ông thì ông mới vào.
Không biết tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định, suy nghĩ như thế nào về lá cờ vàng nhưng ông đã hành xử đúng. Cách hành xử đó chứng tỏ ông là một con người có văn hóa, lịch thiệp, hiểu biết, hoàn toàn khác với Tim Rebeaud (tên nguyên thủy là Aline Rebeaud, sau được tặng thêm chữ Tim, có nghĩa là trái tim, thành Tim Aline Rebeaud).
Tim Rebeaud, “Ngôi sao từ thiện” người Thụy Sĩ, một thời gây ồn ào, náo nhiệt với việc làm từ thiện, thành lập Nhà May Mắn (Maison Chance), chăm sóc trẻ em bất hạnh, chỉ vì dại dột yêu cầu những người tổ chức quyên góp tiền bạc cho mình dẹp bỏ lá cờ vàng trên sân khấu ở San Francisco nên dần dần đã bị những nhà hảo tâm tẩy chay.
Tình trạng hoạt động Nhà May Mắn của Tim Rebeaud bây giờ ra sao? Có trời mới biết, cũng không còn ai mấy ai nghe nói tới. Khi nguồn sữa của những con bò hải ngoại không còn, thì sớm hay muộn cũng phải dẹp tiệm, chẳng có nhà tư bản đỏ nào (rỗi hơi) đi làm từ thiện, hoặc tô son, vẽ phấn, nuôi sống một cô gái ngoại quốc ăn ngủ khách sạn 5 sao mà không đem về cho chúng lợi lộc.
Trở lại vấn đề với Nguyễn Chí Đức. Tôn trọng hay không một lá cờ, một biểu tượng của người khác là quyền tự do cá nhân, không ai cấm đoán (có muốn cũng chẳng được) nhưng nên để trong lòng.
Lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của miền Nam Việt Nam trong 21 năm trước đây, hàng triệu thanh niên miền Nam đã đổ máu để bảo vệ lá cờ đó, lá cờ đã có từ lâu, trước khi cờ đỏ sao vàng xuất hiện mang theo bao nhiêu tang thương, đọa đầy, khốn khổ cho dân tộc Việt Nam.
Sau năm 1975, cờ vàng trở thành biểu tượng của hầu hết người Việt hải ngoại, những người chạy trốn, không chấp nhận chế độ cộng sản khát máu, gian ác, lừa bịp.
Nguyễn Chí Đức có quyền không tôn trọng lá cờ vàng nhưng không thể cấm cản người khác tôn trọng, vinh danh.
Không biết, không nghe nói, cũng không quan tâm đến những hoạt động của ông Nguyễn Chí Đức sau ngày coi video clip ông bị đạp vào mặt. Tôi chỉ tình cờ thấy những phát biểu của Nguyễn Chí Đức trên Facebook vừa qua nên tò mò vào Google tìm hiểu thêm, mới biết Đức là Đông Hải Long Vương trên Facebook.
Thấy có một video Nguyễn Chí Đức trò chuyện với các dư luận viên như Hoàng Thị Nhật Lệ, tựa đề: Nguyễn Chí Đức: Tôi không chấp nhận và không khoan nhượng những kẻ nào coi 30/4 là ngày “Quốc hận”.
Lại thêm một lời phát biểu hồ đồ, thiếu suy nghĩ. Gọi ngày 30.04 là ngày Quốc Hận, ngày Thống Nhất Đất Nước, Tháng Tư Đen, Ngày Hành Trình Tìm Tự Do… cũng chỉ là một cách gọi, tùy theo người gọi đứng ở vị thế nào.
Tuy nhiên dù muốn, dù không thì ngày 30.04.1975 cũng là ngày khơi dậy những kỷ niệm đau thương, đọa đầy của cả dân tộc Việt Nam.
Từ ngày đó đến nay, gần 41 năm đã trôi qua, Việt Nam dưới sự lãnh đạo, toàn trị của đảng CSVN – so với các nước láng giềng chung quanh, kể cả Lào và Campuchia – đã tụt hậu, thua xa về tất cả các phương diện, từ kinh tế, giáo dục, đến kỹ thuật, văn hóa…
Dưới bề mặt ổn định là một xã hội hỗn loạn, dân oan biểu tình đòi đất, đòi bồi thường xứng đáng khắp nơi, đồng bằng sông Cửu Long hạn hán, mất mùa, đe dọa cả hàng trăm ngàn mẫu đất cấy cầy, trồng hoa quả, trái cây của hàng triệu nông dân.
Thực phẩm, đồ chơi, quần áo, hàng tiêu dùng… không những bị anh bạn láng giềng 4 tốt, 16 chữ vàng nhúng hóa chất, tẩm độc tuồn sang hàng trăm ngàn tấn mỗi năm mà ngay cả người dân cũng tìm cách hãm hại lẫn nhau để làm giàu.
Công an lộng quyền, bắt bớ, đàn áp, giết người trong đồn vô tội vạ. Cướp bóc xẩy ra hàng ngày nơi thị tứ, học sinh đánh đập nhau trong trường học khắp cá vùng, miền trên cả nước.
Bệnh viện quá tải, bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên…, không có tiền hối lộ không chữa trị. Chích ngừa cho trẻ em chết hàng loạt, thuốc điều trị quá hạn, bộ trưởng y tế tuyên bố ngu xuẩn, vô trách nhiệm cũng chỉ bắt đầu từ ngày 30 tháng 4.1975.
Vậy theo Nguyễn Chí Đức, nên gọi ngày 30.04 là ngày gì cho vừa có lý, vừa có tình?
Nguyễn Chí Đức có thể không chấp nhận những ai gọi ngày 30.04.1975 là ngày Quốc Hận, nhưng nói rằng không khoan nhượng thì có vẻ hỗn xược, xấc láo quá thể.
Ở trong nước, Nguyễn Chí Đức có quyền không chấp nhận, đi báo công an làm khó dễ những người gọi 30.04 là ngày Quốc Hận nhưng nhớ phải luôn mang recorder trong người. Tuy nhiên, với gần 4 triệu người Việt ở hải ngoại thì Nguyễn Chí Đức tính sao?
Không khoan nhượng những người này thì Nguyễn Chí Đức sẽ làm gì họ? Tố cáo với cảnh sát các nước sở tại, bắt giữ họ khi họ tổ chức kỷ niệm ngày Quốc Hận 30.04 vào thứ bẩy cuối tháng này hay bí mật điều động công an, dư luận viên từ Việt Nam như Trần Nhật Quang, Hoàng Thị Nhật Lệ… qua chụp hình để uy hiếp khi họ về Việt Nam du lịch, thăm gia đình, làm việc…?
Một con người bị chính những kẻ đối xử với mình, xô đẩy, lôi kéo, đạp vào mặt như một con heo mà vẫn không nhận ra được họ là ai thì không còn gì để bình luận.
Hoặc cũng có thể, Nguyễn Chí Đức sau những tháng ngày biểu tình chống Tầu cộng, tham gia Mạng Lưới Nhân Quyền… bị cú đạp vào mặt của tên đại úy công an tên Minh, đột nhiên hoát ngộ – giống như một thiền sư, sau thời gian dài quán một công án – chợt nhận ra kẻ thù của mình chính là những người đang đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam?
Nếu đúng thế thì xin chúc mừng Nguyễn Chí Đức đã ngộ đạo (tặc).
Thạch Đạt Lang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét