Ads 468x60px

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Những chiếc điện thoại cầm tay rồi sẽ không còn vỡ?

Hình minh họa
Sỹ Tâm
Nếu có người hỏi các bạn trẻ ngày nay rằng: “vật dụng gì là quan trọng nhất trên cõi đời này?”, thì có thể sẽ nhận được nhiều câu trả lời tương tự: “chiếc điện thoại cầm tay!”
Điện thoại thông minh (smart phone), hay di động (mobile phone), hay cầm tay (hand phone) là những danh từ khác nhau để chỉ một thứ thiết bị điện tử cá nhân, nay đang đóng một vai trò quá quan trọng đối với giới trẻ ở trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Chỉ mới cách đây chục năm thôi, khó ai có thể hình dung ra rằng chiếc điện thoại cầm tay ngày nào nay lại có thể “thông minh” đến như vậy! Nhờ vào những tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật, hiện nay một mình chiếc điện thoại đã làm việc thay cho rất nhiều thiết bị khác. Đầu tiên nó vẫn là... một chiếc điện thoại, dùng để gọi và nhận những cuộc gọi, hay tin nhắn. Kế đến, nó là chiếc máy tính cá nhân, khi dùng để xem internet, đọc e-mail. Nó là bộ nhớ thay cho người, lưu lại hầu hết những thông tin quan trọng của bạn bè, người thân. Rồi đối với dân lái xe, nó thay thế cho thiết bị chỉ đường GPS. Đối với những ai cần giải trí, nó là máy chơi game, nghe nhạc. Quả là không thể kể hết tính năng của điện thoại thông minh, bởi vì mỗi ngày nó lại có thêm một ứng dụng mới.
Cũng chính vì thế, điện thoại di động bây giờ là vật bất ly thân. Chủ nhân của những chiếc điện thoại không muốn chúng bị hư hỏng bất ngờ. Nhưng trong thực tế, hình như ai cũng đã trải qua một lần làm hỏng chiếc điện thoại của mình. Hai hình thức phá hủy thông dụng nhất: bị rớt vỡ và bị vô nước. Người thì móc nó ra từ túi, tuột tay làm rơi xuống đất. Người thì vào trong nhà vệ sinh, vô ý làm rơi nó vào trong bồn tắm hay... bồn cầu! Ai mà chẳng có có lúc “lỡ tay.” Mà lỡ tay với chiếc điện thoại yêu quí thì cái giá trả là hơi đắt! Theo tin của SquareTrade, một công ty chuyên “bán bảo hiểm” cho điện thoại thông minh, khoảng trên 30% chủ nhân của những chiếc điện thoại làm hư nó ngay từ năm đầu tiên. Công ty này cho biết khoảng 13 tỉ USD đã được chi ra để sửa chữa những chiếc điện thoại thông minh trong vòng 5 năm qua. Một con số nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người! Các chuyên gia nghiên cứu cho biết chiếc điện thoại thông minh ngày nay chạy theo nhu cầu khách hàng, nên ngày càng mỏng hơn, và màn hình rộng hơn. Chính hai yếu tố này đã làm cho chúng trở nên dễ vỡ hơn.
Như vậy thì có cách nào để chiếc điện thoại yêu quí của mình có thể ít bị phá hủy hơn hay không? Dĩ nhiên là có. Nếu chính khoa học kỹ thuật làm nên những tính năng kỳ diệu cho chiếc điện thoại, thì cũng chính khoa học kỹ thuật sẽ làm cho nó trở nên “không thể bị phá hủy.”
Thực ra, hiện nay các hãng chế tạo điện thoại cầm tay đã áp dụng nhiều công nghệ mới để làm cho điện thoại ngày càng bền hơn. Samsung Galaxy S5 và IP67 đã có tính năng chống thấm nước. LG G Flex là chiếc điện thoại làm bằng vật liệu “dẻo,” không bị vỡ như kính.
Muốn có những chiếc điện thoại “không thể bị phá hủy,” ngành công nghệ vật liệu đang đi tìm những loại vật liệu mới “siêu bền” để chế tạo. Hãy cùng điểm qua một số các vật liệu được cho là rất hứa hẹn trong tương lai dành cho điện thoại:
-Samsung đang nghiên cứu một loại vật liệu mới, được cho là rất tiềm năng để làm màn hình điện thoại cầm tay, có tên là graphene. Nói một cách đơn giản, graphene là một lớp carbon mỏng, được cấu tạo từ những nguyên tử carbon liên kết với nhau theo hai chiều. Tấm graphene là một dạng vật liệu rất nhẹ (một mét vuông chỉ nặng chưa tới 1 gram), rất bền (từ 100-300 lần hơn thép), độ dẫn điện cũng rất cao, trong suốt, đồng thời lại không thấm nước. Những tính chất này thật lý tưởng để làm màn hình điện thoại. Graphene lần đầu tiên được tìm thấy vào năm 2004. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều công ty vẫn còn đang tìm cách sản xuất chúng đại hàng loạt. Mới đây, Viện Nghiên Cứu Công Nghệ của Samsung tuyên bố đã tìm ra phương pháp căn bản để sản xuất graphene một cách đỡ tốn kém . Đây có thể là bước đột phá để có được những chiếc điện thoại không bị vỡ. Tuy nhiên, thời điểm nào trong tương lai graphene sẽ được Samsung chính thức sử dụng cũng chưa xác định. Có thể hiện nay giá thành của nó còn quá đắt. Hơn nữa, cũng có một vài quan điểm e dè trong việc sử dụng graphene. Brown University có công bố một nghiên cứu khoa học, cho rằng kết cấu phân tử của graphene có cạnh sắc, có thể đi vào phổi và da, không tốt cho sức khỏe con người.
-Hãng Apple đang nghiên cứu đến khả năng ứng dụng loại vật liệu kính ngọc bích (sapphire glass) để làm màn hình chiếc iPhone của mình trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc một ngày gần đây màn hình của iPhone sẽ không thể vỡ và không thể trầy. Về mặt cấu tạo, kính ngọc bích không phải là kính, mà là một hình thái trong suốt của ngọc bích, một dạng vật chất có độ cứng chỉ sau kim cương. Nó có mật độ cao hơn gần gấp đôi so với Gorilla Glass, là loại kính hiện đang dùng để làm màn hình iPhone. Các chuyên gia Aero Gear đã thử nghiệm kéo lê một khối bê tông trên một tấm kính sapphire, kết quả là không có một vết trầy nào! Sự xuất hiện của kính ngọc bích có thể đe dọa thị trường của công ty Corning, hiện nay đang sở hữu công nghệ Gorilla Glass, đã cung cấp màn hình cho 2.7 tỉ chiếc điện thoại của các hãng Samsung, HTC, LG, Nokia, Motorolla... Tuy nhiên, các chuyên gia của Corning vẫn tự tin vào Gorilla Glass. Theo họ, Corning cũng đã thử nghiệm các loại vật liệu ngọc bích, tuy nhiên công ty vẫn thiên về hướng sử dụng kính. Chỉ cần tăng cường các chất phụ trợ, cải thiện cơ tính để tăng độ bền của Gorilla Glass là được. Phương án này sẽ cho giá thành rẻ hơn là sử dụng ngọc bích.
-Hãng Sonim ở miền Bắc California đang phát triển công nghệ làm thân điện thoại bằng cách đổ hai lớp nhựa vào trong một bộ khuôn. Một lớp nhựa mềm để hấp thu chấn động, đi kèm với một lớp nhựa cứng. Loại vật liệu hai lớp này sẽ giúp cho chiếc điện thoại vừa nhẹ, mà lại rất bền.
-Một trong những hướng đi khác, là tạo ra những chiếc vỏ thật bền để bảo vệ điện thoại. Một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này là OtterBox. Công ty hiện nay đang sáng chế ra những chiếc vỏ siêu bền, bảo vệ cho những loại điện thoại thông dụng theo hai hướng: chống rơi (Defender series) và chống thấm nước (Preserve series). Các chuyên gia của Otterbox quan niệm rằng hãy để chiếc vỏ có những đặc điểm “siêu bền” để bảo vệ chiếc điện thoại, thay vì phải chế tạo ra những chiếc điện thoại “siêu bền.” Tuy nhiên, phương án này cũng có những nhược điểm. Đầu tiên là những chiếc vỏ siêu bền này có giá vẫn còn đắt, gần $100 một chiếc. Thứ hai, những chiếc điện thoại có thân kim loại mạ vàng và bạc thật đẹp mắt, mà lại bị lớp vỏ bảo vệ che đi thì thật là kém thẩm mỹ và... phí của!
Nói tóm lại, những chiếc điện thoại thông minh “không thể bị phá hủy” không phải là một ước mơ xa xôi đối với người tiêu dùng. Ngành công nghệ vật liệu mới đã có nhiều giải pháp để thực hiện. Vấn đề còn lại có thể là giá thành. Và quan trọng hơn nữa, là liệu các nhà sản xuất điện thoại có thực sự muốn chế tạo ra những chiếc điện thoại siêu bền như vậy không? Ở thời đại chủ nghĩa tiêu thụ vẫn còn chiếm ưu thế, và công nghệ mới cho ra đời liên tục những sản phẩm mới như ở Mỹ hiện nay, rất có thể những chiếc phone “không thể bị phá hủy” không phải là ưu tiên hàng đầu của các hãng sản xuất điện thoại.
Sỹ Tâm 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét