Người dân Hà Nội biểu tình ngày 01/52016 kêu gọi bảo vệ biển sau vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung Việt Nam. REUTERS/Kham |
Khi nước biển bị ô nhiễm nặng, hậu quả nghiêm
trọng là điều khó tránh vì: thứ nhất, khó cô lập vùng ô nhiễm, thứ hai,
các phân tích của mẫu được thu thập dễ bị sai lệch, và thứ ba, chuỗi
thức ăn tự nhiên trong vùng như chim, động-thực vật dưới biển bị lây
nhiễm. Cuối cùng là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là ung
thư. Nếu có những độc chất không thể hòa tan, quá trình luân chuyển và
hậu quả có thể kéo dài đến 50 năm, theo đánh giá của một chuyên gia
Pháp, ông Jean Hetzel, khi trả lời phỏng vấn RFI.
Vụ cá biển chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền trung Việt nam
cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức, dù đã sau gần một tháng.
Giả thuyết được đưa ra nhiều nhất là nguồn nước bị nhiễm độc do nước
thải công nghiệp. Công ty Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà
Tĩnh được cho là nghi phạm chính.
Vụ việc có thể coi là một thảm họa môi trường và đã tạo nên một làn
sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Việt nam, cũng như thu hút sự quan
tâm của truyền thông quốc tế. Đứng về góc độ chuyên môn, một chuyên gia
lâu năm trong lĩnh vực môi trường của Pháp đã có những chia sẻ với RFI
Việt ngữ khi được thông tin về vụ việc. Ông Jean HETZEL, hơn 30 năm kinh
nghiệm trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững, hiện là chủ
tịch công ty tư vấn JOHANSON International và đã tham gia xử lý các thảm
họa môi trường như vụ Sandoz-sông Rhin năm 1986.
RFI : Xin chào ông Jean Hetzel, trước hết ông đánh giá
như thế nào về vụ cá chết hàng loạt bị nghi là do ô nhiễm ở vùng biển
miền trung Việt nam ?
Jean Hetzel : Vâng xin chào, tôi thấy đây là một
vụ ô nhiễm nghiêm trọng. Đã rất lâu rồi tôi mới biết một vụ ô nhiễm môi
trường như vậy, trải dài khoảng 200 km. Vụ việc xảy ra ở vùng biển thì
khá hiếm vì hiện tượng này thường xảy ra ở các vùng sông. Rõ ràng đây là
một cú sốc vì cá chết phơi bụng nhiều. Cũng không được quên các loài
rong, tảo là nguồn thức ăn của cá, khi không chịu nổi chất gây ô nhiễm
cũng sẽ chết.
Cú sốc này lớn vì hậu quả có thể là ngắn và trung hạn nhưng cũng
có thể là dài hạn, tùy thuộc vào các chất bị thải ra, có thể từ 2 đến 50
năm. Những chất có thể hòa tan trong nước thì 2-3 năm, nhưng những chất
kỵ nước thì nó sẽ còn tồn tại và tiếp tục chu trình luân chuyển.
RFI: Đứng ở góc độ chuyên môn, thì theo ông khi vụ việc vừa xảy ra, nên xử lý như thế nào ?
Jean Hetzel : Thường thì với trường hợp như thế
này thì lập tức phải thu thập mẫu vật, như là xác loài vật chết, các
loài chim trong vùng, tảo biển. Phải thực hiện biện pháp bảo vệ khẩn cấp
như là dừng các hoạt động liên quan ngành thủy hải sản, dừng đánh bắt ở
những vùng lân cận. Khó khăn lớn đối với Việt nam là vụ việc xảy ra ở
biển, rất khó dừng ô nhiễm ở biển vì nó lan nhanh xuống các tầng nước,
khi xuống tầng nước sâu thì khó tìm được dấu vết.
RFI : Ông có thể chia sẻ một kinh nghiệm của mình ?
Jean Hetzel : Ở Pháp thì cũng có những vụ ô
nhiễm nguồn nước. Tôi đã tham gia xử lý 3 vụ ô nhiễm lớn, nhất là vụ
Sandoz ở sông Rhin 1986, vụ ô nhiễm rất lớn, ảnh hưởng đến các kênh
trong vùng, lan ra biển phía Bắc, như vậy trải rộng qua Thụy Sỹ, Pháp,
Đức và Hà Lan. Người ta đã phải theo dõi hơn 5 năm để chắc rằng ô nhiễm
đã được giải quyết, mà các chất ô nhiễm ở đây thuộc nhóm đơn giản. Nếu
các chất phức tạp hơn thì thời gian chắc phải nhiều hơn.
RFI: Theo ông vì sao vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm nhiều hơn?
Jean Hetzel : Có nhiều lý do. Trước tiên là
người dân được giáo dục tốt hơn. Người ta nhận biết rằng vấn đề ô nhiễm
môi trường, nhất là các chất nguy hiểm, gây nguy hại cho sức khỏe. Người
ta đầu tư hàng tỷ đô la để nâng cao sức khỏe, nhưng ô nhiễm có thể gây
ra cái chết, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, tác động đến chuỗi thực
phẩm, ung thư v.v.. Những hậu quả do ô nhiễm được biết vì vậy người ta
cố gắng hạn chế và giảm ô nhiễm.
Vấn đề ô nhiễm quan trọng vì trong 50 năm qua, chúng ta làm
nghiên cứu rất nhiều về môi trường, vì vậy có nhiều bằng chứng khoa học.
Những đối thoại/yêu cầu về môi trường ngày càng nhiều, nhất là từ các
tổ chức phi chính phủ, đòi các cơ quan nhà nước có những giải pháp phù
hợp. Ở Pháp có chính sách riêng về nước (gồm những hoạt động hướng dẫn
và kiểm tra nguồn nước, chất lượng nước, những người có trách nhiệm kiểm
tra), về môi trường như là cảnh sát môi trường/cảnh sát nước.
RFI: Hiện nay có nhiều chủ đầu tư công nghiệp không muốn
tăng chi phí môi trường, họ cho là tốn kém. Theo ông thì điều này có ảnh
hưởng như thế nào?
Jean Hetzel : Đương nhiên là có chi phí, nhưng
không nhiều so với mạng sống của con người. Chi phí trung bình so với
tổng đầu tư nhà máy từ 5%-15% tuỳ trường hợp nhưng hiếm khi đạt mức cao
nhất, vì mức cao nhất là dành cho những trường hợp yêu cầu gắt gao, như
trong lĩnh vực hạt nhân. Chi phí đầu tư cho môi trường phải được tính là
nếu không đầu tư thì sẽ bị mất thị phần, các tập đoàn lớn ngày càng
nhạy cảm với vấn đề này nếu bị người tiêu dùng đưa vào danh sách đen. Vì
vậy cần đầu tư ngay từ đầu để tránh những thiệt hại về hình ảnh và thị
phần.
RFI: Ở những nước phát triển, như Pháp chẳng hạn, vì sao việc bảo vệ môi trường rất được ưu tiên ?
Jean Hetzel : Trước tiên là cần có cảnh sát môi
trường, để môi trường được bảo vệ tốt nhất có thể. Đó là về phía chính
phủ. Nhưng quan trọng hơn vẫn là hành động của người dân. Cụ thể là hoạt
động ở quy mô địa phương của các hội đoàn độc lập, như hội những người
đánh cá, hội những người đi săn v.v.., cũng như các tổ chức phi chính
phủ, vì các tổ chức này có chuyên môn để thúc đẩy chuyện này.
Cũng cần sự bổ sung của giới công nghiệp, vì có những công ty
chuyên xử lý, giảm ô nhiễm, ví dụ như ở Pháp có những công ty hàng đầu
về vấn đề này. Và ngày càng nhiều thông tin được cung cấp bởi giới công
nghiệp khi họ tham gia cùng các hội đoàn trong ban điều hành. Phía cơ
quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng ban hành các quy định hơn khi có sự
đồng thuận giữa người dân, các ngành công nghiệp sản xuất và các hội
đoàn, ONG. Cần hành động và cần bảo vệ môi trường.
Khánh Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét