Bà Hoàng Mỹ Uyên và con gái bị đánh khi biểu tình ở TPHCM ngày 8/5/2016.
Tương Lai
Câu hỏi ấy đang nóng bỏng trong bầu không khí ngột ngạt của những
cuộc trấn áp tàn bạo, đánh người dân, phụ nữ và trẻ em đang ôn hòa tuần
hành biểu thị thái độ trước thảm họa môi trường. Máu đã đổ.
Bà Hoàng Mỹ Uyên và con gái bị đánh khi biểu tình ở TPHCM ngày 8/5/2016.
Cảm giác oi bức, khó thở của không khí dồn nén đặc quánh với những
đám mây đen vần vũ trước cơn dông. Có một cái gì đó tựa như dư âm thuở
nào vọng lại trong “Bài ca chim báo bão” của M. Gorky: “Mây là
là buông thấp dần xuống mặt biển, mỗi lúc một u ám, và sóng biển réo
lên, vươn cao lên đón sấm. Sấm gầm vang dậy. Sủi bọt căm hờn, sóng cất
tiếng than đáp lại lời gió”. Trong tiếng than đáp lại lời gió đó
phải chăng có câu hỏi của cô giáo Lam ở Hà Tĩnh đặt ra trong bài thơ của
cô đang gây bão trên mạng:
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh…
…Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau người trước
Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu
Câu hỏi như xói sâu vào tim óc những người Việt Nam còn có một trái
tim đang đập theo nhịp thở của đất nước những ngày tồi tệ này.
Hãy nhìn vào hình ảnh trên để thấy cái nhà nước của dân, do dân và vì dân
đang đối xử với những người dân trong tay không có một tấc sắt, chỉ có
trái tim yêu nước và lòng quả cảm không khuất phục trước bạo lực! Trong
những người bị đàn áp dã man ấy có Hương Tô, một họa sĩ thiết kế, cô con
gái yêu của người bạn đáng kính đã quá cố của tôi, anh Tô Hòa, nguyên
Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, mẹ của cô cũng từng là sĩ quan công an.
Thừa kế bản lĩnh và tính cách của cha, cô nhẹ nhàng giải thich, thuyết phục những kẻ đang vây đánh cô: “Em
hiểu các anh vì nhiệm vụ mà thực thi, chỉ xin các anh nghĩ cho gia đình
mình một chút, khi cái mà các anh đang chống lại, lại là thứ đang cố
giúp các anh, còn cái mà các anh phục tùng, sẽ không mang lại cho gia
đình các anh miếng cá sạch nào để ăn đâu. Trong các anh, nếu ai quê gốc
miền Trung sẽ hiểu.”… Nhiều người trong số họ cúi mặt, rơi nước mắt (không phải mồ hôi), tôi biết lương tri họ vẫn còn. Tôi tiếp: “Vậy bây giờ vợ, con, cha mẹ các anh trong nhóm chúng tôi, các anh sẽ đánh đập chứ?”
“Đánh hết, bắt hết!!!” Một ông chú đeo mắt
kính nhìn tôi trợn mắt lên sừng sộ. Và thế là chưa đầy 10′ sau, cuộc xô
xát cực mạnh xảy ra. Chiếc xe đầu tiên trong hình tôi chụp được, mọi
người bị lôi lên ấy và đánh đập dã man sau lớp rèm được kéo kín lại. Tôi
lên chiếc xe thứ hai (hoặc ba gì đó). Khi xô xát tiếp theo xảy ra, tôi ý
thức rõ mình đang bị vây bắt chứ không phải là vô tình kéo theo. Những
tiếng lệnh “lôi nó lên xe”, “đập chết mẹ nó đi” trong đầu tôi rất rõ, dù
lúc này tôi đã bị xô ngã xuống đất, đá vào đầu, đạp vào bụng, kéo lê
trên mặt đất trong khi cánh tay các anh em khác vẫn cố giành lại tôi.
Vóc dáng nhỏ nhắn của tôi không hề khó để hai người họ quăng lên thềm xe
như bao gạo, từ lúc đó, tôi hiểu mình sắp phải đối diện với những gì”.
Công an, cảnh sát mặc sắc phục vốn để khẳng định chức
năng của người bảo vệ công lý và an toàn xã hội lại khoanh tay đứng
nhìn một bọn côn đồ khoác bộ áo xanh của lực lượng Thanh niên Xung phong
một thời cho tiện việc đâm thuê chém mướn nhằm làm nhòe bớt đi những
cam kết quốc tế về những đạo luật chống tra tấn, bạo hành đã trót ký.
Nhưng, đó là một toan tính quá dại dột. Nó chỉ phơi bày tính bạo lực tàn
khốc của một bộ máy toàn trị phản dân chủ, xem pháp luật chỉ là cái lá
nho che đậy bạo lực và trói buộc dân. Rõ ràng là, người đại diện cho
luật pháp đang công khai bảo kê cho những kẻ hung đồ thực hiện những
hành vi phạm tội giữa thanh thiên bạch nhật, cần phải xét xử theo những
điều đã ghi trong Bộ luật Hình sự.
Mỉa mai hơn, những hành vi được chỉ đạo từ bên trên
ấy được diễn ra trong lúc tất cả các phương tiện truyền thông đang mở
hết công suất, các hoạt động ồn ào của bộ máy bầu cử đang ra sức động
viên, dọa dẫm để dồn các cử tri đến các địa điểm bỏ phiếu bầu cử Quốc
hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới. Một bức tranh tương phản giữa
những khẩu hiệu “thượng tôn pháp luật”, “nâng cao ý thức luật pháp”,
“quyền và nghĩa vụ công dân” với việc đối xử dã man, trấn áp, cưỡng bức
dân đang biểu thị quyền yêu nước bảo vệ môi trường của mình, đánh đập
phụ nữ và trẻ em.
Khi cái lá nho đã rơi xuống rồi thì sự thật trần trụi
đã phơi bày ra trước “ngày hội của toàn dân”! Máu loang trên gương mặt
người phụ nữ ôm con bị đánh kia cho thấy thế nào là một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”!
Càng mỉa mai hơn nữa là sắp đến ngày giỗ của ông Võ Văn Kiệt, người rất
tự hào và hỗ trợ hết mình cho lực lượng Thanh niên Xung phong từ ngày
thành lập vào tháng 7.1975 với những thành tựu vẻ vang của nó.
Liệu ông Sáu Dân có rơi dòng nước mắt phẫn nộ cho lũ hậu duệ phản phúc
này không?
Trong nỗi đau vì bị đánh đập, cô họa sĩ thiết kế nhỏ nhắn và xinh đẹp kia vẫn tự nhủ: “Nói
thật, tôi bị thế này nhiều người xót, nhưng không hề là gì so với những
anh chị, cô chú đáng tuổi cha mẹ chúng mà đầu vẫn tuôn máu ướt vai áo,
mũi vẫn xịt máu ra vì ăn đấm, và doạ giết. Nhưng quan trọng hơn hết, là
qua những tiếng đồng hồ dài lê thê ở Hoa Lư, chứng kiến những sự “chuyên
nghiệp” và “thân ái”, “hết mình vì dân” kia, tôi dù đau nhưng vẫn bình
thản. Tôi không muốn khóc cho đất nước tôi, đồng bào tôi lúc ấy mà tôi
chỉ cười: “không là gì so với những anh chị, cô chú đáng tuổi cha mẹ chúng mà đầu vẫn tuôn máu ướt vai áo, mũi
vẫn xịt máu ra vì ăn đấm, và doạ giết. Bởi có đi, có trải, có chứng
kiến, tôi mới có thêm cái quyền tự hào về người cha quá cố của mình, và
tôi dám khẳng định một điều rõ như ban ngày với người dân Việt Nam rằng,
bạo lực không gì khác chính là bằng chứng của sự sợ hãi, bất lực và
đuối lý”.
Cô gái ấy tự nghĩ với nụ cười thoảng qua trong óc: “Có đi, có trải”.
Chính câu nói dung dị ấy của Tô Hương đã rũ bỏ bớt những dằn vặt trong đầu tôi: lớp trẻ sẽ biết phải làm gì.
Oái oăm thay, đây lại chính là một câu nói của F. Engels mà người viết
bài này thường dẫn ra để tấn công vào lũ giáo điều đang ngoan cố bám giữ
cái lý luận về ý thức hệ đã quá lỗi thời, trở thành vật cản của sự phát
triển, kìm đất nước trong vòng tăm tối, lạc hậu, dẫn đến sự băng hoại
như hôm nay dưới triều đại của những Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng…: “một
thế hệ mới sẽ lớn lên… Khi những con người như thế xuất hiện,
họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay
họ phải làm: họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào”*.
Và trong những ngày nóng bỏng này, thế hệ trẻ đang
chứng minh một cách thuyết phục cho tôi, một lão già ngoại tuổi 80 rằng,
họ đang “tự biết cần phải làm như thế nào” một cách thật sinh động, muôn hình muôn vẻ, đầy sáng tạo.
Thì đây, hãy nhìn vào tấm hình này:
Đây là hình ảnh của cô Hoàng Minh Hồng, sinh ra vào
những ngày Mỹ ném bom Khâm Thiên 12-1972, nhỉnh hơn tuổi con gái út tôi
một chút. Minh Hồng đã hai lần thám hiểm Nam Cực. Từng làm Đại sứ thiện
chí của UNESCO tại Việt Nam và Đại diện Quỹ bảo vệ Động vật hoang dã
(WWF) tại Việt Nam. Xin chép ra đây một đoạn cô đã đưa lên mạng: “Sáng
nay, tham gia đoàn biểu tình, phần lớn thời gian là mình đứng ngoài mặt
tiền của đám người, sát vào hàng rào các anh xanh lá. (Nguyên nhân chủ
yếu cũng là vì chịu nóng kém, đứng phía ngoài cho mát. Với lại lùn, đứng
bên trong thì không được lên báo). Nên mình có rất nhiều cơ hội giao
lưu với các anh xanh lá. Thực ra thì là các em thôi, nhiều em trẻ lắm,
mặt búng ra sữa.
Các em à, hồi chị đã đi Nam Cực thì các em vẫn còn
đóng bỉm hoặc cùng lắm thì mới vào lớp 1. Chị biết là mấy chuyện ba la
bô lô của chị vừa nãy về môi trường, chưa vào đầu các em ngay đâu. Chỉ
mong các em hiểu đơn giản là, môi trường là cái tác động lên chính cuộc
sống của các em đó. Các em mà bắt chị và những người đấu tranh vì môi
trường như bọn chị, thì các em và con các em chỉ có hít đi-ô-xit các-bon
và ăn thực phẩm bị nhiễm độc và uống nguồn nước bị nhiễm độc mà chết
thôi… Nói chung là mình nghĩ các ẻm cũng như lũ nhân viên nhà
mình, bị sếp bắt làm gì thì phải làm nấy thôi, chắc cũng chẳng vui thích
gì cái công việc này. Nên mình cũng thương, nên mình mới bắt chuyện,
lại còn seo phi với các ẻm nữa.
Thế rồi đến lúc hỗn loạn xô xát, các em đột nhiên
trở nên hung bạo. Các em chỉ thẳng vào mình: “Bắt lấy con này”. Rồi các
ẻm lôi xềnh xệch mình ra xe. Nhưng kinh sợ hơn khi mình thấy bọn chúng
bắt cả mấy đứa trẻ đi cùng mình…”. Chính vì thế mà cô biểu tỏ thái độ rất rành mạch: “Nỗi sợ sẽ chính là cái sẽ làm ta đầu hàng, chứ không phải là sự hung bạo của kẻ thù”.
Và thế hệ trẻ đã vượt qua nỗi sợ bởi chính những hành
động thú tính, mất tính người, vung bàn tay vấy máu đấm vào đầu vào mặt
phụ nữ và trẻ em. Phạm Thanh Nghiên, người phụ nữ nhỏ nhắn, gầy yếu đã
bị công an đánh vào đầu, chị viết trên facebook: “Không hiểu sao nó toàn nhắm vào đầu mà đánh!”.
Phải chăng đây là ngón đòn đã được “tập huấn” kỹ lưỡng: đánh không để
lại dấu vết nhưng hoàn toàn có thể khiến nội thương trầm trọng, vì thế
mà tập trung đánh vào vùng mặt, vừa để dằn mặt vừa không để lại dấu vết
nội thương nhưng vẫn có thể dẫn đến thương vong. Phải chăng vì thế mà
một phụ nữ bế con gái bị đấm và cả bị đá vào mặt đúng vào “Ngày của Mẹ”!
Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết về nỗi đau này như sau: “Thành
phố bị vây chặt trong Ngày của Mẹ. Một Ngày của Mẹ đẫm máu đáng nhớ
trong ký ức của những người yêu tự do. Những người đàn bà bị chà đạp
trong tiếng reo hò của nắm đấm và của đoàn diễu hành lưỡi nhọn: những kẻ
hèn nhát và đê tiện luôn cầm loa nói át đi sự thật, nhưng không bao giờ
dám tự cật vấn về cuộc đời sâu bọ mà họ đang mang là loại sự thật gì”.
Người ta đang giải khát bằng thuốc độc với những giải pháp mất nhân tính đối với dân.
Nhưng, sự mất nhân tính thường không rơi vào dạng
tuyệt đối một chiều. Bởi xét cho cùng, trong đáy sâu của lương tri, khi
con người tự ngẫm về những hành vi thú tính của mình sau khi đã mơ hồ
dần dần hiểu ra được, thật ra mình chỉ là công cụ cho một thế lực bạo
quyền muốn bảo vệ cái ghế quyền lực gắn liền với lợi ích của chúng, lúc
ấy, khả năng tự phản tỉnh vốn tiềm ẩn có thể trỗi dậy. Đây không là một
mong mỏi đậm màu sắc ảo tưởng. Sẽ quá dài cho bài viết phải dẫn ra đây
những sự kiện xoay quanh chuyện Bức tường Berlin sụp đổ năm 1990 với
những bài phân tích sâu sắc trên báo chí Đức và nhiều tờ báo danh tiếng
trên thế giới những ngày ấy viết về chuyện những kẻ từng được lệnh xả
súng vào những người vượt bức tường dần dần run tay đặt trên cò súng. Và
rồi đến một ngày đầy phấn khích, họ khoác súng hòa vào dòng người trào
lên như nước vỡ bờ. Bức tường oan nghiệt bị đập tan bởi cả hai dòng
người trước đây đứng đối lập với nhau.
Chuyện này không có gì khó hiểu cả. Trong một bài “Mênh mông thế sự” trước đây, người đang viết bài này đã nói khá kỹ về bức tường ý thức hệ oan nghiệt do chính tay ta xây nên để rồi tự nhốt mình, nhốt đất nước mình, nhân dân mình vào trong đó
suốt hơn nửa thế kỷ. Búc tường đó phải được chọc thủng và đạp đổ một
cách ôn hòa và tự nguyện bới chính những người đã xây nó lên. Đó là một
tất yếu, không sớm thì muộn phải xảy ra.
Trên mạng đang lưu hành phổ biến một tấm hình của một sát thủ đeo khẩu trang với những dòng “tâm sự nhắn gửi”: Anh
đang chống lại những người muốn bảo vệ cho anh và gia đình anh. Anh
chống lại lương tâm con người. Anh đang chống lại những người tử tế. Anh
đang chống lại vợ con anh, cha mẹ anh… Không ai nhận ra gương mặt anh
nhưng chính anh nhìn vào gương và nhìn thấy rõ mặt của anh, một gương
mặt đáng sợ. Vợ anh sẽ thấy sợ cái mặt phía sau chiếc khẩu trang. Con
anh sẽ ám ảnh gương mặt đáng sợ của anh sau lớp khẩu trang. Anh đang
mang một gương mặt mà anh giấu hết mọi người bởi lẽ anh đang làm một
công việc xấu xa, đê hèn và nhục nhã…Anh muốn giấu nhưng không thể giấu
được dù anh có mang bao nhiêu lớp khẩu trang. Từ nay trở đi, dù có hay
không có khẩu trang anh cũng đã đeo lên mặt một gương mặt đáng sợ nhất,
gương mặt của bạo tàn, của kẻ giết chết lương tri”.
Riêng tôi, tôi vẫn tin rằng, rồi người đeo khẩu trang
kia, sau những ngày ăn nhậu, uống bia tràn ly đến say mèm cuối buổi thi
hành công vụ, lúc tỉnh lại bỗng mơ hồ cảm thấy mình bị lừa để chỉ là
một con rô bốt vô hồn đi đâm chém, đánh đập người. Bỗng mang máng nhớ
lại sự kết thúc thân phận Chí Phèo trong truyện ngắn nổi tiếng của Nam
Cao:
“Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng tức
quá, càng uống càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ơi, buồn! Hơi rượu không sặc
sụa… Hắn ôm mặt khóc rung rức. Rồi lại uống. Hắn ra đi với một con dao ở
thắt lưng. Hắn lảm nhảm: “Tao phải đâm chết nó!”… Trời nắng lắm, nên
đường vắng. Hắn cứ đi, cứ chửi, cứ dọa giết “nó”, và cứ đi. Bây giờ đến
ngõ nhà cụ Bá. Hắn xông xông đi vào…
“Hắn dõng dạc: - Tao muốn làm người lương thiện!
Bá Kiến cười ha hả:
- Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.
Hắn lắc đầu:
- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào
cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người
lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách… biết không! Chỉ có một
cách là… cái này biết không?
Hắn rút dao ra xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy,
Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo
vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ người
ta vội đến. Bởi thế khi người ta đến thì hắn cũng đang giẫy đành đạch ở
giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn
nói, nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra.”
Có lẽ phải dừng lại đây thôi. Ngoài cửa, vẫn có những
người “không đeo khẩu trang” đang mẫn cán túc trực thật và cũng đầy dữ
dằn hăm dọa. Có thể họ cố dằn mặt lão già 80 tuổi, quyết dập tắt nỗi
khao khát được có mặt trong buổi biểu tình của lớp trẻ hôm nay,
15.5.2016. Nhưng có lẽ cũng phải cám ơn họ vì nhờ có sự canh giữ một
cách thô bạo và rất chi là tôn trọng “nhân quyền” theo kiểu “dân chủ đến thế là cùng”
của Nguyễn Phú Trọng mà người ngồi viết không phải tiếp bạn đến chơi!
Ai còn muốn đến chơi lúc ngột ngạt khó thở vì sặc mùi “nhân quyền” này!
Nhờ vậy mới xong kịp bài viết để đưa lên mạng thay vì
như một phụ nữ tọa kháng tại Nhà Văn hóa Học sinh Sinh viên ở hồ Thiền
Quang, Hà Nội chiều hôm qua 14.5.2016 với khẩu hiệu: “Cứ đánh vào mặt tôi đi nếu muốn, nhưng hãy trả biển và quyền làm người cho dân”.
Sài Gòn 19g15 ngày 15.5.2016
T. L.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét