Nếu dự án khai thác boxit ở Tây Nguyên bắt đầu gây hậu quả ô nhiễm môi
trường trầm kha vào những năm 2007 nhưng tất cả đã bị cho “chìm xuồng”
một cách không thương tiếc và người dân địa phương lẫn công luận xã hội
đều phải “câm miệng,” phải mất đến gần một thập kỷ sau những nạn nhân
trực tiếp và gián tiếp của vụ “cá chết Formosa” mới vượt qua chính mình
để xuống đường phản kháng.
Việt Nam là một xã hội đã trở nên không thể tưởng tượng nổi dưới sự cai
trị của một chế độ quá nổi bật về tham nhũng nhưng lại quá vô trách
nhiệm trước vô số hậu quả môi sinh, môi trường, xã hội lẫn chính trị.
Mười năm là cái giá cho thái độ biến chuyển thật chậm về ý thức tranh
đấu để giành quyền sinh tồn của người dân.
Giờ đây, nhiều người tự hỏi và cũng là một cách tự dằn vặt mình: Nếu xã
hội Việt, người dân Việt dám bày tỏ tinh thần và hành động quyết liệt
hơn từ vụ boxit 2007 và vụ Vedan 2008, hẳn là hậu quả chết chóc đã không
biến diễn ghê gớm vào giờ phút tồn vong này tại quá nhiều địa phương.
Chìm xuồng và câm lặng
Chìm xuồng và câm lặng
Năm 2008, “Vedan giết sông Thị Vải!” - đến báo chí nhà nước cũng phải
kêu thét lên. Thế nhưng giới quan chức lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cả
trung ương vào thời điểm ấy vẫn như câm điếc trước tiếng kêu gào của
nông dân - nạn nhân. Nếu không có áp lực dư luận xã hội, báo chí và cả
tiếng lên án từ cộng đồng quốc tế, sẽ chẳng có một chút tiền bồi thường
nào được Vedan nhả ra cho các làng mạc đau khổ xung quanh nó.
Nhưng ba năm sau, vụ công ty Sonadezi Long Thành xả thải gây ô nhiễm
khủng khiếp vào năm 2011 cũng ở Đồng Nai lại ngoặt vào bóng tối vô cùng
tận. Bất chấp làn sóng dư luận lên án dữ dội, việc chủ nhân của công ty
này là một đại biểu quốc hội theo cách “bất khả xâm phạm” vào thời điểm
đó đã khiến mọi thứ thẳng cánh bốc hơi. Trước và sau, không hề có một
chút thành tâm khắc phục hậu quả của Sonadezi Long Thành cho người dân.
Cuối cùng, công luận đã phải nín lặng đầy cay đắng.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường đường thủy, rất nhiều nhà máy chôn rác
độc hại xuống đất đã biến các vùng xung quanh chúng thành mồ chôn ung
thư hàng trăm người tử vong.
Năm 2011, có 10 làng được xác định có nguồn nước ô nhiễm nhất thuộc các
tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng
Nam, Bình Định, Bình Thuận. Một thống kê có lẽ còn xa thực tế của Bộ
Khoa Học và Công Nghệ cho biết đã có tới 1,136 người chết trong vòng từ
5-20 năm do mắc các bệnh ung thư khác nhau, trong đó nơi có nhiều người
chết vì ung thư nhất là Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh
Phú Thọ, với 136 người chết trong 10 năm vì nguồn nước nhiễm chất độc
hóa học. Còn ở làng ít nhất cũng có sáu người chết. Tại làng Cờ Đỏ, xã
Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, khi điều tra có tới năm người
bị ung thư và ba người trong đó đã chết.
Thế nhưng, có một loại ung thư khác cũng di hại không kém: Đã không có
một doanh nghiệp xả thải và chôn rác độ nào bị xử lý đến nơi đến chốn.
Tình trạng hỗn quân hỗn quan như thế đã dẫn đến một hậu quả tất yếu về
bản chất “vì dân” của chế độ: Nicotex Thanh Thái.
Những tội đồ dân tộc
Vụ chôn hóa chất độc hại xuống lòng đất của công ty Nicotex Thanh Thái ở
Thanh Hóa đã bị dư luận và báo chí gọi là “tội ác” - rất gần gũi với
các điều 182 và 182a của Bộ Luật Hình Sự, nhưng chính quyền địa phương
nơi đây vẫn như trắng trợn chà đạp lên mọi nền tảng pháp luật.
Tội ác đã hiển hiện suốt từ năm 2001, từ thời điểm Nicotex Thanh Thái
bắt đầu thủ ác vào lòng đất mẹ. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu chất
thải đều chứa các chất độc cấu thành sản phẩm thuốc trừ sâu thuộc nhóm
độc II và III như Cypermethrin, Dichlorvos, Fenobucarb, Isoprothiolane,
Butachlor, Isoprocard, Dimethoat, Fenobucar. Ngoài các chỉ tiêu không có
trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật
trong đất, các chỉ tiêu còn lại đều vượt quá quy chuẩn này nhiều lần.
Thậm chí, chỉ tiêu Cypermethrin vượt quy chuẩn cho phép tới 9,276 lần.
Theo mô tả của cánh phóng viên nặng lòng với những gì sót lại của môi
trường, các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) và Yên Lâm (huyện Yên
Định) ở Thanh Hóa đã phải sống bên “kho thuốc độc” của công ty Nicotex
Thanh Thái, hằng năm phải ăn, hít thở không biết bao nhiêu hóa chất độc
hại vào người. Chính vì vậy mà con số mắc bệnh hiểm nghèo tăng lên chóng
mặt theo từng năm.
Từ nhiều năm qua, người dân đã không ngần ngại đặt cho những xã sống
quanh Công ty Nicotex là “làng ung thư.” Ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định,
trong vòng hơn 10 năm số người mắc bệnh hiểm nghèo của xã đã lên tới con
số 315 người với các bệnh như ung thư, suy giảm thần kinh, dị dạng, đẻ
non, sẩy thai... Trong đó, số người mắc bệnh ung thư đã chết lên tới 150
người.
Cũng chung cảnh “làng ung thư” như xã Yên Lâm, thôn Cò Đồm thuộc xã Cẩm
Vân chỉ có 75 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, nhưng đã có gần chục người
chết do ung thư. Còn số người đẻ non, dị dạng thì không thể đếm xuể.
Ở bất kỳ quốc gia phát triển nào, nếu một vụ thủ ác như Nicotex Thanh
Thái xảy ra, những cái chết vì ung thư sẽ là chứng cứ khủng khiếp nhất
nhằm chống lại kẻ gián tiếp giết người.
Đáng lẽ Nicotex Thanh Thái phải bị truy tố như một thước đo cho những gì
còn lại trong lương tâm các “đày tớ,” còn những “đày tớ” có chức trách
cao nhất của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa và chịu trách nhiệm trực
tiếp về môi trường phải bị bị xử lý nghiêm khắc về trách nhiệm hành
chính và cả truy cứu về trách nhiệm hình sự.
Nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện lại bị tha hóa vô cùng tận. Thái độ và hành
động quá khuất lấp của chính quyền Thanh Hóa vào thời điểm đó đã khiến
cho dư luận đặc biệt nghi vấn về những động tác bao che thủ ác của cơ
quan này dành cho Nicotex Thanh Thái.
Rốt cuộc, tất cả đều câm lặng.
Ngay cả vụ xả lũ đột ngột không báo trước của tập đoàn Điện Lực Việt Nam
(EVN) vào mùa mưa bão cuối năm 2013 mà đã “giết sống” đến năm chục mạng
người ở vùng rốn lũ một số tỉnh miền Trung, cũng hoàn toàn chìm xuồng.
Dù đây là vụ việc tiêu biểu nhất về thói vô trách nhiệm và vô cảm của
giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng không có bất cứ lãnh đạo nào của EVN và Bộ
Công Thương - cơ quan chủ quản của tập đoàn chỉ biết tăng giá điện này -
phải ra trước vành móng ngựa. Tất cả đều hoặc nghiễm nhiên đương chức,
hoặc “hạ cánh an toàn” như cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng.
Phản kháng!
Chỉ đến năm 2013, sóng phản kháng ô nhiễm môi trường mới bắt đầu bùng
nổ, sau khi sóng phản kháng của dân oan đất đai đã khởi sự từ trước đó
khoảng tám năm. Vụ doanh nghiệp Trung Quốc khai thác titan ở Ninh Thuận
gây khói bụi và ô nhiễm không chịu nổi đã khiến hàng ngàn người dân vùng
này phải tràn ra đường biểu tình. Thậm chí, đám đông biểu tình phẫn nộ
còn liều mình xô đổ cả hàng rào cảnh sát cơ động.
Cũng vào năm 2013, vụ một doanh nghiệp khai thác cát ở tỉnh Quảng Ngãi
gây ảnh hưởng đến môi sinh đã buộc đến vài ngàn người dân huyện Tư Nghĩa
tràn ra quốc lộ biểu tình. Cuộc biểu tình không khoan nhượng này kéo
dài gần một tuần lễ mà đã khiến chính quyền địa phương nơi đây phải chấp
nhận ra lệnh đình chỉ hành động khai thác cát.
Đến năm 2014 và 2015, phản kháng ô nhiễm môi trường đã thực sự trở thành
một phong trào và có tính chiều sâu. Tiêu biểu là cuộc xuống đường bảo
vệ cây xanh ở chính Hà Nội - nơi Bộ Chính Trị ngự trị.
Sang năm 2016, cuộc xuống đường của thị dân ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng,
Vũng Tàu phản kháng vụ “cá chết Formosa” đã trở thành hiện tượng đầu
tiên cho thấy ý thức người dân đô thị đã được nâng lên. “Lá lành đùm lá
rách,” “lá rách đùm lá nát,” thị dân không chỉ đấu tranh cho quyền lợi
của mình mà còn cho đồng loại của họ nơi khúc ruột miền Trung quặn siết.
Mười năm phản kháng ô nhiễm môi trường. Hệt như diễn biến lao dốc của
nền kinh tế và ngân sách quốc gia, thời điểm “Minsky hậu quả ô nhiễm” đã
và đang tương ứng với “Minsky nợ công và nợ xấu.” Tất cả đều đã tiếp
cận và bắt đầu chạm vào giới hạn của bùng vỡ hậu quả kinh tế và bùng nổ
hậu quả môi trường.
Giờ đây, chỉ bằng mắt thường, người dân cũng có thể nhận ra sẽ còn nhiều
hậu quả môi trường khốn khổ phát tác và khiến bùng cháy phản kháng xã
hội ở rất nhiều địa phương cùng đủ mọi thành phần dân chúng vào những
năm tới.
Phạm Chí Dũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét