Cá nục đông lạnh nhiễm độc trong kho của Vựa cá Dũng Thuộc tại khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị hôm 10/6/2016. |
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
Cá nục nhiễm phenol là vấn đề gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua.
Sau khi Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Quảng Trị lên tiếng cho
rằng không thể ăn thì ngay sau đó Cục An Toàn Thực Phẩm, thuộc Bộ Y Tế ở
Hà Nội phát biểu có thể ăn.
Bất nhất?
Truyền thông trong nước loan tin vào chiều ngày 11 tháng 6 vừa qua,
lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Trị cho niêm phong 25 tấn cá nục của vựa
cá Dũng Thuộc tại khóm An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh,
tỉnh Quảng Trị.
Lý do được cho biết là lực lượng liên ngành phát hiện số cá nục đó có nhiễm chất phenol mà họ cho là cực độc.
Kết quả phân tích kiểm nghiệm do đơn vị chức năng tỉnh Quảng Trị tiến
hành cho thấy mẫu cá nục đại diện cho lô hàng có hàm lượng phenol ở mức
0,037 mg/kg. Lô hàng này được mua sau khi xảy ra thảm họa cá chết hằng
loạt tấp vào bờ từ Vũng Áng, Hà Tĩnh xuống đến Thừa Thiên- Huế hồi đầu
tháng tư vừa qua.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, tỉnh Quảng Tri, ông
Hồ Sĩ Biên nói rõ phenol là chất cực độc, có thể gây chết người trong
khoảng thời gian sau 10 ngày sử dụng. Ông này còn nói thêm phenol là
loại chất cấm khi đóng gói bao bì thực phẩm và tuyệt đối không được có
trong thực phẩm.
Đề nghị của Sở Y Tế tỉnh Quảng Trị là cần phải tiêu hủy lô hàng 30
tấn cá nục mà trong đó có những mẫu bị nhiễm phenol mà lực lượng liên
ngành tỉnh này phát hiện.
Tuy nhiên sang tuần này thì cơ quan chức năng trung ương cho biết yêu
cầu tỉnh Quảng Trị gửi mẫu ra Hà Nội để phân tích, kiểm nghiệm lại.
Vào sáng ngày 14 tháng 6, báo chí trong nước trích đăng phát biểu của
phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, tiến sĩ Nguyễn Hùng
Long, cho rằng theo tính toán của ông này thì một người dù ăn 30 cân cá
nhiễm phenol với hàm lượng như mẫu cá nục bị phát hiện tại kho đông lạnh
của vựa cá Dũng- Thuộc ở Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị thì trong vòng một
tháng cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sở Y Tế tỉnh Quảng Trị vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng phenol là chất độc
không thể được có trong thực phẩm. Giám đốc Nguyễn Văn Thành của Sở y
tế Quảng Trị khẳng định ‘phenol chỉ gây ngộ độc cấp khi uống nhầm hoặc
tự tử, còn với hàm lượng nhỏ như thế này vẫn sẽ gây những ảnh hưởng có
hại cho sức khỏe người sử dụng về lâu dài.’
Ý kiến chuyên gia
Mạng báo Dân Trí trong ngày 11 tháng 6 trích dẫn phát biểu của Phó
Giáo sư- Tiến sĩ Trần Hồng Côn- Khoa Hóa Trường Đại học Khoa học Tự
Nhiên Hà Nội khẳng định chất phenol không có trong tự nhiêm mà chắc chắn
được nhân tạo; chủ yếu trong quá trình luyện than cố hoặc chế biến dầu
khì. Vị này cũng nói rằng phenol là chất độc không được sử dụng trong
công nghiệp thực phẩm.
Tờ báo dẫn nguyên văn lời phó giáo sư- tiến sĩ Trần Hồng Côn “ Phenol
là một họ chất hóa học có phenol đơn vòng và phenol đa vòng thơm. Đây
đều là những chất độc hại và có những chất người ta nghi ngờ gây ra ung
thư. Nếu trong cá kiểm nghiệm có chất phenol đơn vòng thì tác dụng nguy
hiểm cũng như độc tính ít hơn. Đối với phenol đa vòng thơm rất nguy hiểm
cho sức khỏe con người. Phenol được dùng trong nhiều lĩnh vực khác
nhau. Ví dụ cụ thể trong ngành công nghiệp phenol là nguyên liệu để điều
chế nhưa phenol formaldehyde. Từ phenol người ta tổng hợp ra tơ
polyamide.”
Cá nục đông lạnh nhiễm độc trong kho của Vựa cá Dũng Thuộc tại khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị hôm 10/6/2016. |
Giáo sư - tiến sĩ Trần Tứ Hiếu, chuyên ngành hóa phân tích, thuộc
Khoa Hóa, Đại học Khoa học- Tự nhiên Hà Nội cũng có trình bày về việc sử
dụng phenol trong công nghiệp, mức độ nguy hại của loại hóa chất này
đối với sức khỏe con người:
“Nó (phenol) trong công nghiệp ra là chủ yếu chứ trong tự nhiên ít
lắm, cực ít, chẳng sao cả! Nếu gây độc hại là do công nghiệp thải ra
thôi chứ không thể nào do tự nhiên được. Nhiều ngành công nghiệp như
công nghiệp luyện than cốc, công nghiệp luyện thép đều có hết. Do đó
trong nước thải của nhà máy luyện than cốc… có phenol rất nhiều. Khi ra
tự nhiên thì phenol luân chuyển ví dụ thải ra ở đầu sông thì cuối sông
bị. Hay thải ra ở miền trung thì tận miền nam cũng có thể bị ảnh hưởng
do chu trình luân chuyển.
Khi bị nhiễm phenol sẽ bị nhiều bệnh nguy hiểm. Phenol dây trực tiếp vào người còn có thể gây bỏng.
Tuy nhiên phải đến mức độ nào đó mới gây bệnh chứ không phải cứ
động đến phenol là nó gây bệnh đâu. Chất nào cũng thế thôi phải đến một
mức độ nào đó mới có thể gây bệnh được.
Tiêu chuẩn nhà nước (Việt Nam), tiêu chuẩn quốc tế đều có hết rồi.
Ví dụ mức cho phép trong nước uống, trong nước tắm giặt là bao nhiêu,
chứ không phải tất cả đều giống như nhau.
Cực kỳ phức tạp chứ không thể nói chung chung; nồng độ bao nhiêu mới gây bệnh được.”
Lo lắng của người dân
Trước những thông tin báo chí trong những ngày qua về số cá nục bị
phát hiện có chứa hàm lượng phenol ở mức 0,037mg/kg, một người ở Quảng
Trị cho biết ý kiến và nhận xét thực tế tại địa phương của ông hiện nay:
“Trong mấy ngày qua khi báo chí loan tin phenol có trong 30 tấn cá
như thế thì dân chúng rất quan tâm. Nói thực người ta rất hoang mang vì
nghe các nhà khoa học, các nhà chuyên môn nói đây là một chất cực độc
không được phép có trong thực phẩm và người ta nói độc thì dù hàm lượng
bao nhiêu cũng không nên có. Khi đã có cần phài tiêu hủy.
(Vụ việc mới) thực sự như giọt nước tràn ly cho sự hoang mang của
họ. Người dân rất lo lắng trong việc tiêu thụ hải sản; nên Bộ Y tế nói
như thế cũng không trấn an được họ.
Nói thẳng ra người ta rất mất lòng tin trước các thông tin mà các cơ quan chức năng đưa ra về việc cá chết.
Nỗi lo bao trùm toàn xã hội từ người đánh bắt đến người buôn bán ở
chợ, đến người tiêu dùng. Cơ quan chức năng thì lúng túng không có động
thái gì để trấn an dư luận.
Hiện đang có một cuộc khủng hoảng lớn về truyền thông vì trên thông tin có nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Điều chắc chắn là người ta không tin nữa.”
Người dân tỉnh Quảng Trị cho biết ngư dân tại địa phương ông cũng như
ngư dân tại khu vực miền Trung hiện nay đang hết sức khó khăn. Số không
thể đi đánh bắt gần bờ nếu có được chút ít dành dụm cho lúc ‘trái gió,
trở trời’ nay phải lấy ra chi dùng, rồi nhờ vào sự giúp đỡ của những nhà
hảo tâm.
Những người đi đánh bắt xa bờ về cũng rất khó tiêu thụ:
“Bây giờ những người đi đánh bắt rất khó khăn. của chúng tôi tại
những chợ lớn như Chợ Đông Hà, Chợ Cửa Tùng… thì hải sản cực kỳ khó bán
và gần như đứng yên không tiêu thụ được. Đó là một thực tế không thể
chối cãi được. Đi đâu người ta cũng nói đến chuyện cá chết, đi đâu người
ta cũng hoang mang về thực phẩm nhiễm độc.”Đánh bắt ngoài khu vực từ 20 hải lý, 30 hải lý nhưng đưa về cũng rất khó tiêu thụ. Theo quan sát
Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm bợ. Trong khi đó chính người đàn
ông tại Quảng Trị vừa nói cho biết bản thân ông và nhiều người khác tại
địa phương đều mong chờ chính quyền công bố nguyên nhân cá chết.
“ Thời gian mới hai tháng nên người ta còn có cái để ăn, còn cứu
trợ; nhưng đó thì chỉ là giải pháp tạm bợ. Còn lâu dài chắc chắn sẽ có
nhiều hệ lụy xảy ra nhưng nay chưa thể hiện.
Người dân vùng biển nếu đi vào các khu công nghiệp miền nam để làm
ăn thì họ không biết làm gì vì nghề của họ là đánh bắt; còn buôn bán
chuyển sang nghề khác cũng khó. Nên người ta đang còn chờ đợi. Quan
trong nhất là họ chờ đợi trả lời rõ ràng về nguyên nhân cá chết và hậu
quả có như các nhà khoa học đưa ra hay không? Bởi vì quá nhiều thông tin
về chuyện này. Người dân hết sức chờ đợi giải pháp trước mắt trong khi
lòng rất hoang mang.”
Giáo sư- tiến sĩ Trần Tứ Hiếu ở Hà Nội cũng nói rõ ông đang chờ công bố chính thức như thế.
“Tôi đang nghe ngóng như thế nào vì đã có phân tích, số liệu rồi
giờ người ta mời các chuyên gia nước ngoài… Ở biển cực kỳ phức tạp vì có
khi ở Việt Nam trôi ra, có khi ở nước ngoài trôi qua… Cái nọ chằng cái
kia như (về) thủy động học khi di chuyển ra làm sao, dòng chảy thế nào.
Khó lắm chứ không dễ đâu!”
Theo Wikipedia - Bách khoa Toàn thư mở thỉ phenol là chất rắn, tinh
thể, không màu có mùi đặc trưng, nóng chảy ở 43 độ C. Khi để lâu ngoài
không khí, phenol bị oxi hóa một phần nên có màu hồng và bị chảy rữa do
hấp thụ hơi nước. Phenol tan vô hạn ở 66 độ C. Phenol ít tan trong nước
lạnh mà chỉ tan trong một số hợp chất hữu cơ.
Mạng này cho rằng phenol rất độc và gây bỏng khi rơi vào da.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét