Tưởng Năng Tiến
Nói nào ngay thì tui thương (rất)
nhiều người chớ không phải một. Phần lớn, buồn thay, đều là những
phụ nữ đã có chồng nên kể ra (đây) e không tiện lắm. Ðành chỉ nêu tên
một nhân vật mà thôi, một người cùng phái – Khổng Tử – để tránh
(phần nào) tiếng đời dị nghị!
Ông mất năm 479 (B.C.E) sau một kiếp
nhân sinh không mấy an nhàn, nếu chưa muốn nói là hơi vất vả. Ðiều an
ủi là sau khi chuyển qua từ trần thì Khổng Tử được suy tôn là Vạn
Thế Sư Biểu của dân tộc Trung Hoa
Tuy nhiên, cũng chính cái danh hiệu
lớn lao này đã khiến ông không được an giấc ngàn thu. Năm 1974 (C.E)
Khổng Tử bị đám hậu sinh hạ bệ, bêu riếu, và xỉ vả không tiếc lời
vì Chủ Tịch Mao Trạch Ðông Vĩ Ðại không thích có bất cứ một người
(Tầu) nào khác mà cũng “vĩ đại”… như mình.
Qua đến đầu thế kỷ XXI (khi khổng/khi
không) Khổng Tử lại được phục hồi, và được cử làm Ðại Sứ Văn Hoá
“để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa” ở khắp mọi nơi qua vài trăm
cái Viện Khổng Tử (VKT).
Thiệt là “nhậm trọng nhi đạo viễn.”
Tôi ngó cái trọng trách Bắc Kinh giao cho Khổng Tử mà không khỏi sinh
lòng ái ngại, và động lòng… thương cảm! Lúc còn sống, ông phải bôn ba
– đã đành. Giờ đã thác mà hồn vía cũng lông bông không
khác!
Những VKT ở Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ,
Châu Úc… làm ăn ra sao – thiệt tình – tôi hoàn toàn mù tịt. Còn ngay
tại Cambodia, nơi tôi tạm trú hơn một năm qua thì (ôi thôi) chả ra làm
sao cả. Chúng có còn hơn không, chứ chả “quảng bá” được cái con bà gì
ráo.
Ngày 14 tháng 2 năm 2015, nhật báo The
Cambodia Daily loan tin: “Spring Festival Gala a Display of China’s Soft
Power.” Xin trích vài đoạn, theo bản dịch của Hồng Thủy, để rộng
đường dư luận:
“… hôm Thứ Ba vừa qua Trung Quốc và
Campuchia đã cùng tổ chức một chương trình văn nghệ truyền hình trực tiếp
Festival Mùa Xuân tại đảo Koh Pich ở Phnom Penh. Chương trình biểu diễn nghệ
thuật hoành tráng kéo dài 2 giờ 30 phút với sự có mặt của vợ chồng Thủ tướng Hun
Sen do đài truyền hình quốc gia Campuchia và đài truyền hình tỉnh Vân Nam đồng
tổ chức…
Trung Quốc đã khẳng định vị trí là đối tác
thương mại lớn nhất của Campuchia, đồng thời cũng là nhà cung cấp viện trợ nước
ngoài hàng đầu, bơm hàng tỉ USD vào Campuchia trong 2 thập kỷ qua. Quan hệ giữa
2 nước tiếp tục được củng cố sau khi Bắc Kinh cam kết gói viện trợ 144 triệu USD
cho Campuchia vào tháng 12 năm ngoái.
Bắc Kinh đang muốn gia tăng ảnh hưởng văn
hóa của mình tại Campuchia. Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã mở
cửa tại Phnom Penh năm 2009, tính đến tháng 6/2013 đã có chi nhánh trên 13 tỉnh
thành. Mục tiêu Trung Quốc đặt ra là sẽ ‘phủ sóng’ chi nhánh viện Khổng Tử trên
tất cả 24 tỉnh thành của Campuchia.”
Hai diễn viên tỉnh Vân Nam biểu diễn một màn xiệc tại Spring Festival Gala ở Phnom Penh. (Siv Channa/The Cambodia Daily) |
Tôi sợ rằng những người thực hiện
chương trình Festival Gala (kể trên) đã có chút hiểu lầm giữa xiệc Tầu
và văn hoá Trung Hoa. Gánh xiệc Vân Nam tuy có làm khán giả trầm trồ
qua nhiều màn biểu diễn ngoạn mục nhưng chắc không để lại ấn tượng
gì sâu đậm, nếu so với vô số dịch vụ thiết thực hơn mà những cơ quan
từ thiện (từ nước ngoài) đã mang lại cho dân chúng
Cambodia.
Tuy Trung Cộng “là đối tác thương mại lớn
nhất của Campuchia” nhưng đây không phải là quốc gia duy nhất hiện có mặt
tại Xứ Chùa Tháp. Chính phủ Hunsen rộng cửa chào đón tất cả những
cơ quan thiện nguyện đến với đất nước của họ.
Bởi vậy, cũng như Bangladesh, Cambodia
được mệnh danh là Thiên Ðường Của NGO (Paradise of NGO) với sự hiện
diện của 3,500 Tổ Chức Phi Chính Phủ. Theo tường trình của CCC
(Cooperation Committee for Cambodia) thì có khoảng từ hai mươi đến ba mươi
phần trăm dân chúng được hưởng những lợi ích trực tiếp từ những cơ
quan thiện nguyện này.
Tôi không tin rằng mấy chục cái VKT
nhận ngân sách, và chỉ thị, từ Bắc Kinh có thể thực hiện được một
phần mười những thành quả tương tự ở Cambodia. Ngay ở lãnh vực tương
đối giản dị, giảng dậy tiếng Hoa, họ cũng chả làm được “trò/trống”
gì đáng kể.
Ở Phnom Penh, có hàng trăm trường học
quốc tế (British International School, Canadian International School,
Western International School, Northbridge International School…) ở rất
nhiều nơi nhưng không nơi nào giảng dậy tiếng Tầu. Người Miên, chớ đâu
phải người điên mà đi học tiếng Hoa, mấy cha?
Có hàng trăm
trường học quốc tế ở Phnom
Penh
NGO không chỉ có mặt ở Thủ Ðô hay
những thành phố lớn. Tôi nhìn thấy nhân viên của họ lẽo đẽo trên mọi
nẻo đường quê, hay len lách khắp sông rạch và chòm xóm giữa Biển Hồ,
bất kể vào mùa khô hay mùa nước nổi.
Có bữa, sau khi xem mấy bức ảnh (của
nhiếp ảnh gia NgyThanh) chụp cảnh trẻ con Kampuchea tại núi rác Stung
Meanchey, tôi nẩy ra cái ý định là phải ghé qua một bãi rác nào đó
(ở ngay Phnom Penh) để nhìn cho tận mắt. Ðến nơi, tôi dặn taxi trở lại
đón sau chừng vài tiếng, rồi đeo máy hình hăm hở xuống xe. Cửa vừa
mở là tôi đã oẹ liền vì không khí nồng nặc mùi hôi
thối.
Tôi chui lại ngay vào xe, đưa tay ra
dấu cho tài xế chạy liền tức khắc. May mà tôi không có thói quen ăn
sáng nên chưa đến nỗi làm bẩn xe của người ta.
Ảnh: NgyThanh |
Vậy mà mỗi ngày nhân viên của cơ quan
thiện nguyện PSE (Pour un Sourire d’Enfant, Một Nụ Cười Cho Trẻ Thơ) vẫn
đều đặn mang đến bãi rác Stung Meanchey 250-300 phần ăn cho những đứa
bé sinh sống ở nơi đây – kể cả sáng cuối tuần. Ngoài bữa điểm tâm,
PSE còn cử hai vị bác sĩ làm việc tại chỗ để chăm sóc những vết
cắt, vết đâm, vết trầy hay ghẻ lở trên da thịt của lũ trẻ
thơ.
“Bởi không có thuốc men gì cả, tôi thấy
một bà bác sĩ đành chỉ biết ôm ấp và an ủi các cháu bé, bằng tất cả tình cảm
hào phóng của mình. In the absence of medicine, I observed one doctor prescribe
hugs, which she gave out in liberal doses” – theo như nguyên văn lời tường
thuật của một phóng viên, đọc được qua trang Tales of
Asia.
Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể chi
hàng tỉ Mỹ Kim cho 24 Viện Khổng Tử (ở Cambodia) để đổi lại những
tràng pháo tay của giới qúi tộc và quan chức đất nước này, sau những
màn xiệc Tầu ngoạn mục. Tuy thế, họ không thể mang đến bãi rác Stung
Meanchey một vòng tay thân ái hay một nụ cười (giản dị) chỉ vì họ
không thể cho cái mà mình không có.
Ảnh: NgyThanh |
Cũng thế, cũng có thể nói mà không
sợ mang tiếng cường điệu rằng Trung Cộng không thể sử dụng quyền lực
mềm của họ (ở bất cứ nơi đâu) giản dị chỉ vì họ không có thứ quyền
lực đó. Chút “credit” (Nhân/ Nghĩa/ Lễ/ Trí/ Tín) của Ðại Sứ Văn Hoá
Khổng Phu Tử, cùng toàn bộ Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho Giáo làm sao che
lấp được vô số những hành vi vô văn hóa mà hàng triệu người Tầu vẫn
phô diễn – hàng ngày – ở khắp mọi nơi:
– Khách Trung Quốc cãi lộn om sòm tại sân
bay Nhật Bản
– Khách Trung Quốc dọa giết hướng dẫn viên
vì chỗ ngồi trên xe
– Du khách Trung Quốc cho trẻ đại tiện nơi
công cộng khiến người dân bất bình.
– Du khách Trung Quốc trộm điện thoại đồng
hương
– Thái Lan hướng dẫn cư xử văn minh cho
khách Trung Quốc
– Nữ hoàng Anh nói quan chức TQ ‘thô
lỗ’
– Kinh hoàng cảnh du khách Trung Quốc ăn
buffet ở Thái Lan
Du khách Trung Hoa
cho trẻ đại tiện nơi công cộng – nguồn baomoi.me
Kiểu ăn “buffet”
của du khách Trung Hoa. Ảnh:
VTC
Trung Cộng không phải là Trung Hoa. Cố
tráo (trở) giữa Văn Minh Trung Hoa với Văn Minh Trung Cộng là một cố
gắng vô vọng. Ép Khổng Tử phải làm cán bộ tuyên truyền cho cái thứ
“Văn Hoá Cộng Sản” thì rõ ràng là đã biến ông thành một kẻ lố bịch
và rất đáng thương. Tôi thương ông lắm!
Tưởng Năng Tiến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét