Bà Đinh Tử Lâm, trên bìa sách “Đi Tìm Những Nạn Nhân Ngày 4 Tháng Sáu” (Tầm phóng Tứ Lục Thọ nạn giả), Lưu Hiểu Ba đề tựa. |
Ngô Nhân Dụng
Ngày
4 Tháng Sáu năm nay, hàng trăm ngàn dân Hồng Kông sẽ thắp nến biểu tình
tưởng niệm các nạn nhân bị đảng Cộng Sản Trung Quốc tàn sát tại quảng
trường Thiên An Môn năm 1989. Hơn một phần tư thế kỷ, người Trung Hoa
sống ở nước ngoài vẫn tưởng niệm các sinh viên, học sinh và công nhân bị
giết. Gần đây, Hương Cảng là nơi biểu tình đông nhất. Đây là một phản
ứng của thanh niên, sinh viên lãnh thổ này, vì Bắc Kinh đã ngăn không
cho dân chúng được trực tiếp bầu người lãnh đạo, như họ từng hứa hẹn.
Dân Hồng Kông kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn để nhắc nhở mọi người
cần dân chủ hóa. Nếu không có tự do dân chủ, dân Hồng Kông có thể sẽ có
ngày chịu số phận của những nạn nhân Thiên An Môn.
Người Trung Hoa
gọi ngày 4 Tháng Sáu năm 1989 là ngày “Lục Tứ” (Tháng Sáu ngày Bốn) để
đề cao tầm quan trọng ngang với ngày “Ngũ Tứ,” 4 Tháng Năm năm 1919.
“Ngũ Tứ” là phong trào đề cao chủ quyền độc lập. Năm đó sinh viên, học
sinh Bắc Kinh đi biểu tình phản đối chính quyền hèn yếu không bảo vệ
quyền lợi và danh dự quốc gia. “Lục Tứ” mở đầu phong trào đòi dân chủ tự
do. Nhưng trong biến cố “Ngũ Tứ,” chính quyền quân phiệt chỉ bắt giam
một số sinh viên lãnh đạo; còn trong ngày 4 Tháng Sáu trước đây 27 năm,
Cộng Sản Trung Quốc đã bắn giết hàng ngàn sinh viên và công nhân.
Tuần trước, Tổ Chức Tranh Đấu Nhân Quyền Trung Quốc đã phổ biến bức
thư ngỏ của 131 bà trong tổ chức mang tên Những Bà Mẹ Thiên An Môn. Các
Bà Mẹ lên án thái độ lãnh đạm của đảng Cộng Sản trước nỗi đau khổ của
gia đình các nạn nhân. Họ tố cáo chính quyền muốn tẩy xóa trí nhớ của
người dân để thế hệ sau không ai biết về phong trào vận động cải cách
của giới trẻ vào năm 1989, cốt làm cho cuộc thảm sát trong ngày 4 Tháng
Sáu chìm vào quên lãng.
Bức thư vạch tội cộng sản đã thi hành chính sách “nhà nước khủng bố”
suốt 27 năm qua với thân nhân của các nạn nhân Thiên An Môn. Công an
luôn luôn theo dõi, rình mò, nghe trộm điện thoại và các liên lạc qua
máy điện toán, dọa nạt bằng những vụ truy tố về các tội bịa đặt. Các bà
mẹ lên án: “Tất cả các hành động đó làm tổn thương vong hồn những người
đã chết thảm trong cuộc đàn áp và xúc phạm những thân nhân còn sống.”
Bức thư ngỏ này được gửi cho cả thế giới sau khi guồng mấy công an
Trung Cộng gia tăng đe dọa người thân của các nạn nhân Thiên An Môn.
Hàng năm, trước ngày “Lục Tứ,” công an vẫn thường ngăn cản việc đi lại
và cấm các thân nhân không được tụ họp. Năm nay, áp lực này gia tăng
trong tháng qua vì cái chết của ông Tưởng Bồi Khôn (Jiang Peikun), cha
của Tưởng Kiện Liên (Jiang Jielian), một trong số sinh viên bị giết sớm
nhất trong cuộc thảm sát.
Công an đã cấm, không cho ai được đến thăm hỏi người vợ ông là bà
Đinh Tử Lâm (Ding Zilin). Bà nổi bật trong nhóm Các Bà Mẹ Thiên An Môn,
vì đã đã viết bài trên báo ở Hồng Kông đòi hỏi chính quyền Trung Cộng
phải đáp ứng những yêu cầu của các bà mẹ, năm 1991 bà đã được đài truyền
hình Mỹ ABC News phỏng vấn.
Những lời yêu cầu trên không có gì ngoài mối quan tâm của các bà mẹ
bình thường. Họ yêu cầu được tưởng niệm các con công khai và ôn hòa. Họ
muốn được tự do nhận hỗ trợ từ dân Trung Quốc và khắp năm châu. Họ đòi
chính quyền chấm dứt quấy rối gia đình các nạn nhân Thiên An Môn, và trả
tự do cho những người còn bị giam giữ. Cuối cùng, họ yêu cầu đảng Cộng
Sản mở cuộc điều tra về cuộc thảm sát, buộc các kẻ chủ mưu phải chịu
trách nhiệm.
Bà Đinh Tử Lâm năm nay 80 tuổi, vốn là một giáo sư triết học tại đại
học Nhân Dân ở Bắc Kinh. Chồng bà là chủ nhiệm Viện Thể Dục của đại học
này. Buổi tối ngày 3 Tháng Sáu năm 1989, con bà là Tưởng Kiện Liên, năm
đó mới 17 tuổi, đã rời nhà tới Quảng trường Thiên An Môn bất chấp lệnh
giới nghiêm. Sau đó, anh chết khi được đưa tới bệnh viện. Có người nói
anh đã bị công an bắn trúng tim rồi bỏ mặc nằm đó cho tới chết. Bà cũng
nghe nói con bà bị giết tại Quảng trường khi lính tiến vào bắn thẳng vào
đám sinh viên đợt đầu tiên, khi được đưa tới nhà thương nhi đồng thì đã
chết rồi. Sau khi con bị giết, bà Đinh Tử Lâm đã tự sát sáu lần không
thành công.
Kể từ Tháng Tám năm 1989, bà Đinh Tử Lâm đã tìm gặp các bà mẹ của
những nam nữ sinh viên bị thảm sát. Họ thăm hỏi, an ủi lẫn nhau, liên
kết thành một nhóm tương trợ, dần dần quy tụ được khoảng 150 người. Các
Bà Mẹ Thiên An Môn thành hình.
Đảng Cộng Sản đã tìm cách ngăn cản. Bà Đinh Tử Lâm bị làm khó dễ
trong công việc dậy học và nghiên cứu, cả hai vợ chồng bà bị trục xuất
ra khỏi đảng Cộng Sản và cho về hưu non. Bà bị bắt bỏ tù nhiều lần, khi
được thả lại bị quản thúc. Năm 1995 hai ông bà bị bắt ở Vô Tích, giam
giữ hơn một tháng để “điều tra vì phạm tội kinh tế!” Từ năm 2000 đến
nay, bà bị theo dõi 24 trên 24 giờ. Trong suốt thời gian đó, bà Đinh Tử
Lâm tiếp tục đi tìm họ tên những sinh viên bị giết tại Thiên An Môn
trong biến cố Lục Tứ. Năm 2004, tuần báo Time vinh danh bà Đinh Tử Lâm
như một trong 60 người anh hùng của Châu Á. Năm 2007, lần đầu tiên hai
vợ chồng bà được phép đến thắp nến tưởng niệm con tại Thiên An Môn, cùng
bố mẹ các sinh viên khác; nhân dịp đó Tổ chức Ân Xá Quốc tế (Amnesty
International) đã gửi lời ngợi khen nhà cầm quyền Trung Cộng! Tuy bà đã
được các tổ chức nhân quyền nổi tiếng chú ý, chính quyền cộng sản vẫn
bắt giam bà bất cứ lúc nào họ thấy cần! Trước khi Bắc Kinh tổ chức Thế
Vận Hội 2008, bà Đinh Tử Lâm bị “đưa đi nghỉ hè” bất đắc dĩ! Bà bị bắt
lần nữa khi ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) được trao giải Nobel Hòa Bình
năm 2010, ông đã ngỏ lời tặng vinh dự này cho các nạn nhân Thiên An Môn.
Năm 2007, bà Đinh Tử Lâm được trao Giải Tự Do Cầm Bút với cuốn sách
“Đi Tìm Những Nạn Nhân Ngày 4 Tháng Sáu” (Tầm phóng Tứ Lục Thọ Nạn giả)
tường thuật công việc điều tra của bà trong 25 năm. Giải thưởng này mang
tên thi sĩ Vasyl Stus người Ukraine, ông đã trải qua 23 năm trong các
nhà tù cộng sản khi Ukraine còn thuộc Liên bang Xô Viết. Ông qua đời năm
1985 khi mới 47 tuổi, trong lúc đang được nhà văn Đức Heinrich Boll đề
cử lãnh giải Nobel Văn Chương.
Bà Đinh Tử Lâm đáng được các bà mẹ Việt Nam noi gương. Mặc dù bà
tranh đấu chỉ vì tình yêu thương dành cho đứa con trai duy nhất bị sát
hại, nhưng hành động can đảm của bà cũng khuyến khích bao nhiêu bà mẹ
khác đứng lên đòi quyền sống tự do và có phẩm giá cho những người dân
Trung Quốc bình thường khác. Vì lòng mẹ yêu con là một tình tự khiến ai
cũng có thể chia sẻ và xúc động, ai ai cũng phải kính trọng. Đảng Cộng
Sản Trung Quốc rất sợ hãi cho nên đã tìm mọi cách vùi dập bà Đinh Tử
Lâm.
Một bà mẹ Việt Nam hiện nay đang hành động như bà Đinh Tử Lâm là bà
Nguyễn Thị Kim Liên ở Long An, người mẹ của tù nhân lương tâm Đinh
Nguyên Kha. Đinh Nguyên Kha đã bị bắt, bị ra tòa cùng với Nguyễn Phương
Uyên năm 2013 chỉ vì đã lên tiếng trên mạng đòi đảng Cộng sản không được
bắt cả dân tộc chịu nhục nhã trước cuộc xâm lăng của Trung Cộng. Trước
tòa án, Kha thản nhiên nói, “Chống Đảng thì không phạm tội..., vì không
có luật nào nói như vậy.” Từ đó đến nay, Bà Nguyễn Thị Kim Liên đã sang
tận Châu Mỹ và Châu Âu, vận động dư luận tạo áp lực đòi chế độ Cộng Sản
trả tự do cho con trai bà.
Nhưng tại Việt Nam còn bao nhiêu người chết oan khuất không khác gì
các nạn nhân Thiên An Môn. Đó là những người chết trong lúc bị bắt giam
trong đồn công an. Cuộc thảm sát diễn ra cho từng cá nhân, một cách âm
thầm, nhưng con số nạn nhân rất lớn. Em Trịnh Xuân Quyền, 16 tuổi, ở
huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông chết bất thường trong lúc bị tạm giam. Cũng
tại tỉnh này, một người chỉ được báo trong nước nêu tên tắt là anh Huỳnh
N., 39 tuổi, đã trở thành nạn nhân thứ tư chết trong tay công an trong
năm 2014. Các bà mẹ, các chị, em, vợ con của những nạn nhân chưa bao giờ
gặp nhau, chưa bao giờ cùng lên tiếng đòi mở một cuộc điều tra về tất
cả những cái chết oan khuất đó. Cần một cơ quan đứng ngoài công an và
một tổ chức độc lập với đảng Cộng Sản phụ trách công việc điều tra này.
Đảng Cộng sản rất sợ cảnh người dân bị trị biết tìm đến nhau, đoàn
kết với nhau vì cùng chịu cảnh oan khuất. Nhà văn Mã Kiến (Ma Jian) tác
giả cuốn Bắc Kinh Hôn Mê, (bản dịch tiếng Anh Beijing Coma), đã ca ngợi
bà Đinh Tử Lâm trên nhật báo New York Times nhân ngày Lục Tứ năm 2008,
nhận xét rằng, “mặc dù bên ngoài tỏ ra hung hãn, đảng Cộng Sản Trung
Quốc đang sợ hãi như một con nai bị thợ săn chiếu đèn.” Họ run sợ vì dù
đã cố mọi cách xé bỏ một trang lịch sử đẫm máu nhưng người dân Trung Hoa
nhất định không quên.
Ngày 4 Tháng Sáu mỗi năm là ngày các bà mẹ, vợ con, và chị em của
những nạn nhân người Việt chết trong đồn công an đứng lên phát động một
phong trào đòi công lý! Họ sẽ là Những Bà Mẹ Thiên An Môn của Việt Nam.
Ngô Nhân Dụng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét