Hình minh
họa
|
Việt
Hoàng
“…Liên minh trong từng
giai đoạn và tùy theo tình thế là điều có thể và cần thiết nhưng kết hợp lại và
thống nhất với nhau thành một tổ chức là điều không tưởng và không nên. Tổ chức
đó sớm muộn gì cũng tan vỡ…”
Thảm họa nghiêm trọng về
môi trường biển tại miền Trung xảy ra từ hôm 6/4/2016 đến nay vẫn chưa có câu
trả lời thỏa đáng từ phía chính quyền Việt Nam (VN).
Người dân VN vì lo lắng
cho môi trường sống và nguồn thức ăn của mình trong hiện tại lẫn cả tương lai
nên đã bức xúc xuống đường biểu tình trong suốt ba ngày chủ nhật vừa qua (1/5,
8/5 và 15/5).
Cuộc biểu tình ngày 15/5
đã bị dập tắt từ trong trứng nước với các biện pháp mạnh tay của chính quyền. Và
để dọn đường cho các hành động trấn áp đó chính quyền đã vu cáo rằng tổ chức
Việt Tân đứng đằng sau giật dây và tổ chức chi tiền cho các cuộc biểu
tình.
Tất nhiên đây là hành
động “gắp lửa bỏ tay người”, vu khống cho tổ chức Việt Tân và chứng tỏ sự lúng
túng, bất lực trong việc giải quyết hậu quả vụ khủng hoảng của chính quyền VN.
Hành động này cũng đã xúc phạm đến tất cả những người tham gia biểu tình trong
đó có nhiều tầng lớp khác nhau từ dân oan đến trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã ra một tuyên bố phản đối rất rõ ràng và đanh
thép.
Đảng Việt Tân cũng đã lên
tiếng bác bỏ sự vu khống này.
Nhân vụ việc này chúng
tôi muốn đề cập đến một khái niệm rất cần thiết cho mọi người VN đặc biệt là với
chính quyền VN và giới trí thức VN đó là chúng ta hiểu như thế nào về các tổ
chức chính trị đối lập? Theo ý kiến chủ quan của cá nhân người viết thì vẫn còn
nhiều người chưa hiểu đúng về vai trò, chức năng và trách nhiệm của các “tổ chức
chính trị dân chủ đối lập” (gọi tắt là các “tổ chức đối
lập”).
Cho đến tận bây giờ, tại
VN các sinh hoạt chính trị bình thường như đa số các nước dân chủ khác trên thế
giới vẫn chưa có được. Vai trò của các tổ chức đối lập vẫn chưa được nhìn nhận
một cách đúng đắn và lành mạnh. Trước năm 1975 tại miền Nam VN, dưới chính thể
Việt Nam Cộng Hòa thì vai trò của các tổ chức đối lập tuy được nhìn nhận chính
thức nhưng vì chiến tranh nên đã bị hạn chế và cản trở tối đa. Từ năm 1975 cho
đến nay thì các tổ chức đối lập bị cấm đoán hoàn toàn tại VN. Chỉ có một đảng
chính trị duy nhất được phép hoạt động và cầm quyền đó là đảng cộng sản VN
(ĐCSVN).
Chính vì chưa được sống
trong môi trường dân chủ và vì các đảng đối lập chưa được hoạt động và cạnh
tranh lành mạnh với nhau nên không phải ai cũng hiểu đúng về sứ mệnh của các tổ
chức này.
Đầu tiên thế nào là một
tổ chức chính trị? Hiểu một cách đơn giản nhất thì “Một tổ chức chính trị là tập
hợp của những người cùng theo đuổi một lý tưởng chung và cùng muốn thay đổi xã
hội theo lý tưởng chung đó”. Xã hội vốn đa nguyên vì vậy các suy nghĩ và mong
muốn của con người luôn khác nhau cho nên không thể có chuyện “nhất nguyên”
trong tư tưởng. Mãi mãi sẽ là như vậy. Hiểu được điều này để chúng ta nhận ra
một điều là không thể có chuyện “các tổ chức đối lập sát nhập lại với nhau thành
một tổ chức”. Liên minh trong từng giai đoạn và tùy theo tình thế là điều có thể
và cần thiết nhưng kết hợp lại và thống nhất với nhau thành một tổ chức là điều
không tưởng và không nên. Tổ chức đó sớm muộn gì cũng tan
vỡ.
Mỗi một tổ chức đối lập
đều có một tư tưởng, đường lối và cách thức hoạt động của riêng mình. Chúng ta
cần tôn trọng sự lựa chọn của các tổ chức. Khi VN có dân chủ thì tất cả các tổ
chức đối lập đều phải “thi cử” và “giám khảo” chính là người dân VN. Một cuộc
bầu cử tự do, dân chủ và công bằng sẽ được tổ chức và giám sát chặt chẽ để người
dân VN chọn lựa và ủy thác quyền điều hành đất nước cho một tổ chức chính trị mà
họ ưng ý nhất.
Với ĐCSVN thì họ luôn xem
các tổ chức đối lập là “kẻ thù” và cần phải tiêu diệt từ trong trứng nước. Tư
duy này bắt nguồn từ tư tưởng cộng sản: Cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực.
ĐCSVN xem đất nước và nhân dân VN như là một “chiến lợi phẩm” và không “chia
quyền” cho bất cứ lực lượng nào… Có thể ngày hôm nay tư duy phản động đó đã phai
nhạt nhưng vì những đặc quyền và đặc lợi mà họ có được nhờ sự “độc quyền lãnh
đạo” mang tới đã làm họ mờ mắt và quyết giữ sự toàn trị và độc tài đến
cùng.
ĐCSVN không xem các tổ
chức đối lập là cứu cánh, là gương soi cho mình mà trong trường hợp này họ đã
lợi dụng tổ chức Việt Tân như là một phương tiện để biện minh cho sự yếu kém và
bất lực của mình trong việc xử lý vụ cá chết ở miền Trung. Đảng đã dùng Việt Tân
làm con ngáo ộp hù dọa và lấy cớ để dùng vũ lực đàn áp dân chúng. Người dân VN
đã nhanh chóng lật tẩy sự lố bịch này. Kể cả khi Việt Tân công khai kêu gọi
người dân biểu tình ôn hòa thì cũng không có gì sai. Họ chỉ sai khi kêu gọi và
dùng vũ lực, khi đó chính quyền cần tìm bằng chứng và vật chứng chứ không thể vu
khống như vậy được. Hơn nữa trách nhiệm của chính quyền là tìm ra những kẻ
“khủng bố” và vô hiệu hóa chúng chứ không thể vơ đũa cả nắm. Việt Tân trở thành
“đồng minh” và cứu cánh cho ĐCSVN một cách bất đắc dĩ. Cứ có vụ việc nào khó mà
chính quyền không thể giải quyết được là đổ ngay lên đầu Việt
Tân.
Các tổ chức đối lập có
phải chịu trách nhiệm gì trong vụ cá chết và người dân biểu tình không? Xin trả
lời rằng, cho đến khi được người dân bầu chọn và trở thành đảng cầm quyền thì
các tổ chức đối lập dân chủ không phải chịu bất cứ một trách nhiệm gì về mọi vấn
đề trong cuộc sống (vì các tổ chức đối lập làm gì có phương tiện và quyền lực để
giải quyết các vấn đề xã hội và dân sinh?). Tất cả mọi trách nhiệm đều thuộc về
đảng cầm quyền. Đối lập dân chủ cũng chỉ là một "luồng dư luận" để cảnh báo và
chỉ trích những sai lầm của chính quyền. Các tổ chức đối lập giống như là một
“cái phanh” để ngăn chặn các hành động trái hiến pháp và giám sát các vi phạm
của chính quyền. Đồng thời các tổ chức đối lập cũng có trách nhiệm gây sức ép
lên chính quyền để chính quyền làm việc nhiều hơn, tốt hơn và có trách nhiệm
hơn. Nên nhớ trách nhiệm giải trình là thuộc về chính
quyền.
Đồng thời, trong một vài
trường hợp đặc biệt thì đối lập sẽ làm những việc mà chính quyền không thể làm
được vì “lý do tế nhị” ảnh hưởng đến bang giao quốc tế. Ví dụ, chính quyền VN
không thể tự đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc (vì Trung Quốc
vừa to khỏe vừa xấu tính), khi đó đối lập sẽ đứng ra làm việc này (tổ chức các
cuộc biểu tình) và Trung Quốc có muốn gây sức ép lên chính quyền VN cũng không
được vì họ có làm gì đâu? Tất cả các quốc gia dân chủ trên thế giới đều làm như
vậy, “kẻ đấm, người xoa”, “người tung kẻ hứng”. Như vậy không phải lúc nào đối
lập cũng là “kẻ thù” của chính quyền.
"Vũ khí" duy nhất của một
tổ chức đối lập dân chủ đó là "tư tưởng chính trị", cụ thể đó là những đề nghị
và những giải pháp chính trị mới thay thế cho những giải pháp cũ đã thất bại của
đảng cầm quyền. Một tổ chức đối lập mà không có tư tưởng và những giải pháp thay
thế khả thi thì đó không phải là một tổ chức chính trị đúng nghĩa. Nhiệm vụ của
một tổ chức chính trị đối lập là quảng bá và thuyết phục người dân chấp nhận Dự
Án Chính Trị của mình để được người dân lựa chọn làm đảng cầm
quyền.
Cho đến lúc được người
dân VN lựa chọn để trở thành đảng cầm quyền thì các tổ chức đối lập chỉ có thể
làm được những việc như lắng nghe và ghi nhận các ý kiến của người dân, trình
bày, giải thích cho người dân được biết các giải pháp mà tổ chức đề nghị và đưa
ra những lời hứa hẹn. Đến đây sẽ có người đặt câu hỏi “nếu chỉ hứa suông thì ai
mà chẳng hứa được? ĐCSVN còn hứa nhiều gấp trăm ngàn lần các bạn mà rồi họ có
làm đâu? Làm sao mà tin vào một tổ chức như của các bạn được?...” Xin trả lời
rằng ĐCSVN họ không hứa mà họ lừa. Khi lên nắm quyền rồi thì họ trở mặt và người
dân không làm gì được họ vì họ độc quyền lãnh đạo đất nước, họ không cho các tổ
chức đối lập hoạt động và cạnh tranh một cách lành mạnh. Trong khi đó các tổ
chức đối lập đang đấu tranh đòi dân chủ cho VN hiện nay đều ủng hộ và chấp nhận
luật chơi dân chủ, đó là bầu cử tự do, đa nguyên đa đảng, tự do báo chí và tam
quyền phân lập. Nếu một tổ chức chính trị đối lập được người dân lựa chọn làm
đảng cầm quyền mà không làm đúng những gì đã cam kết thì tổ chức đó sẽ bị mất uy
tín và phế truất.
Một tổ chức đối lập muốn
được người dân ủng hộ thì phải có một Dự Án Chính Trị như đã nói, và phải có một
đội ngũ cán bộ nòng cốt là các chính trị gia có hiểu biết, có viễn kiến, lương
thiện và yêu nước. Một tổ chức phát ngôn bừa bãi, tư duy nông cạn và có những
hành động hời hợt, không có mục đích và chiều sâu… thì sẽ không có uy tín và sẽ
không bao giờ được người dân tín nhiệm.
Một tổ chức đối lập đứng
đắn phải có uy tín và viễn kiến để thu nhận những trí thức tinh hoa chính trị
của đất nước vào tổ chức mình và ngược lại trí thức VN phải có trách nhiệm dấn
thân chính trị bằng cách hoặc là tham gia vào một tổ chức chính trị hoặc là lên
tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị mà mình thấy nghiêm túc nhất. Không có
các tổ chức chính trị đối lập thì sẽ không có dân chủ cho VN. Khi người tốt quay
lưng với chính trị thì tà trị sẽ lên ngôi.
Qua vụ cá chết ở miền
Trung vừa qua, một lần nữa người dân VN đều có thể nhận ra rằng ĐCSVN đã hoàn
toàn bất lực trong việc kiến thiết đất nước và thất bại trong việc xây dựng một
cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho người dân VN. Bất cứ một chính quyền nào muốn
tồn tại cũng phải đứng trên hai chân: Thuyết phục và khuất phục, trong đó thuyết
phục là chính còn khuất phục phải hạn chế tối đa. Ngày hôm nay ĐCSVN đã thất bại
trong việc thuyết phục người dân nên họ chỉ còn cách khuất phục người dân bằng
vũ lực. Sự đàn áp dã man những người biểu tình ôn hòa trong mấy ngày qua đã
chứng minh rõ ràng cho nhận định này.
Nếu người dân VN còn mong
muốn một tương lai cho chính mình và con cháu mình thì nhất định phải ủng hộ cho
những giải pháp khác với một tổ chức chính trị khác ngoài ĐCSVN. Chọn ai là
quyền của mỗi người nhưng đã đến lúc bắt buộc phải có sự lựa chọn. Hãy cho các
tổ chức đối lập một cơ hội. Chúng tôi cho rằng một chính quyền dân chủ chưa hoàn
thiện vẫn hơn đứt một chính quyền cộng sản, Thái Lan là một ví
dụ.
Việt
Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét