Khu tưởng niệm hoà bình Hiroshima - Nhật Bản
Ngô Nhân Dụng
Giáo
Sư Kawaguchi hỏi tôi có đọc tin Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đến thăm đài
kỷ niệm ở Hiroshima chưa? Ðây là tin thời sự duy nhất được ông nhắc tới
trong cả bữa cơm tối ở Tokyo. Báo, đài ở Nhật rất chú ý đến hành động
tượng trưng này. Quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới do máy bay Mỹ
thả xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945, 200 ngàn người Nhật chết.
Nhiều sử gia nhận xét rằng nếu không bị hai trái bom nguyên tử thì nước
Nhật chắc không đầu hàng sớm. Chiến tranh sẽ tiếp diễn hàng năm nữa,
hàng triệu người Nhật và quân Mỹ sẽ chết. Quân Nhật sẽ còn chiếm đóng
Trung Quốc, Việt Nam, Miến Ðiện, Malaysia, vân vân, và hàng triệu người
dân các nước đó có thể sẽ chết oan vì bom đạn, vì đói và bệnh dịch.
Khi đứng trước những đài kỷ niệm ở Hiroshima, tôi cũng thầm cảm ơn
các nạn nhân ở đó, mỗi người chết thay cho mươi người khác, trong đó
chắc có tôi. Dân Hiroshima không được chọn; cái chết bất ngờ tự trên
trời rớt xuống. Trái bom nổ cách mặt đất mấy trăm mét, cây cầu Tương
Sinh bay tung lên như chiếc lá, người ta còn ghi trên tấm bia. Người ra
lệnh thả bom và viên phi công thi hành cũng không biết những người chết
là ai. Chiến tranh là một nghiệp báo chung, loài người lôi kéo nhau vào
trong cái guồng máy chém giết, người này chết để cho người khác sống.
Người Nhật và người Mỹ còn đang nhìn lại và suy nghĩ về cái nghiệp họ
cùng trải qua.
Trong lịch sử loài người, nhiều cuộc chiến tranh được chấm dứt, hoặc
có thể tránh được nếu người ta dám hành động một cách quyết liệt. Tôi kể
lại cho Giáo Sư Kawaguchi và cháu Aki Tanaka nghe về cuộc xâm lăng của
quân nhà Tống, vào đời nhà Lý ở Việt Nam. Mấy trăm ngàn quân Tống kéo
sang, vua, tướng, và quân, dân Việt Nam nhất định kháng cự. Quân Ðại
Việt lập đồn phòng thủ, quân hai bên gờm nhau hai trên hai bờ sông Như
Nguyệt. Cuối cùng, quân Tống phải rút về sau vài trận đụng độ, vì lính
của họ mắc bệnh chết nhiều quá. Nếu vua Lý Nhân Tông và Lý Thường Kiệt
run sợ, thì chắc quân Tống đã chiếm được nước ta rồi.
Trong suốt lịch sử nước ta, người Việt đã kháng cự được âm mưu đồng
hóa và các cuộc xâm lăng của vua quan Trung Quốc nhờ dân ta sống ở
phương Nam, người Hán phương Bắc không chịu được thời tiết, khí hậu; họ
bó tay trước sức tấn công của các loài vi khuẩn và bệnh tật mới lạ.
Thiên nhiên là đồng minh lớn nhất của dân tộc mình, giới lãnh đạo người
Việt biết như vậy. Và họ luôn luôn sử dụng sức hỗ trợ của các đồng minh
đó. Vì nhìn trên bản đồ, dân tộc Việt thấy chỉ có một cường quốc duy
nhất “ở trên đầu” mình. Nước Ðại Việt cô đơn hoàn toàn, chung quanh
không có một quốc gia nào đủ sức giúp mình chống lại các đạo quân Hán,
Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Ngược lại, các ông vua nhà Nguyên, nhà
Thanh còn tìm cách liên kết với các vua chúa Chiêm Thành, Chân Lạp để
cô lập dân Việt.
Trong thế kỷ 21 này, người Việt Nam không thể nương tựa vào các “đồng
minh cũ” được nữa. Nếu xâm lăng Việt Nam, quân Trung Quốc có thể vượt
qua các chướng ngại như “lam sơn, chướng khí” và các loài vi khuẩn.
Nhưng ngược lại, dân tộc Việt bây giờ cũng không còn một mình phải
chống chọi với tất cả sức nặng của hơn một tỷ người Trung Hoa nữa. Tất
cả thế giới liên hệ với nhau trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, rút dây
thì động rừng, khu rừng lan rộng khắp mặt địa cầu.
Vì vậy, trong Hội Nghị G-7 của bảy cường quốc kinh tế, ngoại trưởng
cả bảy nước đã lên tiếng cảnh cáo Trung Cộng về vấn đề an toàn tại Biển
Ðông. Bản tuyên bố chung G-7 viết: “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất cứ
hành động đe dọa, ức hiếp hay khiêu khích đơn phương nào có thể thay đổi
nguyên trạng và làm tình hình căng thẳng hơn.”
Những hành động đe dọa, ức hiếp, khiêu khích nhắm vào nước nào, ngoài
Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia? Bản văn còn nói cụ thể,
rõ ràng hơn, kêu gọi “tất cả các nước” ngưng những hành động “bồi đắp
đảo nhân tạo,... xây dựng tiền đồn và sử dụng chúng cho các mục đích
quân sự,...” Nói “tất cả các nước” nhưng ai cũng hiểu bảy vị ngoại
trưởng nhắm vào chính quyền Cộng Sản Trung Quốc.
Thủ Tướng Nhật Shinzō
Abe và ngoại trưởng Fumio Kishida đã thành công khi đòi ghi vấn đề Biển
Ðông nước ta vào nghị trình cuộc họp G-7 năm nay. Bắc Kinh đã công khai
phản đối việc bảy nước đem vấn đề này ra thảo luận. Trong cuộc họp tại
thành phố Lubeck, nước Ðức năm 2015, bảy quốc gia chỉ nhắc tới quy tắc
“tự do hàng hải” mà không ám chỉ đến các hành động “đe dọa, ức hiếp,
khiêu khích” của Trung Cộng ở Ðông Nam Á. Năm ngoái, các nước Châu Âu
vẫn còn dè dặt không muốn dính líu tới các xung đột ở vùng biển xa xôi
này. Nhưng năm nay hai ông Abe và Kishida đã cương quyết không lùi bước,
và sau cùng họ thành công. Mỹ, Nhật Bản và các nước Châu Âu đã “leo
thang” thêm một bước bằng hành động cảnh cáo mới nhắm thẳng vào chính
quyền Trung Cộng.
Các nước Châu Âu đã chấp nhận tiến một bước mạnh hơn vì những hành
động vi phạm luật biển quốc tế của Trung Cộng, hiển nhiên âm mưu quân sự
hóa vùng “lưỡi bò” của họ. Họ còn được cả Mỹ lẫn Nhật Bản thúc đẩy,
bằng hành động. Mỹ đã kêu gọi các nước khác tăng cường việc tuần thám ở
Biển Ðông. Nhật Bản công khai hỗ trợ các nước Ðông Nam Á bảo vệ chủ
quyền trên biển.
Nguyên nhân chính khiến các cường quốc dấn thân mạnh hơn vào trong khu vực đầy xung đột này là kinh tế.
Trung Cộng không phải là một đe dọa quân sự đối với các cường quốc
G-7. Nhưng nếu Trung Cộng kiềm chế được các nước Ðông Nam Á và đóng vai
“bá chủ” trong vùng biển này, thì kinh tế cả Mỹ, Nhật, Ấn Ðộ, và Châu Âu
cũng lệ thuộc vào chính sách của Bắc Kinh. Trên thế giới ngày nay,
không một nước nào, kể cả các quốc gia “nhỏ” như Singapore, Malaysia,
Indonesia, chấp nhận để một cường quốc xưng hùng xưng bá kiểm soát quyền
giao thương và quyền sống của nước mình.
Năm 1941, chính quyền quân phiệt Nhật Bản quyết định bất ngờ tấn công
hạm đội Mỹ tại Cảng Trân Châu sau khi hải quân Anh, Mỹ phong tỏa vùng
biển Ðông Nam Á, ngăn đường tiếp tế nguyên liệu và dầu lửa, kinh tế Nhật
bị tắc nghẽn. Muốn tránh một cuộc chiến tranh Châu Á trong thế kỷ 21,
muốn tránh không xảy ra những vụ Hiroshima mới, cả thế giới phải góp tay
ngăn chặn ý định xưng hùng xưng bá bằng Ðường Lưỡi Bò, Ðường Chữ U, hay
“Cửu Ðoạn Tuyến” của đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Cuộc xâm lược của Trung Cộng diễn ra với chiến lược “cắt giò” (salami
slicing) từng khúc một, hoặc nói như Tướng Trương Thiệu Trung (Zhang
Zhaozhong, 張召忠),
đó là chiến lược “lột cải bắp” chầm chậm từng lá cải một. Nước Việt Nam
bất hạnh trở thành khúc giò đầu tiên Bắc Kinh đã và đang tiếp tục cắt.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã “dọn cỗ” sẵn cho Trung Cộng kể từ khi mời các
cố vấn Hồng Quân qua chỉ đạo chiến tranh, từ đó càng ngày càng lệ thuộc.
Chính sách ngoại giao “kết bạn đồng chí” sai lầm từ năm 1950 đã đặt dân
tộc vào tình trạng đau đớn ngày nay.
Quân nhà Tống trước đây 10 thế kỷ chỉ tấn công nước Ðại Việt. Ngày
nay Trung Cộng muốn chiếm cả vùng biển Ðông Nam Á để mở “Con đường Tơ
Lụa trên biển” sang tới Châu Âu. Năm ngoái, Trung Cộng đã được phép lập
một căn cứ quân sự ở Djibouti, cựu thuộc địa Pháp ở bờ biển bán đảo Á
Rập. Ấn Ðộ, các nước Trung Ðông, và cả Châu Âu phải lo canh phòng. Tham
vọng của các hoàng đế đỏ có giới hạn nào không?
Nước Việt Nam bây giờ đang trở thành con sông Như Nguyệt cho cả vùng
Ðông Nam Á và cho cả thế giới. Dân tộc Việt phải đóng vai Lý Thường
Kiệt. Các cường quốc cần ngăn không cho quân xâm lăng tiến qua con sông
Như Nguyệt này, bóc lá cải Việt Nam rồi bóc thêm những lá cải khác! Hội
Nghị G-7 đã công nhận sự thật đó. Phong trào “NO U” của dân Việt đang
được cả thế giới ủng hộ. Ðây là lúc dân Việt Nam phải hành động cương
quyết, mạnh mẽ hơn. Không thể chỉ tiếp tục phản đối suông nữa! Năm 2014
chính quyền Hà Nội đã phản đối vụ Hải Dương 981 hơn 40 lần, cuối cùng
đâu vẫn đó! Hiện nay chúng ta không cần các loài vi trùng, vi khuẩn giúp
“ngăn đường giặc Hán,” vì chúng ta có cả thế giới đứng sau lưng. Thắng
trong trận sông Như Nguyệt của thế kỷ 21 này, loài người sẽ tránh được
một cuộc chiến tranh thế giới mới và những vụ Hiroshima khác.
Ðiều đáng lo nhất bây giờ là những người cầm quyền ở Việt Nam hiện
nay không dám đóng vai Lý Thường Kiệt! Không ai dám đọc câu thơ “Nam
quốc san hà” cổ động toàn dân: “Ðất, Biển Việt Nam thuộc chủ quyền của
dân Việt Nam! Như mệnh trời, cả thế giới ai ai cũng công nhận!”
Ngô Nhân Dụng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét